7. Kết cấu của luận văn
2.3.1. Đoàn kết các dân tộc cốt lõi của chính sách dân tộc
Đoàn kết dân tộc là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh. Đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế,
trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, trong thời chiến và thời bình là tư duy thường trực, xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp của Người. Hồ Chí Minh sớm nhận thức đúng vị trí vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc, vì thế trong các nội dung cấu thành chiến lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh thì đoàn kết dân tộc có một vị trí, ý nghĩa then chốt.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, gồm 54 dân tộc anh em được hình thành từ rất sớm trong lịch sử, là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Vào nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi cả dân tộc đang rên xiết dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, giành độc lập tự do cho nhân dân ta trở thành vấn đề bức thiết nhất, mà trong đó vấn đề dân tộc chiếm vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Giải quyết đúng đắn vấn đề này có ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của đất nước. Cho nên ngay từ ngày đầu của những năm 20 của thế kỷ XX, khi tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lênin và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, thấm nhuần lời dạy của Lênin:
“ Vấn đề dân tộc,…chỉ là một bộ phận của vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản” [17, tr.299]. Hồ Chí Minh nhận thức rằng trong điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa, nửa phong kiến, vấn đề dân tộc là vấn đề trung tâm, giải quyết nó là nhân tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải đoàn kết tất cả các dân tộc. Người cho rằng đoàn kết tất cả các dân tộc là nhân tố quyết định đảm bảo thắng lợi hoàn toàn của cách mạng giải phóng dân tộc và thắng lợi của cuộc cách mạng này tạo điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở nắm vững chủ nghĩa Mác- Lênin, cùng với sự hiểu biết sâu sắc lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh chỉ ra những luận cứ cách mạng và khoa học
làm cơ sở xuất phát cho chính sách đại đoàn kết các dân tộc của Đảng. Người nói: Cánh mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng muốn cho toàn dân quay về một hướng nhằm mục đích đánh đổ đế quốc phong kiến, làm cho nước nhà độc lập, thống nhất thì phải đoàn kết lực lượng tất cả các dân tộc.
Đoàn kết các dân tộc là vấn đề rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nó không những có tính chiến lược mà còn là nội dung cốt lõi của chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước Việt Nam. Đoàn kết các dân tộc để chống lại âm mưu chia rẽ dân tộc của đế quốc, phong kiến, tập hợp sức mạnh của dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng: Đoàn kết các dân tộc trên cơ sở bình đẳng, tương trợ để đấu tranh giành độc lập, tự do và hạnh phúc chung. Người cho rằng quyền dân tộc tự quyết của nhân dân ta là cùng đoàn kết trong một cộng đồng vững chắc, kiên quyết chống lại âm mưu của kẻ thù, đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Cũng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, bình đẳng dân tộc thực chất là xóa bỏ tình trạng người áp bức bóc lột người, từ đó xóa bỏ tình trạng dân tộc này đi áp bức dân tộc khác, dân tộc này có đặc quyền, đặc lợi so với dân tộc khác. Vận dụng những quan điểm đó, Hồ Chí Minh cho rằng nguyên tắc công bằng xã hội giữa các dân tộc gắn liền, chặt chẽ với việc đảm bảo quyền lợi của các dân tộc, không phân biệt đa số hay thiểu số được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho tổ chức các hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số để đồng bào thực hiện quyền bình đẳng về chính trị và các quyền lợi khác cũng như trách nhiệm của các dân tộc đối với đất nước. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc “ Chính phủ sẽ gắng giúp sức cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt:
a ) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng. b ) Về văn hóa, chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc”. “ Anh em thiểu số chúng ta sẽ được:
Dân tộc bình đẳng: Chính phủ sẽ bãi bỏ hết những điều hủ lệ cũ, bao nhiêu bất bình ( sự không bình đẳng) trước sẽ sửa chữa đi” [20, tr.130].
Hồ Chí Minh luôn đấu tranh phê phán những biểu hiện dân tộc lớn, xem thường dân tộc nhỏ hoặc dân tộc hẹp hòi, cục bộ, tự ti dân tộc. Khẳng định sự công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc thiểu số và đa số trên đất nước ta, Người nói: Các dân tộc xóa bỏ xích mích do đế quốc và phong kiến gây ra, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.
Đoàn kết tương trợ lẫn nhau là điều kiện thực hiện công bằng, bình đẳng xã hội trong quan hệ dân tộc. Người nhấn mạnh: Đồng bào miền núi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền xuôi. Và đồng bào miền xuôi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền núi. Mọi người phải đoàn kết, các dân tộc phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển, cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Khi đề cập đến chính sách của Đảng và Nhà nước ở miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và chỉ ra bản chất cơ bản của nó đối với đồng bào miền núi mà chủ yếu và thực tế là đối với đồng bào các dân tộc. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền núi ngày 1-9-1962, Người nói: “ Chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách
đó có hai điều quan trọng nhất là: Đại đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống
của đồng bào. Cuộc vận động hợp tác hóa kết hợp với hoàn thành cải cách
dân chủ là nhằm thực hiện tốt hai điều đó” [ 29, tr.458]. Theo Hồ Chí Minh, thực hiện chính sách dân tộc phải bảo đảm mục tiêu là phát triển toàn diện đời sống vật chất và tinh thần cho các đồng bào dân tộc, tạo nên động lực phát triển toàn diện miền núi, trong đó phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Công bằng, bình đẳng xã hội giữa các dân tộc phải được thể hiện qua chính sách dân tộc với những nội dung cụ thể, toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa.
Trên lĩnh vực chính trị: Bình đẳng giữa các tộc người ở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở quyền cơ bản của con người mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tộc người trên lãnh thổ Việt Nam đều đã được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, thoát khỏi cuộc đời nô lệ và đang cùng nhau sống trong một quốc gia tự do, độc lập, hạnh phúc, bình đẳng về chính trị giữa các tộc người ở Việt Nam được thể hiện rõ nhất là sự bình đẳng về quyền làm chủ đất nước. Mọi người dân thuộc các tộc người khác nhau, nếu không vi phạm luật pháp của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đều có quyền tham chính, có quyền tham gia vào quản lý xã hội. Sự bình đẳng giữa các tộc người Việt Nam không chỉ được thừa nhận trong Hiến Pháp, trong luật pháp mà quan trọng hơn là đang thực hiện trên thực tế.
Trên lĩnh vực kinh tế: Bình đẳng về kinh tế đóng vai trò vô cùng quan trọng và có ý nghĩa làm nền tảng, tạo cơ sở vật chất cho việc thực hiện sự bình đẳng trên các lĩnh vực khác. Trong một quốc gia đa tộc người, sự thấp kém về trình độ kinh tế của một tộc người không chỉ cản trở sự phát triển của bản thân tộc người ấy mà còn là lực cản tiến trình phát triển chung của cả cộng đồng dân tộc, của quốc gia. Do đó từng bước tạo ra sự phát triển không đồng đều về trình độ phát triển kinh tế giữa các tộc người, giữa các vùng, miền phải được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ở Việt Nam hiện nay, trình độ phát triển chênh lệch về kinh tế- xã hội giữa các tộc người còn khá lớn, vì vậy trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một mặt cần tạo điều kiện để từng dân tộc phát huy hết khả năng của
mình vươn lên; mặt khác phải tính đến những đặc thù của từng vùng, từng tộc người trong quá trình quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cho phù hợp.
Trên lĩnh vực văn hóa: Sự bình đẳng giữa các tộc người ở Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa thể hiện ở sự tôn trọng những giá trị, những bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các tộc người. Sự bình đẳng về văn hóa giữa các tộc người còn thể hiện ở chỗ văn hóa các tộc người được tạo điều kiện để phát triển hài hòa trong sự phát triển chung của một nền văn hóa đa tộc người, từ đó góp phần xây dựng nên một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Sự bình đẳng về văn hóa giữa các tộc người ở Việt Nam còn phải bảo đảm cho các tộc người có quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của mình, có quyền hưởng thụ không chỉ những giá trị văn hóa của tộc người mình mà còn hưởng thụ những giá trị của nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam trong sự kết hợp hài hòa những bản sắc văn hóa của tất cả các tộc người ở Việt Nam, đồng thời còn tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại và thời đại; không ngừng nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc thiểu số để có đủ khả năng hưởng thụ và xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng của văn hóa tộc người.
Trên lĩnh vực xã hội: Bình đẳng người về mặt xã hội nếu xét theo nghĩa rộng thì đó là mối quan hệ tổng hòa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa các tộc người.
Ở đây, bình đẳng xã hội giữa các tộc người được xem xét theo nghĩa hẹp, chủ yếu là thông qua quan hệ giữa thiết chế xã hội truyền thống và thiết chế xã hội hiện đại của các tộc người.
Ở Việt Nam mối quan hệ giữa các tộc người càng trở nên đa dạng, phức tạp và nó tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như đến từng tộc người do Việt Nam là quốc gia đa tộc người, giữa các tộc người có sự
chênh lệch lớn về trình độ phát triển; và đặc biệt do tình trạng cư trú xen kẽ giữa các tộc người. Bình đẳng xã hội giữa các tộc người ở Việt Nam được thể hiện ở sự tôn trọng các thiết chế xã hội truyền thống của mỗi một tộc người (không phân biệt tộc người đa số hay tộc người thiểu số, không phân biệt trình độ phát triển cao hay thấp), những yếu tố xã hội truyền thống tích cực của các tộc người đều phải được tạo điều kiện và cơ hội như nhau để phát triển, đồng thời khắc phục, loại trừ những yếu tố xã hội tiêu cực, lạc hậu trong thiết chế của xã hội truyền thống của các tộc người. Bình đẳng xã hội giữa các tộc người ở nước ta còn là quá trình kết hợp đúng đắn, hài hòa giữa các thiết chế xã hội truyền thống của các tộc người với thiết chế xã hội hiện đại của quốc gia trên nguyên tắc vừa đảm bảo lợi ích của các tộc người, vừa đảm bảo lợi ích của quốc gia.
Đoàn kết các dân tộc là một trong những nội dụng vô cùng quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người đánh giá cao vai trò của các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc đã gắn bó với nhau trong một quốc gia, cùng kề vai sát cánh, sống chết có nhau, no đói giúp nhau, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống mơi. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh xem các dân tộc như anh em ruột thịt trong một gia đình nên phải đoàn kết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Người viết: “ Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” [20, tr.249]
Trong lịch sử, các dân tộc đã xây dựng được truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó góp phần làm cho dân tộc Việt Nam đứng vững trước thử thách lớn lao của lịch sử và giữ được một khối thống nhất. Có đoàn kết các dân tộc mới chống lại được âm mưu chia rẽ của kẻ địch, chống lại những âm mưu đồng hóa ở bên ngoài và giữ được bản sắc dân tộc.
Hơn nữa có đoàn kết được các dân tộc mới xây dựng được cuộc sống mới, giữ vững được độc lập, tự do. Người viết: “ Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em một nhà, không còn sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành được độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần phải đoàn kết hơn nữa” [20, tr.130]