Trong cuốn tự truyện của mình, Fukuzawa Yukichi có nhắc đến lời nhận xét của Quốc vụ trưởng Mỹ là William Henry Seward rằng “người Nhật vốn có đức tính kiên trì, nhẫn nại, nhưng khổ một điều là rất khó có thể tự lập được” [61, tr.283].
Phản ứng trước nhận định đó, ông bộc bạch:
“Tôi tự nhìn những hoạt động của chính phủ mới cũng thấy họ chỉ toàn phát huy những tư tưởng thủ cựu đã mất tác dụng trong thời đại mới của Nho giáo và những tư tưởng cổ lỗ, cứng nhắc của các học thuật cổ khác. Hơn thế nữa, họ còn lộng hành trong khi chưa có thực quyền” [61, tr.283].
Fukuzawa Yukichi cho rằng, chính Nhật Bản đã tự làm cho bản thân mình rơi vào tình cảnh bất bình đẳng và lạc hậu hơn so với các nước khác trong lĩnh vực tri thức khoa học. Khoa học thực ra không phải là ở chỗ hãy ghi nhớ thật nhiều những chữ tượng hình rắc rối, nghiền ngẫm các tập sách khó hiểu, ngâm nga những câu cổ thi, biết làm thơ theo vần luật, cách cú Trung Hoa, nghĩa là cứ chuyên chú vào thứ văn chương cử tử vốn chẳng bổ ích gì cho đời. Cách học ấy sẽ chẳng đưa nước Nhật tiến đến một xã hội văn minh như ông quan niệm.
Trước thực tế đó, Fukuzawa Yukichi đã đề xuất phương pháp học tập mới “Trước tiên phải biết viết, biết thảo những văn bản ích dụng, biết làm tính, biết đo lường; kế đến cần phải biết thêm nhiều thứ khác nữa; như địa lý học, kinh tế học, đạo đức học” Phải biết chắt lọc lấy mỗi ngành tri thức, mỗi bộ môn khoa học ấy những gì hữu ích cho thực tiễn. Khi nghiên cứu sự vật, hiện tượng, khảo cứu các quy luật của nó, phải hướng vào những nhu cầu cần thiết hiện thời” [62, tr.26-27].
Nói khác đi, cách mà Fukuzawa Yukichi đề ra chính là Jitsugaku (thực học), tiếp thu văn minh phương Tây để phát triển đất nước, trên cơ sở đó nhằm củng cố nền độc lập dân tộc. Đây là phương pháp học tập tiến bộ, thúc đẩy khả năng sáng tạo, tư duy tích cực, toàn diện. Nếu phương pháp học tập cũ chỉ mang đến cho người học sự thụ động, nếp tư duy giáo điều thì thực học lại kích thích được tính chủ động, tìm tòi cái mới. Fukuzawa Yukichi cho rằng, Jitsugaku không chỉ mang lại độc lập cho cá nhân mà còn mang lại độc lập và tự do cho cả đất nước Nhật Bản. Cách học này, rõ ràng có hiệu quả hơn nhất là trong bối cảnh Nhật Bản hội nhập với thế giới.
Bên cạnh đó, Fukuzawa Yukichi cũng đề ra phương châm giáo dục là: “Dạy chủ yếu là khoa học tự nhiên và giáo dục tinh thần độc lập” [61, tr.291]. Đó là hai điểm yếu cơ bản cần được khắc phục của nền giáo dục Nhật Bản. Trước đây, trong chương trình giáo dục của Nhật Bản chủ yếu giảng dạy kinh điển, lễ nghi của Nho giáo, tức nhấn mạnh đến việc rèn luyện đạo đức, hình thành nhân cách con người theo những chuẩn mực của Nho giáo. Chương trình đó không sai nhưng đứng trước những thách thức, bối cảnh mới thì việc giảng dạy như vậy sẽ gây cản trở tới công cuộc hiện đại hóa đất nước, tới việc tiếp thu và vận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ. Bản nguyện của ông:“Tôi muốn họ suy nghĩ về mọi sự vận động của những vật hữu thể như con người, vạn vật theo lối tư duy đó. Còn về mặt đạo đức, chúng tôi công nhận con người là chí tôn, chí linh của vạn vật nên phải trân trọng, không được coi thường hay khinh miệt và cũng không được làm điều gì trái với nhân luân con người. Bất nhân, bất nghĩa, bất trung, bất hiếu, những điều xấu xa đó, dù có ai nhờ hay thúc bách đến đâu, cũng không được làm. Mỗi người đều phải hướng đến những hành động cao thượng và phải có tinh thần tự lập cao” [61, tr.291].
Fukuzawa Yukichi nhắc đến một phương pháp để nâng cao kiến thức mà ông gọi là “bí quyết” chính là “không được tự mãn”. Đó là “phải suy nghĩ, so sánh trạng thái của sự vật, nhắm tới giai đoạn phát triển cao hơn, kiên quyết không được tự thỏa mãn. Tuy nhiên, nếu chỉ lấy một yếu tố hay một hiện tượng để phân tích và so sánh thôi thì không đủ mà phải phân tích mọi “sở trường”, “sở đoản” của các yếu tố, các hiện tượng nằm trong tình thế, hình thái sự vật ở cả hai phía” [62, tr.177] nhằm hiểu sâu sắc vấn đề.
Thái độ tự mãn trong học tập sẽ triệt tiêu khả năng sáng tạo, óc phân tích, tư duy nhạy bén, linh hoạt v.v dẫn tới hậu quả con đường tiến tới tri thức hiện đại sẽ rơi vào ngõ cụt. Đây là phương pháp học tập rất hiệu quả, đòi hỏi người học phải luôn đào sâu suy nghĩ, tìm hiểu bản chất của sự vật, hiện tượng một cách toàn diện. Phương pháp này đã kích thích được sự phát triển tri thức nhân loại nói chung và nền học vấn của Nhật Bản nói riêng. Fukuzawa Yukichi đưa ra quan niệm về phương pháp này không những có tác dụng tích cực trong thời đại đó mà cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, trong tác phẩm Fukuzawa Yukichi đã đặc biệt đề cao đến phương pháp diễn thuyết, ông đã dành phần 12 trong cuốn “Khuyến học” để nói tới phương pháp đó. Diễn thuyết trong tiếng anh gọi là “speech”, là cách truyền đạt suy nghĩ, ý kiến của mình bằng lời trước đông đảo người nghe. Ở các nước phương Tây, diễn thuyết thường diễn ra trong nghị viện, trong cuộc họp chính phủ, trong các hội thảo, các công ty thương mại v.v thậm chí là khai trương một cửa hiệu. Việc làm này trở thành tập quán của người phương Tây, nhưng lại hoàn toàn mới mẻ với Nhật Bản. Để lĩnh hội và hiểu sâu bản chất của từng tri thức, ông cho rằng quá trình này phải trải qua ba bước: Quan sát sự vật, suy luận, đọc sách để tích lũy tri thức; bàn bạc, tranh luận là cách để trao đổi tri thức; viết, diễn thuyết là cách để mở rộng tri thức. Ưu điểm của phương pháp này: trình bày trực tiếp ý kiến cá
nhân bằng lời sẽ nhanh chóng thuyết phục được đông đảo người nghe, vì thế ông khuyến khích người Nhật Bản sử dụng nó.
Có thể nói, phương pháp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với người học, nó như kim chỉ nam hướng dẫn họ trên con đường tiếp thu, lĩnh hội tri thức của nhân loại. Nếu không có phương pháp học tập đúng đắn thì tri thức với người học chỉ là những thứ lộn xộn, không có trật tự. Nhận thức được tầm quan trọng nó, Fukuzawa Yukichi đã đưa ra các phương pháp học tập tích cực, qua đó kích thích được sự sáng tạo, tính hiệu quả trong quá trình học tập.
Nhật Bản là một nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, vì vậy hệ thống giáo dục được xem là chìa khóa giúp thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế và ổn định xã hội. Giáo dục đã nâng cao trình độ dân trí, góp phần xây dựng nên một ý thức dân tộc mạnh mẽ trong thời kỳ này. Từ đó, nhờ sự phát triển giáo dục đã hình thành nên những ý tưởng và khuynh hướng tư duy hết sức mới mẻ, hướng gần đến lối tư duy của một xã hội công nghiệp hiện đại, nhấn mạnh đến vai trò của cá nhân, hoàn toàn khác lạ với lối tư duy hướng vào gia đình, cộng đồng theo kiểu truyền thống. Các khuynh hướng tư duy đó đã làm phong phú thêm kho tàng tri thức của Nhật Bản. Tầm suy nghĩ của dân tộc không bị gò bó trong một khuôn khổ tư tưởng hạn hẹp nào. Quốc học, Hà Lan học, Khai quốc học v.v đã phá vỡ thế độc tôn của Khổng học, coi Trung Hoa là nguồn tiếp thu văn hóa duy nhất của Nhật Bản. Với những biến chuyển đó, Fukuzawa Yukichi xứng đáng với danh hiệu mà người đời đề tặng “bậc khai quốc công thần” của Nhật Bản. Những tư tưởng về giáo dục của Fukuzawa Yukichi là cơ sở để Bộ Giáo dục Nhật Bản soạn thảo cuốn “Cơ sở làm nên đại nghiệp” có vai trò như căn cốt của chính sách nâng cao dân trí bằng sự nghiệp phổ cập giáo dục từ hạ tầng đến thượng tầng.