Đứng trước thách thức của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế việc giáo dục cho thanh niên những giá trị đạo đức truyền thống là hết sức cần thiết và quan trọng. Được sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, thanh niên Tuyên Quang vinh dự được kế thừa những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhưng vì được sinh ra trong đất nước hoà bình, thanh niên nói chung và thanh niên Tuyên Quang nói riêng phần nào chưa thấu được hết những biến cố lịch sử to lớn, những mất mát hi sinh trong chiến tranh… Chính vì thế việc giáo dục cho thanh niên Tuyên Quang về lịch sử, về những giá trị truyền thống cách mạng là một việc làm quan trọng giúp mỗi thanh niên hiểu hơn về truyền thống của đất nước nhằm nâng cao lòng tự hào dân tộc, tiếp thêm sức mạnh trước những thách thức khó khăn.
Những giá trị đạo đức truyền thống như lòng yêu nước, lòng nhân ái yêu thương con người, tinh thần đoàn kết, yêu lao động, hiếu học, đức tính siêng năng cần cù trong lao động…là những giá trị được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện trong các chuẩn mực phổ biến và cơ bản để điều chỉnh và đánh giá hành vi của các cá nhân.
Yêu nước là truyền thống cực kì quý báu, lâu đời của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam được thể hiện ở lòng dũng cảm, ý chí bất khuất; đó là tinh thần hết mực yêu hoà bình, yêu tự do. Chính tinh thần yêu nước nồng nàn đã giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi thế lực xâm lược. Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành dòng chủ lực của đời sống người Việt Nam, thành một triết lý xã hội và nhân sinh trong tâm hồn người Việt. Tổng kết truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, tại Đại hội Đại
26
biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam ngày 11 -2- 1951 Hồ Chí Minh nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” [48, tr.171].
Trước đây, lòng yêu nước được thể hiện tập trung cao nhất ở những hành động dũng cảm, sự hy sinh cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ngày nay, trong xây dựng và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc phát huy lòng yêu nước chính là nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Yêu nước phải gắn liền với ý chí tự lực, tự cường, sự nỗ lực trong học tập, lao động, sáng tạo trong tư duy và hành động nhằm phát huy mọi tiềm năng để chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, nhân dân được ấm no, hạnh phúc, thực hiện quyền bình đẳng và độc lập dân tộc, vươn lên ngang tầm thời đại. Chính vì vậy, yêu nước là niềm tự hào của dân tộc và là một truyền thống cực kì quý báu mà lớp thanh niên Tuyên Quang cần phải kế thừa và đổi mới trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Truyền thống cần cù, tiết kiệm cũng là một trong những giá trị đạo đức có từ bao đời của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình lao động sản xuất, con người luôn phải sống và lao động trong những điều kiện khắc nghiệt như: hạn hán, mưa bão, lũ lụt…Sống trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, nhưng nhờ đức tính cần cù, tiết kiệm mà nhân dân ta đã từng bước vượt qua, tự khẳng định mình trong quá trình phát triển của dân tộc. Cần cù của dân tộc Việt Nam là sự siêng năng trong học tập và lao động sản xuất. Truyền thống tiết kiệm được thể hiện ở chỗ không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm ở đây không chỉ là tiết kiệm về tiền của, mà còn bao hàm cả sự tiết kiệm sức lao động và thời gian.
27
Truyền thống tiết kiệm của dân tộc Việt Nam không có nghĩa là keo kiệt, bủn xỉn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân biệt rất rõ giữa tiết kiệm và bủn xỉn Người cho rằng, việc đáng tiêu mà không tiêu là bủn xỉn chứ không phải là tiết kiệm, và nhắc nhở chúng ta rằng: “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho tổ quốc thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng” [47,tr.637].
Thực tiễn đã chứng minh rằng, nhờ có cần cù, sáng tạo và tiết kiệm trong lao động mà cha ông đã xây dựng được non sông gấm vóc và giữ vững nền độc lập của đất nước đến nay. Trong quá trình đổi mới của đất nước hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh niên không biết trân trọng đồng tiền, lười lao động, chỉ thích hưởng thụ và tiêu hoang phí, thì việc giáo dục tiết kiệm, cần cù luôn phải được giáo dục thường xuyên.
Lòng nhân ái, yêu thương con người là một đức tính nhân đạo cao cả của dân tộc Việt Nam. Đức tính ấy đã thấm sâu vào các mối quan hệ gia đình, làng xóm, đến cộng đồng xã hội và nhân loại. Truyền thống nhân ái của người Việt Nam thể hiện rõ trong cuộc sống hàng ngày, trong lao động, học tập và chiến đấu. Mặc dù trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, lòng nhân ái mang những nội dung mới khác nhau, nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét đặc sắc riêng, là cơ sở để thiết lập các mối quan hệ giữa người và người trong tất cả các mối quan hệ xã hội.
Tinh thần đoàn kết cộng đồng sâu sắc, tương trợ lẫn nhau cũng là một nét đẹp trong những giá trị truyền thống của người Việt. Nó được hình thành trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống thiên nhiên khắc nghiệt. Bởi trong những điều kiện khó khăn đó, con người muốn vượt qua họ phải “chung lưng đấu cật”, góp sức, góp trí… vì vậy tinh thần đoàn kết cộng đồng được hình thành là một lẽ tất nhiên để đáp ứng nhu cầu khách quan đòi hỏi. Dân tộc Việt Nam luôn xem đoàn kết là một sức mạnh làm nên mọi thắng
28
lợi. Đặc biệt tinh thần đoàn kết thể hiện rõ nhất khi chống giặc ngoại xâm cùng “đồng lòng đồng sức”, khi đói rét thì “nhường cơm xẻ áo”, khi gặp hoạn nạn thì “chị ngã em nâng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Nhờ đoàn kết mà đất nước ta ngày càng bền vững và phát triển hơn. Thế hệ thanh niên ngày nay, trước những thách thức của thời kì công nghiệp hoá, cần phải đoàn kết lại với nhau, với các thế hệ để đưa nước ta ngày càng tiến xa, chỉ có đoàn kết mới đem lại thành công.
Truyền thống hiếu học cũng là một trong những giá trị quý báu của dân tộc Việt Nam. Hiếu học có cơ sở bền vững từ mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi quê hương của người Việt Nam. Dù bất kì ở đâu trên đất nước Việt Nam, chúng ta luôn bắt gặp những gương hiếu học đáng trân trọng. Đảng, nhà nước và nhân dân ta đã nhận thức được rằng không thể khắc phục đói nghèo, đưa đất nước phát triển nếu không có tri thức khoa học. Trong thời kì hiện nay, bản thân mỗi thanh niên là một tri thức trẻ cần luôn luôn phải trau dồi tri thức, phải luôn thấm nhuần câu nói của Lênin “học, học nữa, học mãi” để trở thành những người có tài phục vụ cho đất nước.