Trong bối cảnh của phương Tây đã trải qua cách mạng tư sản và đang tham gia mạnh mẽ vào cuộc cách mạng công nghiệp thì nội dung giảng dạy trong các trường học của Nhật Bản không còn đáp ứng được cho yêu cầu phát triển của xã hội. Nội dung giảng dạy chủ yếu trong các cấp học vẫn là những
lý luận về Nho giáo, nhằm phục vụ cho mục tiêu duy trì sự ổn định xã hội phong kiến theo trật tự định sẵn. Hơn thế, cho đến thời điểm đó, Nhật Bản vẫn chưa có một cơ quan chính quyền chịu trách nhiệm quản lý giáo dục. Vì thế, việc thực thi những cải cách giáo dục toàn diện là đòi hỏi tất yếu trong giai đoạn phát triển mới của nước Nhật. Điều này đặc biệt cần thiết, vì nó không chỉ cung cấp những kỹ năng đáp ứng cho sự phát triển kinh tế, quân sự mà còn góp phần biến nước Nhật từ chỗ chia cắt với gần 300 lãnh địa trở thành một quốc gia thống nhất, cùng sử dụng một chương trình giáo dục. Không giống với cải cách một số lĩnh vực khác, cải cách giáo dục liên quan trực tiếp đến mỗi người dân trong một thời gian dài và trên diện rộng. Kết quả của cải cách có ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, khi tiến hành đổi mới hệ thống giáo dục, theo ông, cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
2.2.1.Tiếp thu có chọn lọc văn minh phương Tây trên cơ sở đề cao chủ nghĩa quốc gia
Fukuzawa Yukichi là người luôn đề cao giáo dục và tri thức phương Tây. Giữa âm thanh hỗn loạn của cuộc chiến giữa lực lượng nổi dậy chống lại chế độ phong kiến Tokugawa, Fukuzawa Yukichi đã nói với học sinh trong bài giảng của mình “cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, cho dù cuộc chiến tranh tàn phá đất nước ta như thế nào, chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ kiến thức của phương Tây. Chừng nào ngôi trường này còn đứng vững, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia văn minh trên thế giới” [56, tr.21].
Nhật Bản đứng trước yêu cầu cấp bách là phải cải cách toàn bộ đất nước trên tất cả các mặt. Trước hết, nó xuất phát từ lợi ích quốc gia, từ mục tiêu duy trì nền độc lập dân tộc đang bị đe dọa trước áp lực của các nước phương Tây. Đúng như Fukuzawa Yukichi đã nhận định “Việc tiếp thu văn minh phương Tây không phải là cứu cánh, mà bất quá chỉ là phương tiện. Để
bảo vệ độc lập dân tộc không có cách nào khác ngoài con đường tiến đến văn minh. Lý do duy nhất để người dân ta tiến đến văn minh là để bảo vệ độc lập quốc gia” [17, tr.34]. Vì vậy, có thể thấy được tầm quan trọng của mối liên hệ giữa quốc gia và giáo dục là hết sức chặt chẽ. Trong quá trình phát triển mới của nền giáo dục, chủ nghĩa quốc gia luôn đóng vai trò chủ đạo, chi phối phương hướng phát triển của giáo dục.
Không thể phủ nhận thành tựu của văn minh phương Tây, song việc tiếp thu nó, theo Fukuzawa Yukichi, phải mang tính chọn lọc cao. Ông nhận thấy: “Văn minh phương Tây đúng là hơn hẳn chúng ta, nhưng không có nghĩa là cái gì của nó cũng hoàn hảo cả. Văn minh phương Tây cũng đầy rẫy những khiếm khuyết. Phong tục phương Tây không phải thứ gì cũng hay ho” [62, tr.212].
Từ đó, ông đưa ra lời cảnh báo:
“Việc những người theo chủ nghĩa tiến bộ, vất bỏ tập quán cũ của Nhật Bản, tin tưởng hoàn toàn văn hóa phương Tây là hành động hết sức bộp chộp, thiếu thận trọng. Bằng thái độ giống hệt như đã từng mù quáng tin vào những tập quán cũ Nhật Bản, giờ đây họ lại tin tưởng mù quáng cái mới - văn minh phương Tây, đến mức bắt chước rập khuôn cả những khiếm khuyết của nó”
[62, tr.216].
Tri thức ở đây không chỉ là kinh sách, nghi điển cũ mà còn phải chú trọng đến những thành tựu, tinh hoa của thế giới. Tất nhiên, việc tiếp thu tri thức phải có tính chọn lọc, phù hợp với điều kiện của đất nước. Ông cũng cảnh báo tư tưởng sùng bái, tin một cách mù quáng phương Tây. Văn minh của họ đúng là hơn hẳn phương Đông, song điều đó không có nghĩa tất cả cái gì của họ cũng hoàn hảo. Ngược lại, phong tục của Nhật Bản không phải cái gì cũng là hủ tục, lạc hậu. Vấn đề quan trọng là phải biết tiếp thu cái gì, lọc bỏ cái gì. Nói khác đi, nhắc tới nguyên tắc này, Fukuzawa Yukichi khuyên nhân
dân Nhật Bản khi tiếp thu những thành quả của phương Tây phải trên tinh thần “chọn lọc có phê phán”. Thực trạng xã hội đang tồn tại đan xen giữa cái cũ và cái mới, cái tiến bộ và cái bảo thủ thì việc lựa chọn đúng là rất cần thiết và cấp bách trên cơ sở so sánh văn minh Nhật Bản với văn minh phương Tây. Việc làm này, một lần nữa khẳng định vai trò của giáo dục trên phương diện
chỉ có học vấn mới tạo ra năng lực phán đoán cho con người.
Trong lĩnh vực giáo dục, suốt một thời gian dài, trường học đã trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống của người Nhật. Vì thế, sau sự kiện chiến hạm Mỹ đến Nhật Bản năm 1853, ngay cả tầng lớp bảo thủ nhất trong xã hội Nhật Bản cũng nhận thấy sự lạc hậu của đất nước mình. Họ đổ lỗi cho sự chậm chễ của khoa học Nhật Bản. Như một tất yếu, chính sách đóng cửa, biệt lập với thế giới bên ngoài của chính quyền đang cho thấy những hạn chế không thể tránh khỏi. Từ đây, dấy lên một làn sóng tranh luận về ý nghĩa của việc hiện đại hóa giáo dục. Việc tiếp thu văn minh phương Tây lúc này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trên thực tế, Nhật Bản cần tiếp thu thành tựu về khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm học tập v.v của phương Tây để từng bước thay đổi hệ thống giáo dục đã trở nên lỗi thời, tiến tới hiện đại hóa nền giáo dục đất nước. Nền giáo dục của Nhật Bản, theo Fukuzawa Yukichi, phải đề cao khoa học tự nhiên, dựa vào những thành tựu của khoa học tự nhiên để phát minh ra thiết bị, máy móc hiện đại. Đây là điều kiện thiết yếu để mỗi quốc gia nói riêng tiến hành hiện đại hóa đất nước.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, cùng với việc hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng hiện đại, ở Nhật Bản cần coi trọng lao động trí óc hơn lao động chân tay. Lao động trí óc được xem là lao động chủ yếu thông qua trí lực của mình, thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật của mỗi quốc gia. Bởi vì, thực tế là sự phát triển nói chung không thể dựa vào số lượng đông đảo những người lao động chân tay. Điều này phải được coi là định hướng
phát triển, hiện đại hóa giáo dục của bất kỳ một quốc gia nào muốn đạt đến xã hội văn minh. Vì vậy, họ phải là người nhận được nhiều sự động viên, khích lệ hơn ai khác trong xã hội. Có như vậy mới thúc đẩy được sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục, qua đó góp phần phát triển mọi mặt của đất nước.
Thực tiễn chính sách mở cửa đã giúp người Nhật hiểu rằng: giáo dục chính là chìa khóa bí mật của văn minh phương Tây. Điều này cho thấy vai trò to lớn của giáo dục đối với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, người nước ngoài chỉ được sử dụng với tư cách là những người cung cấp kỹ thuật, tri thức chứ không được tham gia vào những vấn đề có tính chất chính trị. Điều đáng chú ý là, trong khi mở cửa, học hỏi các nền văn hóa tiên tiến bên ngoài, Nhật Bản không bao giờ chủ trương sao chép, học tập nguyên mẫu một cách thô cứng. Họ luôn có sự sáng tạo, biết vận dụng phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn và thích ứng với sự phát triển của xã hội. Hơn nữa, việc nhận ra những khác biệt và khoảng cách phát triển với thế giới là sự thể hiện bản lĩnh dân tộc. Nguyên tắc này một mặt giúp cho Nhật Bản tránh được sự chi phối, ảnh hưởng của bên ngoài, nhất là khi những tri thức mới mẻ của phương Tây ồ ạt du nhập vào Nhật Bản; mặt khác nó giúp cho người Nhật luôn tìm ra con đường phát triển phù hợp với xu thế chung của lịch sử.