Những quy ước về việc giữ gìn thuần phong mĩ tục

Một phần của tài liệu Nghiên cứu văn bản hương ước cổ truyền Huyện Văn Lâm - Tỉnh Hưng Yên (Trang 54)

7. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

3.1.10. Những quy ước về việc giữ gìn thuần phong mĩ tục

Mỗi làng xã người Việt đều có phong tục tập quán riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng làng xã có một điểm

chung nhất đó là giữ gìn thuần phong mĩ tục. Thuần phong mĩ tục là những điều hết sức giản dị, gần gũi với mọi người: “Phong tục thuần mĩ là sự thường

của đạo làm người” (Hành Lạc xã tân lệ, AF.a3/80 ). Đó là phép tắc lễ nghi,

tôn ti trật tự, những quy phạm đạo đức… yêu cầu ở mỗi cá nhân trong quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm. Chúng được quy định rõ trong hương ước

thông qua nhiều nội dung khác nhau. Có thể kể đến Hành Lạc xã các giáp

điều lệ (AF.a3/80):

“Trước hôm nhập tịch một ngày, thì làm lễ tiếp thuỷ. Hôm ấy theo lệ bày đủ lễ. Giáp Cái biện. Lễ xong, quan viên, Tư văn cùng trưởng thôn đều ngồi uống rượu, diễn tập nghi tiết, để tránh lúng túng. Nếu ai hành lễ không đúng nghi thức, thì phải nộp trầu cau. Người mắc sai sót lớn, thì phải tạ trầu. Riêng người mượn rượu gây náo loạn, thì phải nộp gà rượu tạ lễ, quyết không dung thứ, để nghiêm dân tục. Ai báo vắng, thì chỉ dùng mười khẩu trầu cau thường, không phải biện đủ lệ…

Nhà Cái lo việc lễ như nghi thức hành lễ mười vái. Lễ xong, chia ngồi hai bên, quan viên một bên, Tư văn một bên. Quan viên dự vào chấp sự cũng ngồi vào hàng Tư văn, chiếu theo tuổi tác, không được chia rẽ. Hôm ấy cũng ngồi. Ai mượn rượu làm điều thất lễ, sẽ phải tạ lễ, không tha. Tiền bồi thường là một quan năm mạch. Việc xong, tới đình, nhận trầu cau. Ngày Nhập tịch thôn trưởng nhiêu vị. Người Cái nào nhà cửa chật hẹp, xin ngồi tại đình, thì cũng cho. Nhà người đó phải lo đồ ăn đầy đủ trong ngày, không được cười nói, không nên đại khái, để thành tục đẹp.

Khi ngồi trong đình xem hát, trong quan viên có ai có việc đột xuất, không dự được, thì lúc đó đợi đến khi hết một thẻ hát mới trình bày xem có ra được không, sau đó mới ra, nếu tự tiện bản xã không tha.

Khi xem hát trong đình, ai dùng sức hoặc mượn rượu làm náo loạn, bản xã phạt gà rượu tạ lễ. Nếu phạm tội nặng, không cho vào đình. Quyết không dung thứ.”

Như vậy, để giữ gìn thuần phong mĩ tục của làng xã, trước hết mọi công dân phải tuân thủ nghiêm túc quy định tại các buổi sinh hoạt cộng đồng như tế lễ, xem hát, dự hội tại đình, đền, chùa... Đó là những quy định như: thi lễ, ngồi theo thứ bậc; ra vào đình phải xin phép, không gây ồn ào, mất trật tự...

Sau đó là hình phạt của làng xã đối với những hành vi, ứng xử sai trái trong đời sống hàng ngày như: ăn trộm, đánh cãi chửi nhau, gây lộn ảnh

hưởng đến an ninh làng xã. Hành Lạc xã tân lệ (AF.a3/80) phản ánh:

“Người nào trong xã ăn trộm như vàng bạc, bò, nông cụ, cá, hoa quả, măng tre, bị Tuần phiên hoặc gia chủ bắt được quả tang, thì chiếu theo lệ bắt vạ bạc năm hào, trả lại đồ vật cho chủ.

Nhà ai đánh bạc, hoặc vợ chồng đánh chửi nhau, hễ có hô hoán thì hương lí, phó lí trưởng, tuần phiên hiệu lệnh đến dẫn ra điếm phạt tội 1 đồng tiền. Lí trưởng nhận để chi dùng việc công.

Nhà ai bị trộm cướp hoặc bị hoả hoạn, thì tuần phiên trước tiên phát lệnh, người xung quanh và dân làng ra ứng cứu để tỏ nghĩa nương cậy nhau, không được thoái thác, vắng mặt. Nếu ứng cứu bị thương nhẹ thì dân quân bổ 3 đồng tiền giúp phục thuốc, nếu bị thương nặng thì cho 5 đồng, không may bất hạnh qua đời thì được tiền mai táng là 10 đồng và 1 người con trai được miễn trừ sai dịch cả đời để báo đáp công lao.

Người nào có chuyện bất bình thì trước tiên bẩm báo với tiên thứ chỉ, lí dịch phân xử. Nếu hai bên vẫn bất hoà thì trình lên quan trên. Mọi phí tổn do bên kiện chịu. Nếu không nghe thì cho ngồi riêng một chỗ (ở đình trung) để ngăn ngừa việc kiện tụng.

Ai sống du thử du thực không có nghề nghiệp gì mà có can phạn bị quan quân bắt được, phí tổn bao nhiêu thân nhân phải chịu, không được để

cho dân xã bị bêu danh; còn điền sản người thân thuộc bị trưng dụng trang trải phí tổn.

Phong tục nên theo sự phong hậu, vào đình nhạc phụ nhạc mẫu, bá mẫu thúc mẫu trước sau, lấy định này để bãi miễn. Con cái còn tang, đi lại không tiện, thì bản xã không cho vào cái tế. Giáp đó chọn người khác nhận, không được thoái thác cho lềnh, nên dùng lềnh cả lềnh hai trở xuống để tiện bàn luận.

Bản xã có kẻ nào hôn ám, để đến nỗi quá sai sót, thì bản xã tự tẩy tội, theo lệ là cho nộp ba quan cổ tiền, lại cho vào định. Riêng nếu lăng mạ người trong nhà, coi thường bậc trên và bị bắt quả tang trộm cắp, bị kiện tụng hoặc bị xét tội hình thì nhất thiết không được vào đình, để nghiêm dân tục”.

Ngoài ra, đối với những tệ nạn khiến cho con người “tiền mất tật mang” như đánh bạc, nghiện ma túy thì làng xã nào cũng có những quy ước rất chặt

chẽ. Cát Lư xã tân lệ (AF.a3/62) đề cập Lệ về việc cấm đánh bạc:

“Các bậc kỳ mục, chức dịch và toàn thể xã Cát Lư, tổng Đại Từ huyện Văn Lâm, phủ Mỹ Hào cùng lập khoán ước nguyên vì được quan trên sức xuống, dân xã không được tụ tập đánh bạc. Nay dân xã hội họp lập khoán ước để răn giới người dân trong xã. Từ nay về sau người nào bày đặt, rủ rê tụ tập cờ bạc cùng người tham gia cờ bạc và trộm cắp đều là sai trái, nếu bắt được sẽ giải lên trên để nghiêm trị không tha. Nhà tên đó và những người ngồi cùng bàn với tên đó cũng có lỗi, dân xã sẽ ghi vào khoán bạ, sau này khi nào đến tuổi 50 người đó sẽ không được nhập lão hạng và không được dự bầu cử.

- Lệ cấm thuốc phiện: người nào trộm hút thuốc phiện bị phát giác, bản xã định lệ bắt phạt 3 quan thanh tiền để chi dùng việc công.

- Người nào trong xã phát hiện được ai hút trộm thuốc phiện và nói cho bản xã biết đích thực được thưởng 3 quan tiền để biểu dương”.

Với mục đích lập điều ước để huấn thị dân xã tuân theo lễ nghi, làm

đẹp thêm phong tục, tăng thêm mỹ quan, hương ước các làng xã đề cập đến

mọi khía cạnh của cuộc sống. Từ việc nhỏ như vệ sinh làng xóm, giao tiếp ứng xử, ăn uống...đến việc lớn như trách nhiệm của công dân trước cộng đồng đều được quy định cụ thể, thưởng phạt rõ ràng. Người dân coi đó là thước đo, quy chuẩn đạo đức để noi theo. Người nào làm trái sẽ phải chịu hình phạt dưới mọi hình thức. Nhưng có lẽ hình phạt nặng nề nhất đối với họ là sự xa lánh, coi thường của cộng đồng. Chính vì vậy, hương ước có sức mạnh tiềm ẩn trong việc giáo dục đạo đức cho mọi người. Đây là một truyền thống tốt

đẹp cần được giữ gìn và phát huy trong cuộc sống hiện đại.

Trên đây là những nội dung cơ bản của tục lệ làng xã cổ truyền trong thời kì phong kiến. Chúng phản ánh đời sống sinh hoạt của người dân sau lũy tre làng ở mọi phương diện. Lúc bấy giờ, làng xã như một xã hội thu nhỏ, một đơn vị nhỏ nhất của nhà nước, người dân thực hiện nghiêm phép nước chính là tuân thủ lệ làng, thực hiện tốt những điều ghi trong hương ước.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu văn bản hương ước cổ truyền Huyện Văn Lâm - Tỉnh Hưng Yên (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)