Chính quyền Minh Trị lên nắm quyền thực thi cải cách toàn diện đất nước, song chỉ đến khi Bộ giáo dục được thành lập, chính phủ mới bắt đầu thực sự quan tâm đến giáo dục. Mặc dù vậy, cả nước lúc đó vẫn chỉ có trường Keio là cơ sở duy nhất dạy Tây phương học. Số lượng học sinh theo học trường này ngày càng đông, ở đó người ta chỉ dạy cách đọc và giải nghĩa sách viết bằng Anh ngữ, chứ không dạy Hán học. Với nhiệt tâm muốn quảng bá
nền văn minh phương Tây nên trường của Fukuzawa Yukichi đã trở thành tiên phong, đóng vai trò như một “đại lý” trong ngành nghiên cứu Tây phương học. Đây cũng là ngôi trường để Fukuzawa Yukichi đưa những tư tưởng duy tân của mình vào thực tiễn.
Về nội dung giáo dục, Fukuzawa Yukichi nhấn mạnh đến một số điểm cơ bản:
Xuất phát từ thực tiễn nền giáo dục Nhật Bản thời đó, Fukuzawa Yukichi chủ trương cần phải học những môn học có ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống. Ngay từ khi còn nhỏ, Fukuzawa Yukichi đã bộc lộ khả năng thiên bẩm về việc giải nghĩa kinh điển Nho giáo. Tư duy phân tích sớm hình thành trong ông. Điều này đã khiến ông có được nhãn quan nhạy cảm với thực trạng đất nước.
Quyết định ra nước ngoài đã khẳng định việc ông rất chú trọng đến tri thức, đến khoa học công nghệ phương Tây, điều mà ở Nhật Bản thời bấy giờ còn mới mẻ. Với 3 lần được tận mắt chứng kiến những thành tựu của phương Tây, với con mắt tinh tế, Fukuzawa Yukichi nhận thấy giáo dục là yếu tố cơ bản, quyết định sự thành công của phương Tây. Từ sự quan sát, so sánh với Nhật Bản, ông cho rằng con người phải có học vấn, có trí tuệ thì mới có được tư cách bình đẳng, độc lập.
Trong bối cảnh mới, sự phát triển không thể bỏ quên tri thức, không thể thiếu vắng những tài năng. Hệ quả tất yếu của Nhật Bản, cũng như các nước phương Đông, lạc hậu là do chính sách bế quan tỏa cảng, ngăn cấm mọi quan hệ giao lưu với bên ngoài. Trong khi phương Tây đã đạt được những thành tựu rực rỡ thì phương Đông với ảnh hưởng của Nho giáo là chủ yếu đã chối bỏ sự phát triển, bảo thủ, chấp nhận cuộc sống hiện tại. Giáo dục chỉ quan tâm đến việc dạy dỗ những phép tắc, luân lý, đạo làm người mà không hề chú trọng đến tri thức của khoa học tư nhiên. Thậm chí, tầng lớp hạ đẳng, dân
nghèo không được đi học. Một nền giáo dục như vậy thì phát triển, đổi mới là khái niệm “xa xỉ”.
Fukuzawa Yukichi đã kịch liệt phê phán lối học “hư học” tức là lối học
tầm chương, trích cú, thiên về kinh điển Nho học Trung Quốc, xa rời thực tế đất nước. Ông viết:
“Học vấn là gì? Đó không phải là học chỉ cốt để hiểu câu khó, chữ khó; càng không phải là việc học chỉ để giải nghĩa văn cổ, đọc thơ, vịnh thơ. Học như vậy không có ích gì trong cuộc sống cả.
Đọc các tác phẩm văn học cũng là để động viên an ủi lòng người, như thế chẳng phải là môn học có ích cho cuộc sống đó sao?Nhưng tôi không nghĩ rằng văn học là môn học quan trọng đến mức “phải thờ phụng nó” như các thầy dạy Hán văn, Cổ văn thường nhấn mạnh. Trong cuộc sống, tôi hầu như không thấy thầy dạy Hán văn nào có được tài sản đáng kể, cũng như các thương gia vừa giỏi thơ phú vừa thành công trong kinh doanh lại càng hiếm Với lối học như hiện nay, chỉ tăng thêm sự lo lắng trong các bậc phụ huynh, nhà nông…những người hết lòng chăm lo việc học tập của con cái”[62, tr.26].
Phê phán lối học Hán học, ông muốn nhắc tới hạn chế của cách học ấy cả về nội dung và phương pháp; chỉ học thuộc lòng kinh sử, không chú trọng đến các môn khoa học tự nhiên, khoa học thực nghiệm. Nền giáo dục ấy xa rời thực tế, không giải quyết được yêu cầu cấp bách của đất nước.
Với con mắt nhạy cảm với thời cuộc, ông nhận thấy việc cần thiết phải học những môn học có ích cho cuộc sống. Thực tế nội dung các môn học cho thấy, việc học của học sinh không đem lại kết quả, bởi học tập không phải là hiểu những câu văn khó, càng không phải là chỉ để giải nghĩa văn cổ, đọc thơ, hay vịnh thơ. Hậu quả của nền Hán học ấy chỉ đem lại cho con người lối tư
duy sáo mòn, một chiều, không kích thích sự sáng tạo. Chính vì vậy, ông đưa ra quan điểm của mình như sau:
“Trước hết, phải học những môn thực dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: phải thuộc lòng bảng 47 chữ cái Kana, học cách soạn thảo thư từ, ghi chép chương mục kế toán, sử dụng thành thạo bàn tính, nhớ cách cân, đong, đo, đếm. Tiếp đến là học các môn như địa lý để biết được phong thổ Nhật Bản và các nước trên địa cầu. Vật lý là môn học giúp ta phân biệt được tính chất của mọi vật thể trong thiên nhiên, qua đó tìm ra tác dụng của nó. Học sử vì đây là môn học giúp ta hiểu biết cặn kẽ mọi sự kiện ghi trên niên biểu lịch sử, qua đó giúp chúng ta có thể nghiên cứu quá khứ, hiện tại của mọi quốc gia. Học Kinh tế là môn giải đáp cho chúng ta mọi vấn đề liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng như nền tài chính của cả quốc gia. Học môn Đạo đức, môn này giúp ta hiểu về hành vi hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người”
[62, tr.24-25].
Để học được các môn đó, Fukuzawa Yukichi đưa ra hai yêu cầu nhất thiết cần phải có đối với mỗi học sinh. Thứ nhất là phải đọc tất cả các quyển sách của châu Âu đã được dịch ra tiếng Nhật. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến việc đọc trực tiếp bằng văn bản tiếng Anh, Pháp, Đức. Điều này sẽ giúp cho người đọc tránh được sự ảnh hưởng quan điểm chủ quan của người dịch. Yêu cầu thứ hai là phải nắm vững nội dung chủ yếu của môn học, qua đó đi đến hiểu bản chất cơ bản của mọi sự vật. Để thực hiện được hai yêu cầu này đòi hỏi người học phải có thái độ nghiêm túc, tinh thần cầu thị, ham học hỏi, khám phá kho tàng tri thức của nhân loại. Nói khác đi, đó là “Thực học”, là học vấn mà tất cả mọi người đều phải có được không phân biệt đẳng cấp, địa vị xã hội, khoảng cách giàu nghèo. Mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm trong việc học tập của mình, tự trang bị kiến thức cho bản thân nhằm hướng
đến mục tiêu “Cá nhân có độc lập thì gia đình mới độc lập. Và như thế quốc gia cũng độc lập” [62, tr.25].
Một trong những tư tưởng quan trọng về giáo dục của ông là học phải đi đôi với hành. Quan niệm này của ông được thể hiện rõ trong phần hai “Không thể có miếng ăn ngon nếu chỉ là cái tủ kiến thức” của tác phẩm “Khuyến học”. Kiến thức mà mỗi người lĩnh hội được là như nhau, song khả năng vận dụng đến đâu lại là vấn đề khác. Nếu kiến thức ấy không được vận dụng vào thực tế thì nó chỉ là lý thuyết suông, trống rỗng, không có tính thực tiễn. Fukuzawa cho rằng, “học tập không chỉ bao hàm việc đọc sách. Thực chất của học tập là ở chỗ áp dụng vào thực tế, nếu không thì người học vẫn dốt nát” [63, tr.139]. Như vậy, bản chất của học tập là hoạt động trí óc. Đọc sách chỉ là giai đoạn đầu tiên của quá trình học, thiếu công đoạn “hành” thì việc học ấy không mang lại kết quả.
Fukuzawa dẫn ra ví dụ:
“Có anh chàng thư sinh lặn lội lên tận Edo cả mấy năm trời, quyết chí theo học thuyết Chu Tử. Anh ta nỗ lực, miệt mài ngày đêm sao chép kinh sách. Số lượng sách vở sao chép lên tới hàng trăm cuốn. Tự nhủ học thế là thành tài rồi, chàng thư sinh bèn trở về quê. Anh ta về theo đường bộ, sách vở gửi xuống hết tàu thủy. Chẳng may, con tàu chở hàng gặp nạn chìm ngoài khơi tỉnh Shizuoka. Vì chỉ có sao chép chữ vào vở nên bản thân anh ta thì về tới quê, còn chữ thì theo tàu chìm xuống sông, xuống biển. Thế là bao nhiêu chữ thầy trả lại thầy. Công lao học hành trở thành công cốc” [62, tr.173-174].
Để kiến thức đi vào thực tiễn, nói khác đi, biến suy nghĩ thành hành động thì theo ông, “phải biết trù tính, lo liệu. Tức là phải quan sát sự vật. Phải suy đoán đạo lý của sự vật. Phải đưa ra chính kiến, cách nghĩ cách làm của bản thân mình. Ngoài ra đương nhiên là phải đọc sách, phải viết sách, phải nói lên ý kiến của mình cho người ta nghe. Phải tranh luận, biết vận
dụng tổng hợp các biện pháp như vậy thì mới được gọi là nghiên cứu học vấn” [62, tr.174].
Chủ trương học tập mà ông đưa ra là học đi đôi với hành, “hành” phải đem lại những lợi ích thiết thực cho con người, gần gũi với đời sống thường nhật của con người. Đề ra chủ trương này, ông muốn nhấn mạnh đến thân phận, địa vị, vai trò của từng cá nhân, vì sự thay đổi của họ chính là nguyên nhân thúc đẩy sự biến chuyển của toàn bộ xã hội. Điều cần thiết trong học vấn, theo ông, là tính thực tế và lấy thực tế đó áp dụng cho cuộc sống hiện thực một cách hợp lý đưa tới kết quả to lớn cho từng người dân và đất nước nói chung.
Giáo dục đạo đức công dân là một nội dung được Fukuzawa Yukichi đặc biệt chú ý. Hiện đại hóa có thể được nhìn nhận từ khía cạnh kinh tế như là một quá trình công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa và từ khía cạnh xã hội như là một quá trình trau dồi nhận thức về tính độc lập, bình đẳng và tự do cá nhân. Nói khác đi, đó là cách đào tạo nhân cách hiện đại. Đạo đức công dân, với tư cách là một môn học trong nhà trường, có chức năng duy trì trật tự kinh tế và xã hội Nhật Bản. Giáo dục đạo đức công dân trong quá trình hiện đại hóa ở Nhật Bản đơn thuần chỉ là vấn đề giáo dục đã đóng góp ra sao vào việc hình thành nhận thức đạo đức cá nhân phục vụ hiện đại hóa. Do vậy, nội dung giáo dục đạo đức công dân phải được xác định trong mối quan hệ với truyền thống văn hóa và bản chất của quá trình hiện đại hóa của đất nước.
Fukuzawa Yukichi là nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong thời kỳ đầu Minh Trị. Ông là người đề xướng trước sau như một về giáo dục đạo đức trong quá trình hiện đại hóa của Nhật Bản. Trong tác phẩm “Giáo dục đạo đức là gì” (1882) ông đã viết “Chính phủ và công chúng nói chung đều đồng lòng phấn đấu vì sự tiến bộ của đất nước. Nhận thức theo đuổi và cố gắng đạt được độc lập cá nhân của người dân đã trở thành một ý thức mạnh mẽ và
vững chắc. Điều quan trọng trong giáo dục ngày nay thường nhấn mạnh vào độc lập quốc gia là phải dành ưu tiên cho độc lập của cá nhân, tiếp theo đó là duy trì các mối quan hệ với các cá nhân khác và duy trì trật tự xã hội. Nói cách khác, độc lập cá nhân phụ thuộc vào sự tôn trọng độc lập của cá nhân khác và điều này đến lượt mình sẽ tạo điều kiện cho độc lập quốc gia. Nguyên tắc độc lập cá nhân này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, dù đó là lòng trung thành với Thiên hoàng, hiếu thảo với cha mẹ, tôn trọng người già hay dành được chữ tín của bạn bè” [31, tr.95-96]
Fukuzawa Yukichi cho rằng, nguyên tắc cơ bản của giáo dục đạo đức nằm ở nguyên lý của “độc lập quốc gia” và có thể đạt được “độc lập và sự tiến bộ của một quốc gia” thông qua việc giáo dục tập trung vào nguyên lý trên. Thực tế xã hội cho thấy, giáo dục truyền thống Nhật Bản rất coi trọng đạo đức cá nhân và sự nhân nghĩa được nói đến trong các sách kinh điển của Trung Hoa. Triết học Trung Hoa chú trọng vào sự cai trị, và cho rằng những người có đức hạnh thường là Vua hoặc Hoàng đế là người cai trị thần dân. Phần lớn các thầy giáo Nhật Bản đều dạy học trò đọc sách nhưng lại không khuyến khích họ có những suy nghĩ mới mẻ, độc đáo. Những môn học như kinh tế chính trị bị coi là dung tục, không thích hợp với học trò. Việc giảng dạy trong các trường terakoya khá thực tế nhưng lại không khoa học. Kiến thức thu được chỉ nhằm mang lại lợi ích và trí tuệ cho từng cá nhân.
Trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi, đạo đức và kiến thức có thể chia thành hai phần, của cá nhân và của xã hội. Ông tin rằng, con người có một lòng chính trực bẩm sinh và một tài năng tiềm tàng. Trong khi trường học có thể giúp con người thu nhận kiến thức thì trường học lại không thể giúp con người biết cách sử dụng đạo đức của bản thân. Nhưng kiến thức cá nhân có thể khuếch tán vào xã hội để biến thành tri thức của cả cộng đồng. Con người phải công nhận những nguyên tắc kinh nghiệm và khoa học, không chỉ
đối với khoa học tự nhiên mà cả với khoa học xã hội. Ông nêu lên quan điểm của mình “trong văn minh phương Tây, cơ cấu xã hội bao gồm nhiều lý thuyết khác nhau, phát triển đồng thời, tiệm cận dần đến nhau và cuối cùng hợp nhất thành một nền văn minh. Chính quá trình này hình thành nên tự do và độc lập” [56, tr.27]. Trong khi tư tưởng Nhật Bản tập trung vào nhiệm vụ không thể thực hiện được là hình thành đạo đức xã hội thì phương Tây chú trọng phát triển kiến thức cho người dân. Chính vì vậy, Fukuzawa Yukichi rất đề cao giáo dục phương Tây và phê phán phương pháp dạy Khổng giáo truyền thống đang được giảng dạy tại Nhật Bản. Thực tiễn lịch sử chứng minh rằng, tư tưởng đề cao giáo dục đạo đức công dân góp phần tạo nên nhân cách con người Nhật Bản: chuẩn mực, kỷ luật và nguyên tắc. Đây cũng là một trong những điểm đặc thù khó tìm thấy ở dân tộc khác trên thế giới.
Việc tiếp xúc với phương Tây đã giúp ông có được sự so sánh về tinh thần độc lập. Theo Fukuzawa Yukichi, cả phương Đông và phương Tây đều có những điểm giống nhau về đạo đức, về lý luận kinh tế, về văn võ. Cố nhiên, cả hai đều mang trong mình những sở trường, sở đoản. Song nếu xét về sự tiến bộ, về sức mạnh quốc gia thì vị trí ấy lại thuộc về phương Tây. Từ sự so sánh và nhận định đó, với con mắt của nhà lý luận, ông nhận thấy ở phương Đông, đặc biệt là Nhật Bản còn nặng nề về tư tưởng, về những ràng buộc của con người theo quan niệm của Nho giáo. Từ đó, yêu cầu phải đổi mới nền giáo dục trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Ông phân chia sự thiếu sót trong giáo dục phương Đông thành 2 loại: về mặt hữu hình - thiếu các khoa học tự nhiên; về mặt vô hình - thiếu tinh thần độc lập. Trong khi các nước phương Tây đặc biệt đề cao đến hai vấn đề đó, thì ở Nhật Bản lại quá bị coi thường. Đây chính là hậu quả của nền giáo dục Hán học. Nó chỉ dạy con người tư duy một chiều, cứng nhắc, khuôn mẫu, vì thế không thể đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đổi mới.
Muốn bảo vệ đất nước, Fukuzawa Yukichi kêu gọi mọi người “Quốc dân Nhật Bản chúng ta phải xắn tay ngay vào học tập, hun đúc chí khí. Trước hết, mỗi cá nhân, từng con người hãy kiên quyết, tự chủ, độc lập” [13, tr.50]. Mỗi công dân phải tự mình có trách nhiệm đối với quốc gia, cả kẻ có học và người dốt nát, cả người mù và người sáng, phải làm tròn phận sự như một