CHƯƠNG 2: NHỮNG TƯ TƯỞNG DUY TÂN VỀ GIÁO DỤC CHỦ YẾU CỦA FUKUZAWA YUKICHI
2.2. Nguyên tắc tiến hành giáo dục
Trong bối cảnh của phương Tây đã trải qua cách mạng tư sản và đang tham gia mạnh mẽ vào cuộc cách mạng công nghiệp thì nội dung giảng dạy trong các trường học của Nhật Bản không còn đáp ứng được cho yêu cầu phát triển của xã hội. Nội dung giảng dạy chủ yếu trong các cấp học vẫn là những
lý luận về Nho giáo, nhằm phục vụ cho mục tiêu duy trì sự ổn định xã hội phong kiến theo trật tự định sẵn. Hơn thế, cho đến thời điểm đó, Nhật Bản vẫn chưa có một cơ quan chính quyền chịu trách nhiệm quản lý giáo dục. Vì thế, việc thực thi những cải cách giáo dục toàn diện là đòi hỏi tất yếu trong giai đoạn phát triển mới của nước Nhật. Điều này đặc biệt cần thiết, vì nó không chỉ cung cấp những kỹ năng đáp ứng cho sự phát triển kinh tế, quân sự mà còn góp phần biến nước Nhật từ chỗ chia cắt với gần 300 lãnh địa trở thành một quốc gia thống nhất, cùng sử dụng một chương trình giáo dục.
Không giống với cải cách một số lĩnh vực khác, cải cách giáo dục liên quan trực tiếp đến mỗi người dân trong một thời gian dài và trên diện rộng. Kết quả của cải cách có ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, khi tiến hành đổi mới hệ thống giáo dục, theo ông, cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
2.2.1.Tiếp thu có chọn lọc văn minh phương Tây trên cơ sở đề cao chủ nghĩa quốc gia
Fukuzawa Yukichi là người luôn đề cao giáo dục và tri thức phương Tây. Giữa âm thanh hỗn loạn của cuộc chiến giữa lực lượng nổi dậy chống lại chế độ phong kiến Tokugawa, Fukuzawa Yukichi đã nói với học sinh trong bài giảng của mình “cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, cho dù cuộc chiến tranh tàn phá đất nước ta như thế nào, chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ kiến thức của phương Tây. Chừng nào ngôi trường này còn đứng vững, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia văn minh trên thế giới” [56, tr.21].
Nhật Bản đứng trước yêu cầu cấp bách là phải cải cách toàn bộ đất nước trên tất cả các mặt. Trước hết, nó xuất phát từ lợi ích quốc gia, từ mục tiêu duy trì nền độc lập dân tộc đang bị đe dọa trước áp lực của các nước phương Tây. Đúng như Fukuzawa Yukichi đã nhận định “Việc tiếp thu văn minh phương Tây không phải là cứu cánh, mà bất quá chỉ là phương tiện. Để
bảo vệ độc lập dân tộc không có cách nào khác ngoài con đường tiến đến văn minh. Lý do duy nhất để người dân ta tiến đến văn minh là để bảo vệ độc lập quốc gia” [17, tr.34]. Vì vậy, có thể thấy được tầm quan trọng của mối liên hệ giữa quốc gia và giáo dục là hết sức chặt chẽ. Trong quá trình phát triển mới của nền giáo dục, chủ nghĩa quốc gia luôn đóng vai trò chủ đạo, chi phối phương hướng phát triển của giáo dục.
Không thể phủ nhận thành tựu của văn minh phương Tây, song việc tiếp thu nó, theo Fukuzawa Yukichi, phải mang tính chọn lọc cao. Ông nhận thấy: “Văn minh phương Tây đúng là hơn hẳn chúng ta, nhưng không có nghĩa là cái gì của nó cũng hoàn hảo cả. Văn minh phương Tây cũng đầy rẫy những khiếm khuyết. Phong tục phương Tây không phải thứ gì cũng hay ho”
[62, tr.212].
Từ đó, ông đưa ra lời cảnh báo:
“Việc những người theo chủ nghĩa tiến bộ, vất bỏ tập quán cũ của Nhật Bản, tin tưởng hoàn toàn văn hóa phương Tây là hành động hết sức bộp chộp, thiếu thận trọng. Bằng thái độ giống hệt như đã từng mù quáng tin vào những tập quán cũ Nhật Bản, giờ đây họ lại tin tưởng mù quáng cái mới - văn minh phương Tây, đến mức bắt chước rập khuôn cả những khiếm khuyết của nó”
[62, tr.216].
Tri thức ở đây không chỉ là kinh sách, nghi điển cũ mà còn phải chú trọng đến những thành tựu, tinh hoa của thế giới. Tất nhiên, việc tiếp thu tri thức phải có tính chọn lọc, phù hợp với điều kiện của đất nước. Ông cũng cảnh báo tư tưởng sùng bái, tin một cách mù quáng phương Tây. Văn minh của họ đúng là hơn hẳn phương Đông, song điều đó không có nghĩa tất cả cái gì của họ cũng hoàn hảo. Ngược lại, phong tục của Nhật Bản không phải cái gì cũng là hủ tục, lạc hậu. Vấn đề quan trọng là phải biết tiếp thu cái gì, lọc bỏ cái gì. Nói khác đi, nhắc tới nguyên tắc này, Fukuzawa Yukichi khuyên nhân
dân Nhật Bản khi tiếp thu những thành quả của phương Tây phải trên tinh thần “chọn lọc có phê phán”. Thực trạng xã hội đang tồn tại đan xen giữa cái cũ và cái mới, cái tiến bộ và cái bảo thủ thì việc lựa chọn đúng là rất cần thiết và cấp bách trên cơ sở so sánh văn minh Nhật Bản với văn minh phương Tây.
Việc làm này, một lần nữa khẳng định vai trò của giáo dục trên phương diện chỉ có học vấn mới tạo ra năng lực phán đoán cho con người.
Trong lĩnh vực giáo dục, suốt một thời gian dài, trường học đã trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống của người Nhật. Vì thế, sau sự kiện chiến hạm Mỹ đến Nhật Bản năm 1853, ngay cả tầng lớp bảo thủ nhất trong xã hội Nhật Bản cũng nhận thấy sự lạc hậu của đất nước mình. Họ đổ lỗi cho sự chậm chễ của khoa học Nhật Bản. Như một tất yếu, chính sách đóng cửa, biệt lập với thế giới bên ngoài của chính quyền đang cho thấy những hạn chế không thể tránh khỏi. Từ đây, dấy lên một làn sóng tranh luận về ý nghĩa của việc hiện đại hóa giáo dục. Việc tiếp thu văn minh phương Tây lúc này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trên thực tế, Nhật Bản cần tiếp thu thành tựu về khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm học tập v.v của phương Tây để từng bước thay đổi hệ thống giáo dục đã trở nên lỗi thời, tiến tới hiện đại hóa nền giáo dục đất nước. Nền giáo dục của Nhật Bản, theo Fukuzawa Yukichi, phải đề cao khoa học tự nhiên, dựa vào những thành tựu của khoa học tự nhiên để phát minh ra thiết bị, máy móc hiện đại. Đây là điều kiện thiết yếu để mỗi quốc gia nói riêng tiến hành hiện đại hóa đất nước.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, cùng với việc hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng hiện đại, ở Nhật Bản cần coi trọng lao động trí óc hơn lao động chân tay. Lao động trí óc được xem là lao động chủ yếu thông qua trí lực của mình, thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật của mỗi quốc gia.
Bởi vì, thực tế là sự phát triển nói chung không thể dựa vào số lượng đông đảo những người lao động chân tay. Điều này phải được coi là định hướng
phát triển, hiện đại hóa giáo dục của bất kỳ một quốc gia nào muốn đạt đến xã hội văn minh. Vì vậy, họ phải là người nhận được nhiều sự động viên, khích lệ hơn ai khác trong xã hội. Có như vậy mới thúc đẩy được sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục, qua đó góp phần phát triển mọi mặt của đất nước.
Thực tiễn chính sách mở cửa đã giúp người Nhật hiểu rằng: giáo dục chính là chìa khóa bí mật của văn minh phương Tây. Điều này cho thấy vai trò to lớn của giáo dục đối với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, người nước ngoài chỉ được sử dụng với tư cách là những người cung cấp kỹ thuật, tri thức chứ không được tham gia vào những vấn đề có tính chất chính trị. Điều đáng chú ý là, trong khi mở cửa, học hỏi các nền văn hóa tiên tiến bên ngoài, Nhật Bản không bao giờ chủ trương sao chép, học tập nguyên mẫu một cách thô cứng. Họ luôn có sự sáng tạo, biết vận dụng phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn và thích ứng với sự phát triển của xã hội.
Hơn nữa, việc nhận ra những khác biệt và khoảng cách phát triển với thế giới là sự thể hiện bản lĩnh dân tộc. Nguyên tắc này một mặt giúp cho Nhật Bản tránh được sự chi phối, ảnh hưởng của bên ngoài, nhất là khi những tri thức mới mẻ của phương Tây ồ ạt du nhập vào Nhật Bản; mặt khác nó giúp cho người Nhật luôn tìm ra con đường phát triển phù hợp với xu thế chung của lịch sử.
2.2.2. Thiết lập một nền giáo dục thực dụng
Trong suốt chiều dài lịch sử, người Nhật luôn có cái nhìn rất thực tế về dân tộc mình. Chính vì lẽ đó, họ đã từng chú trọng tiếp thu nền văn minh Trung Hoa. Đến những năm cuối của thế kỷ XIX, họ lại nhìn thấy thực trạng chêch lệch khoảng cách phát triển ở trong và ngoài nước. Trong khi nước Nhật vẫn bám vào mô hình của mấy trăm năm trước thì cuộc cách mạng kỹ thuật đã đưa lại những thành tựu rất cụ thể. Ở các nước phương Tây đã xuất hiện những con tàu chạy bằng hơi nước, xe lửa, điện thoại,v.v con người được
sống trong xã hội mà Fukuzawa Yukichi gọi là “xã hội văn minh”. Từ thực trạng đó ông cho rằng nước Nhật cũng phải tiến tới một xã hội như vậy. Nền văn minh của Nhật Bản sẽ chỉ có được sau khi “chúng ta quét sạch tinh thần cũ kỹ đã thấm sâu vào tâm trí của nhân dân”[63, tr.57]. Xã hội này hoàn toàn khác với xã hội phong kiến mà nước Nhật duy trì hơn 600 năm qua. Giai cấp cầm quyền Nhật Bản vẫn giữ mối liên hệ thu hẹp, đóng kín và dựa trên nguyên tắc luân lý để bảo vệ địa vị thống trị của mình. Con người phải chấp nhận một cách tiêu cực những mối quan hệ xã hội có sẵn, không được xét đoán độc lập, không được đảm bảo đầy đủ điều kiện cho sự phát triển toàn diện con người. Vì vậy, hậu quả không thể tránh khỏi là họ không thể phát huy được trí thông minh, óc sáng tạo. Con người phải bước sang một giai đoạn mới - xã hội văn minh. Sống trong điều kiện môi trường luôn luôn biến đổi đòi hỏi con người phải hết sức linh hoạt, nhạy bén cùng với khả năng phân tích thành thạo. Muốn đạt được mục tiêu đó, yêu cầu bức thiết đặt ra là nền giáo dục trong nước phải thay đổi. Lối học từ chương, trích cú trước đây bị phê phán một cách kịch liệt. Giáo dục phải được xây dựng trên cơ sở của chủ nghĩa thực dụng, quan tâm hơn nữa đến những lợi ích thiết thực cũng như những mục tiêu lâu dài. Đây là điểm khác căn bản giữa phương Đông và phương Tây. Nói khác đi, Fukuzawa Yukichi muốn nhấn mạnh đến tính hiệu quả của nền giáo dục, nhằm đáp ứng yêu cầu của mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, Fukuzawa Yukichi là người am hiểu khá sâu sắc Hán học nhưng “không tôn thờ Hán học và không đặt Hán học ở vị trí quan trọng” [61, tr.293]. Vì thế ông luôn phê phán, chỉ ra những thiếu sót.
Điều quan trọng là Fukuzawa Yukichi đã nhận ra rằng chính những tư tưởng thủ cựu của Nho giáo là nguyên nhân làm cản trở việc du nhập văn minh phương Tây.
Trong tác phẩm “Khuyến học”, Fukuzawa Yukichi dành một phần nhỏ
“không phải mọi điều trong Luận Ngữ đều đúng” để phê phán những quan niệm sai trái, cổ hủ tồn tại trong xã hội. Khổng Tử là người uyên thâm, tư tưởng của ông có nhiều điểm hợp lý đối với xã hội Trung Quốc bấy giờ. Tuy nhiên, nếu đem áp dụng nguyên xi những tư tưởng ấy cho thời nay thì lại là việc làm sai lầm. Fukuzawa Yukichi cho rằng, trong dân gian đã có rất nhiều lý thuyết giảng giải về chữ Hiếu, để được coi là “có hiếu” thì yêu cầu những hành vi hết sức phi lý, vượt quá khả năng của con người. Fukuzawa Yukichi viết “Nào là chỉ vì thấy mẹ muốn được ăn món cá chép, người con không quản giá buốt trong ngày đông giá rét, cởi trần năm đợi trên lớp băng tuyết chờ cho đến khi băng tan để bắt cá. Thử hỏi “loại người trần” bình thường như chúng ta, ai có thể làm được như vậy. Nào là trong đêm hè oi bức, thương cha mẹ nghèo không có lấy tấm màn giăng muỗi, người con bèn cởi bỏ quần áo, ở trần truồng rồi lấy rượu đổ khắp lên người để muỗi nghe mùi bâu tới đốt mình, tránh cho cha mẹ bị đốt. Thật vô lý, nếu có tiền để mua hàng lít rượu sao không lấy tiền đó mua màn” [62, tr.130].
Fukuzawa Yukichi cho rằng một số tư tưởng trong Nho học đó đã làm ảnh hưởng đến xã hội, đã sinh ra những thói xấu của con người. Con người bị đóng khung theo quy định về thân phận, địa vị, đẳng cấp trên dưới, sang hèn và bị ăn sâu trong xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau, qua đời này sang đời khác. Ông luận giải “Tâm hồn con người dù là nam hay nữ đều giống nhau. Hơn nữa, nói tới “kẻ tiểu nhân” có lẽ Đức Khổng Tử muốn ám chỉ những người thấp cổ bé họng. Không có đạo lý nào quy định rằng đứa trẻ do người hạ đẳng sinh ra nhất định sẽ trở thành hạ đẳng. Những đứa trẻ mới lọt lòng, dù chúng sinh ra trong nghèo khó hay giàu sang, đều bình đẳng, không thể bị kỳ thị hay bị phân biệt” [62, tr.188]. Ý thức xã hội có thể phản ánh vượt trước tồn tại xã hội song nó lại mang tính lịch sử, do lịch sử quy định. Do vậy,
khi nghiên cứu và thuyết giảng những lời dạy của các bậc tiền bối, theo Fukuzawa Yukichi, cần phải suy nghĩ về bối cảnh lịch sử để đánh giá, không được áp dụng nguyên xi tư tưởng ấy vào thực tiễn.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuân theo một cách chặt chẽ nguyên tắc này trong quá trình cải cách, một mặt thúc đẩy nền giáo dục Nhật Bản phát triển theo hướng vừa hiện đại hóa vừa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng mặt khác đã bộc lộ những khiếm khuyết mà điển hình là sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và xu hướng quân phiệt.
Có thể nói, Fukuzawa Yukichi đã đưa ra hai nguyên tắc giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng, nó góp phần định hướng cho việc cải cách nền giáo dục Nhật Bản theo hướng hiện đại. Nguyên tắc “tiếp thu có chọn lọc văn minh phương Tây trên cơ sở đề cao chủ nghĩa quốc gia” sẽ giúp cho đất nước này học hỏi được những kinh nghiệm giáo dục của các nước trên thế giới mà vẫn giữ được nét độc đáo của dân tộc. Nguyên tắc thứ 2 giúp cho nền giáo dục Nhật Bản vừa hướng vào yêu cầu thực tiễn trước mắt vừa nâng cao chất lượng giáo dục. Bởi lẽ, con người được đào tạo tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao sẽ là tiêu chí đánh giá một nền giáo dục. Cả hai nguyên tắc này đã được chính quyền Minh Trị triệt để vận dụng khi tiến hành công cuộc duy tân đất nước. Trên thực tế, cho đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị.
2.3. Nội dung và phương pháp giáo dục