Có thể khẳng định rằng, muốn thực hiện thành công công cuộc cải cách giáo dục thì vấn đề đầu tiên cần quan tâm ấy là việc xác định mục đích thực
sự của giáo dục. Fukuzawa Yukichi trên cơ sở phê phán thực trạng của xã hội đã đưa ra quan niệm của mình về vấn đề này.
Pavlop từng nói “Nếu các bạn hình dung những đặc điểm cá biệt một cách hoàn toàn riêng rẽ thì đương nhiên các bạn không xác định được tính cách. Cần phải nắm lấy hệ đặc tính và phân tích xem trong hệ ấy những đặc tính nào nổi bật nhất, những đặc tính nào chỉ bộc lộ thô sơ, những đặc tính nào bị lấn át” [53, tr.12]. Tất nhiên, ở mỗi thời đại, do đòi hỏi của thực tiễn, sẽ có một số đặc tính nổi trội hơn. Con người Nhật Bản thời kỳ Edo, theo Fukuzawa Yukichi, bị bó buộc bởi sự phân biệt đẳng cấp, bởi thân phận luôn phải phục tùng, hay sự phó mặc số phận cho chính thể phong kiến Mạc Phủ. Điều đặc biệt là, đa số cư dân đều sống trong các đại gia đình từ hai hay ba thế hệ trở lên. Các mối quan hệ gia đình bị chi phối bởi một hệ thống tôn ti, trật tự chặt chẽ, với quyền uy mạnh mẽ của cha mẹ. Các ông bố luôn đòi hỏi sự kính trọng và tuân lệnh tuyệt đối từ phía con cái, đến lượt mình, họ lại phải tuân thủ những nguyên tắc ấy đối với bề trên khác trong gia đình. Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế - xã hội Nhật Bản.
Mọi người sinh ra đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, không có sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo, kẻ mạnh hay kẻ yếu, nhân dân hay chính phủ. Bình đẳng về phương diện tất cả các điều kiện cho sự phát triển, hoàn thiện cá nhân đều như nhau. Nhưng thực tế xã hội phong kiến với quy định khắt khe về quyền hạn, nghĩa vụ của các đẳng cấp làm cho đại bộ phận nhân dân như bị lèn kín trong “một chiếc hộp” không thể cựa quậy được. Ông phê phán xã hội thời đại tướng quân Tokugawa về sự phân biệt đẳng cấp giữa chính phủ với dân thường, giữa võ sĩ và người dân. Các gia đình quân nhân khoa trương uy quyền của họ một cách rất bất công, họ đối xử với nông dân và thương nhân như những tội phạm đáng khinh. Họ ngang nhiên hành động
giống như luật pháp hiển nhiên cho người võ sĩ được quyền chém giết thường dân. Sự lạm quyền này không chỉ trong quan hệ giữa võ sĩ và thường dân mà còn thể hiện trong mối quan hệ giữa chính phủ và nhân dân. Nhà nước và nhân dân chỉ khác biệt ở sức mạnh, địa vị. Cố nhiên, không vì thế mà những người đi làm việc quan được phô trương quyền uy - “cái danh” có được nhờ nhân dân. Nguyên nhân của những biểu hiện đó là do nhà nước đã vi phạm nguyên lý quan trọng về sự bình đẳng của con người. Đây là nguyên tắc, hay quyền quan trọng nhất trong xã hội loài người.
Do ảnh hưởng nặng nề của lễ giáo phong kiến nên “một người sinh ra từ gia đình sĩ tộc bậc thấp, tự nhiên sẽ bị những người ở cấp bậc cao hơn khinh miệt. Không kể người đó là trí hay ngu, hiền hay ác, mà cứ là người thuộc hàng trên thì có quyền coi thường người bên dưới” [61, tr.248-249]. Sự phân chia đẳng cấp một cách cứng nhắc như vậy, không chỉ trong việc phân công ở từng lãnh địa mà biểu hiện cả trong quan hệ giữa các cá nhân. Chẳng hạn, việc sử dụng ngôn ngữ cũng được quy định, con của võ sĩ cấp cao khi nói với dòng họ của võ sĩ cấp thấp thì phải lễ phép nhưng với con của họ thì không cần theo trật tự. Bản thân Fukuzawa Yukichi cũng thuộc tầng lớp võ sĩ cấp thấp, ông rất bất bình trước thực trạng bị phân biệt đối xử như vậy.
Ông đưa ra lập luận của mình ngay ở phần đầu tiên trong tác phẩm “Khuyến học” luận điểm rằng “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người” [62, tr.24] đã thể hiện rõ quan niệm về bình đẳng giữa con người với nhau. Khi sinh ra mọi người đều bình đẳng, có tư cách, địa vị như nhau không phân biệt trai gái, cao thấp, sang hèn. Không thể có chuyện, một người tự cho mình cái quyền đứng trên người khác, lấn lướt các quyền tự nhiên của họ. Tuy nhiên, ông nhận thấy trong xã hội có nhiều loại người khác nhau, có kẻ bóc lột và có kẻ phục tùng, nói rộng ra toàn thế giới là tình trạng bất bình đẳng giữa các dân tộc. Các nước phương Tây đi
xâm chiếm phương Đông là vì trình độ học vấn của họ cao hơn. Thực tế xã hội, giữa con người lại có một khoảng cách của người thông minh và kẻ đần độn, giữa người giàu và người nghèo, giữa tầng lớp quý tộc và tầng lớp hạ đẳng. Lý giải nguyên nhân này, Fukuzawa Yukichi đi tìm nguyên nhân ở trong cuốn sách dạy tu thân “Thực ngữ giáo” rằng, sự bất bình đẳng giữa mọi người là do sự khác biệt về trình độ học vấn. Từ đây, ông đề cao nỗ lực của cá nhân có thể thay đổi được số mệnh. Con người hãy chuyên tâm vào việc trau dồi kiến thức, học tập miệt mài, có tri thức sẽ làm chủ được bản thân. Trời sinh ra con người nhưng không tạo ra cuộc sống cho họ, cuộc sống của mỗi người là do chính bàn tay họ tạo dựng nên. Tư tưởng này đã khắc phục được hạn chế của Nho giáo về “Thiên mệnh”, về sự sắp đặt của lực lượng siêu nhiên.
Suy rộng ra, Fukuzawa Yukichi nhận thấy rằng ở phương diện quốc gia, người Nhật cũng như người Pháp, người Anh, đều là con người. Do vậy, không có quy định nào cho phép người Anh đi xâm chiếm người Nhật, cũng như không có đạo lý nào dung thứ cho một nhóm người xâm hại đến quyền lợi của nhóm người khác. Tất cả họ phải được bình đẳng với nhau. Điều này cũng có nghĩa, nếu một thế lực có động cơ làm tổn hại đến các quyền tự nhiên của con người thì đối tượng bị hại cũng được phép hành động chống trả nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Bình đẳng, theo Fukuzawa Yukichi, không có nghĩa là bình quân, là ngang hàng về điều kiện sống, mà bình đẳng theo nghĩa ai cũng có quyền lợi ngang nhau về việc coi trọng sinh mạng của mình, quyền bảo vệ tài sản, quyền tôn trọng nhân cách và danh dự. Những quyền ấy của con người là bất khả xâm phạm, không ai được phép lạm dụng quyền lợi của người khác. Dân cày cũng như địa chủ, họ chỉ khác nhau về điều kiện sống nhưng vẫn phải bình đẳng về quyền lợi. Quan niệm này của ông khá tiến bộ so với đương thời.
Nó cho phép con người tự do lựa chọn lối sống, lựa chọn công việc; tạo điều kiện cho tất cả mọi người được phát triển toàn diện - quyền tự do cá nhân.
Đặc biệt, ông phê phán sự bất bình đẳng nam nữ mà nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là quan niệm của Nho giáo. Đó là thuyết “Tam tòng” trói buộc người phụ nữ, không cho phép họ nói lên chính kiến của mình. Người vợ luôn phải chịu thiệt thòi, khi chồng rượu chè, chửi bới, người vợ phải nhẫn nhịn, nhắm mắt làm ngơ. Nếu có khuyên bảo thì cũng nhẹ nhàng tìm lời khuyên giải, còn việc nghe theo hay không của chồng lại là chuyện khác. Cùng là con người sống trong xã hội, người phụ nữ cũng phải được đáp ứng mọi điều kiện sống như người đàn ông, người đàn ông không được cho mình cái quyền chà đạp lên danh dự, nhân phẩm, quyền lợi của người phụ nữ.
Có một sự kiện đáng lưu ý trong giai đoạn cuối đời ông thể hiện tư tưởng về con người bình đẳng, khi chính phủ muốn khen ngợi những công lao củ Fukuzawa Yukichi trong sự nghiệp giáo dục, ông nêu lên quan điểm của mình: “Khen với được khen thì có vấn đề gì? Mỗi người có công việc, có thiên chức của mình, nên chẳng có gì là khó hiểu cả. Người phu xe có công việc của họ là kéo xe, người hàng đậu thì có công việc của người làm đậu, học trò có công việc là đọc sách. Đó là công việc đương nhiên mỗi người phải làm. Nếu như chính phủ muốn khen, phải khen trước hết từ người hàng đậu” [61, tr.280].
Quan niệm con người bình đẳng có vai trò to lớn đối với đất nước trong bối cảnh mở cửa, hợp tác với các quốc gia trên thế giới. Chế độ Mạc Phủ luôn duy trì sự phân biệt đẳng cấp, địa vị con người, nó hạn chế khả năng phát triển nền kinh tế xã hội của đất nước. Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận hoàn toàn những thành tựu của thời kỳ này, song những ràng buộc, quy định chặt chẽ về thân phận con người ấy đã tạo ra tâm lý “an phận thủ thường”, buông xuôi, thờ ơ với sự đổi mới của đất nước. Những con người này nhất
thiết phải được thay đổi về quan niệm, tâm lý, thói quen tư duy nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thời cuộc.
Fukuzawa Yukichi là người am hiểu về Hán học song cũng là người phê phán kịch liệt nền giáo dục Hán học. Ông nhận thấy nền giáo dục ấy tồn tại nhiều bất cập như hạn chế số lượng người đi học, dạy đọc và viết là chính, không khuyến khích phát triển tư duy sáng tạo, độc lập, nó chỉ ru ngủ con người trong trạng thái u mê, an bài với số phận. Mặt khác, ông còn phê phán mục đích của học Hán học “nếu chỉ bận tâm đến chuyện làm thế nào để thành danh, làm thế nào để lập thân, làm thế nào để có thật nhiều tiền, có nhà to, được ăn đồ ngon, được mặc quần áo đẹp và vùi đầu vào sách vở, tôi nghĩ đó không phải là cách học thực chất” [61, tr.145].
Do ảnh hưởng của quan niệm cũ nên con người chấp nhận cuộc sống là kẻ phục tùng. Nếu vậy, từ thế hệ này qua thế hệ khác, thân phận ấy mãi mãi không thay đổi. Cuộc sống của họ chìm đắm trong bùn đen, không phân biệt cái ác, cái thiện, hành động theo dục vọng, không quan tâm đến luật pháp, đến nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân. Trong xã hội chỉ có những kẻ ngu dốt ấy thì sớm muộn sẽ trở thành nô lệ cho kẻ khác. Đây cũng là nguyên nhân, theo Fukuzawa Yukichi, dẫn tới sự tồn tại của chính phủ chuyên chế, độc tài trên thế giới. Về phương diện này, ông kịch liệt phê phán chế độ hà khắc nằm trong tay của một tên bạo chúa; hơn thế, một phần do sự trì trệ, ngu dốt của nhân dân.
Xuất phát từ sự bất bình đẳng đó Fukuzawa Yukichi đã đưa ra tư tưởng duy tân về giáo dục. Chỉ có giáo dục mới đem lại công bằng, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân và nền văn minh cho dân tộc. Fukuzawa Yukichi tin rằng giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh “Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần
của con người là kiến thức và đạo đức, bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người” [78]. Nói khác đi, nhân dân Nhật Bản lúc này cần phải xác định được mục đích của việc học tập. Đề cập tới vấn đề này Fukuzawa Yukichi đưa ra cách phân loại về hoạt động của con người. Theo đó, mỗi người khi tham gia hoạt động trong xã hội với hai tư cách: Thứ nhất, là hoạt động với tư cách của một cá nhân độc lập; thứ hai, là hoạt động với tư cách của một thành viên trong xã hội con người.
Ở chức năng đầu tiên, con người chỉ có thể có được hạnh phúc thực sự bằng chính khả năng của mình. Thế giới tự nhiên đem đến cho con người cuộc sống, con người chỉ cải tạo một phần rất nhỏ trong đó.
Ông đưa ra ví dụ chứng minh.
“Có một người con trai đến tuổi trưởng thành. Anh ta có được việc làm trong ngành công thương nghiệp, hoặc có chân trong giới quan chức. Bản thân anh ta hoàn toàn có thể sống độc lập mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ một sự trợ giúp nào từ gia đình và bạn bè. Tự tay anh ta xoay sở xây lên được một căn nhà, sắm sửa được mọi vật dụng thiết yếu trong gia đình mà không cần nhờ vả người khác và cưới được một cô vợ như ý. Anh ta sống tằn tiện, sinh con, nuôi con cái ăn học. Anh ta cũng có được một khoản tiền tiết kiệm, phòng khi “trái gió, trở giời” còn có cái để chi tiêu. Anh ta mãn nguyện vì cho rằng như thế là mình đã có cuộc sống độc lập. Dư luận xã hội cũng đều đánh giá anh ta là một người hoàn hảo và bản thân anh ta cũng lấy làm đắc chí” [62, tr.135-136].
Rõ ràng, hành vi của anh ta được Fukuzawa Yukichi so sánh “ngang với đàn kiến”. Nếu con người chỉ biết lo toan cuộc sống vật chất của mình thì thật ích kỷ. Bởi lẽ, lòng tham của con người giống như cái thùng không đáy, đạt được rồi lại muốn cái lớn hơn. Fukuzawa Yukichi phê phán con người Nhật Bản thời đó chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà không đóng góp công
sức cho quê hương, đất nước. Sống với tư cách cá nhân, theo ông, chính là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Nếu như ở mục đích đầu tiên, con người sống với tư cách cá nhân thì ở mục đích thứ hai, Fukuzawa Yukichi muốn con người hãy hướng tới một mục đích cao hơn, vì xã hội. Đòi hỏi thiết yếu của con người sống trong xã hội là được giao tiếp. Chính quan hệ này đã tạo nên cái gọi là “con người xã hội”, nó là dấu hiệu phân biệt xã hội loài người với xã hội loài vật. Nói như vậy không có nghĩa, ở loài vật không tồn tại sự giao tiếp lẫn nhau. Điều cần nhấn mạnh ở đây là, mỗi người sống trong xã hội, là thành viên của xã hội thì phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với xã hội, phải loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu, nâng cao tri thức, đưa những cái mới vào trong cuộc sống nhằm tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Nói khác đi, con người phải cống hiến cho xã hội nếu muốn được gọi là Con người. Thực tiễn quá trình đi lên, phát triển trong lịch sử nhân loại là minh chứng dễ nhận thấy. Ở thuở còn chập chững của lịch sử nhân loại - thời kỳ trí tuệ của con người chưa phát triển đầy đủ, tri thức có được của con người chỉ như đứa trẻ mới chào đời. Qua thời gian, đứa trẻ ấy không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, khi về già truyền thụ lại cho đời sau. Cho đến ngày hôm nay, tất cả tri thức mà nhân loại đang có chính là sự phát triển trong tính kế thừa liên tục qua từng thế hệ.
Một phương diện khác của mục đích học vấn là để nói lên chính kiến và thực hiện đầy đủ bổn phận đối với đất nước. Bởi thực tế xã hội dưới thời chính quyền phong kiến Mạc Phủ, như ông phản ánh:“người dân chúng ta luôn phải khiếp sợ, né tránh, cúi rạp mình trước các Tướng quân. Ngay cả lũ ngựa của các Tướng quân cũng làm chúng ta hoảng sợ không dám đi chung đường với chúng, bầy chim cắt dùng nhử mồi khi các Tướng quân đi săn bắn, cũng làm chúng ta khiếp đảm, phải cúi lạy phải phủ phục cho đến khi lũ chim bay khuất mới dám ngẩng đầu đứng lên đi tiếp” [62, tr.29-30].
Có thể nói, thân phận người dân trong xã hội Nhật Bản lúc đó bị coi thường, rẻ rúng không bằng vật nuôi. Nguyên nhân của thực tế này, theo Fukuzawa Yukichi, là do trình độ dân trí quá thấp, họ không hiểu được vai trò