Nhà nước cần tạo lập môi trường cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Môi trường cho sự phát triển kinh tế là tập hợp các yếu tố, các điều kiện tạo nên khung cảnh phát triển và tồn tại của nền kinh tế, nói cách khác, là tổng thể các yếu tố và điều kiện khách quan, chủ quan, bên ngoài, bên trong, có mối liên hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế và quyết định hiệu quả kinh tế . Một môi trường thuận lợi được coi là bệ phóng, là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và cho hoạt động sản động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng.
Nhà nước cần tạo ra môi trường pháp lý nhất quán, đồng bộ từ việc xây dựng Hiến pháp, các Luật và các văn bản dưới luật để làm căn cứ pháp lý cho mọi hoạt động kinh tế.
Môi trường chính trị có ảnh hưởng lớn đến hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp đặc biệt là với loại hình doanh nghiệp liên doanh như Công ty cổ phần Fumak liên doanh Việt Nam – Nhật Bản. Do vậy, Nhà nước cần tạo lập môi trường chính trị ổn định, rộng mở cho sự phát triển kinh tế, tạo sự thuận lợi tối đa cho sự phát triển kinh tế đất nước, và cho sự hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh luôn phải tính đến môi trường văn hóa xã hội. Nhà nước phải tạo ra một môi trường văn hóa xã hội đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, quý trọng, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp thu nền văn hóa hiện đại một cách phù hợp, xây dựng nền văn hóa mới thích ứng với sự phát triển và sản xuất kinh doanh.
Nhà nước phải tạo ra môi trường sinh thái xanh – sạch – đẹp, đa dạng sinh học để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Nhà nước phải có các biện
pháp chống ô nhiễm, chống hủy hoại sinh thái tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên bằng các biện pháp và các chính sách bảo vệ và hoàn thiện môi trường sinh thái.
Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển với tốc độ rất cao. Những thành tựu khoa học trong nhiều lĩnh vực đã xuất hiện, tiến bộ khoa học đã mở ra môi trường rộng lớn cho con người. Vì vậy, Nhà nước, bằng các chính sách của mình, phải tạo ra môi trường kỹ thuật hiện đại, thích hợp, thiết thực phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Nhà nước phải tạo ra môi trường dân số hợp lý để phát triển kinh tế bao gồm các yếu tố số lượng, chất lượng dân số và cơ cấu dân số. Nhà nước phải có chính sách điều tiết sự gia tăng dân số với tỷ lệ thích hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, bố trí dân cư hợp lý giữa các vùng, đặc biệt giữa đô thị và nông thôn phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhà nước cần chủ động tạo môi trường hòa bình, tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác cùng có lợi, thực hiện có hiệu quả quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thởi góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân Thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.