7. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
3.1.4. Những quy định về thưởng phạt
Thưởng phạt là nội dung quan trọng trong các văn bản hương ước cổ truyền. Mỗi làng đều quy định về mức thưởng phạt khác nhau được quy định
trong hương ước. Đó là những quy định các hình thức khen thưởng và xử phạt rất rõ ràng. Thưởng phạt về cả tiền bạc và danh vị. Đây là biện pháp rất hữu hiệu nhằm răn đe và giáo dục lòng tự trọng của các thành viên trong cộng đồng.
Một trong các hình thức khen thưởng áp dụng cho người có công trạng là thưởng tiền hay hiện vật. Nhằm động viên, khích lệ dân làng tôn trọng lệ làng, đề cao thuần phong mỹ tục, hương ước của làng nào cũng có quy định về việc thưởng tiền trong các việc của làng bao gồm việc liên quan đến lễ tiết, hội hè, việc bảo vệ an ninh trật tự xóm làng… Ngoài ra còn có hình thức ban thêm hay tăng vị trí ngôi thứ trong làng.
Mức thưởng thường phổ biến trong các hương ước là khoảng từ 1 đến 5 quan. Thậm chí mức thưởng lên đến 10 quan, 100 quan tiền cho các công việc đặc biệt như bắt sống hoặc đánh chết một tên cướp khi chúng vào làng.
Ngoài hình thức thưởng tiền, hương ước của nhiều làng xã còn có quy định thưởng bằng hiện vật hay danh vị. Chẳng hạn, tuần đinh có công tuần phòng bảo vệ xóm làng, đồng ruộng có thể được chuyển vị thế từ bàn ba, bàn
tư lên bàn nhị (chỗ ngồi hương ẩm ở đình trung). Hoặc Hành Lạc xã tân lệ
quy định: “1…Phàm có việc công thì theo Lý trưởng, Phó lý thừa hành. Thóc lúa thì cho lấy mỗi sào hai liễm. Cúng tế cũng như thế. Hoa lợi thì chỉ cho Tuần phiên như sắn dây, đậu các mầu thu mỗi sào ba tiên, khoai ruộng mỗi sào vài tiên. Lúa chiêm chỉ cho Tuần phiên mỗi sào ba liễm để trả công khó
nhọc…
7. Nhà ai bị trộm cướp hoặc hỏa hoạn thì Tuần phiên trước tiên phát lệnh, người xung quanh và dân làng ra ứng cứu để tỏ rõ nghĩa nương cậy nhau, không được thoái thác, vắng mặt. Nếu ứng cứu bị thương nhẹ thì dân quân bổ 3 đồng tiền giúp phục thuốc, nếu bị thương nặng thì cho 5 đồng,
không may bất hạnh qua đời thì được tiền mai táng là 10 đồng và một người con trai được miễn trừ sai dịch cả đời để báo đáp công lao.”
Bên cạnh khen thưởng, hình phạt cũng được quy định rất phổ biến trong hương ước. Hình thức phạt chủ yếu cũng bằng hình thức phạt tiền. Mức phạt nhẹ thì từ 1 đến 3 mạch tiền cổ, nặng thì từ 1 đến 5 quan, nặng hơn nữa thì phạt 10 đến 30 quan, và mức phạt nặng nhất lên đến 300 quan. Ngoài hình thức phạt tiền, hương ước của các làng còn quy định phạt bằng hiện vật (như trâu, gà, cau trầu), hoặc hình thức hạ vị trí ngôi thứ của người vi phạm vốn có chức vị, thậm chí đánh roi, bắt bồi thường và trình quan xử lí theo pháp luật…Cụ thể, hương ước xã Nghĩa Lộ, tổng Đại Từ quy định:
“- Ông Nguyễn Đình Mười ở bản xã là người cao tuổi nhất, phàm các việc công, tư hội họp phải đặt riêng một chỗ ngồi. Người nào dám khinh nhờn cùng ngồi vào dân xã bắt phạt 6 quan, 30 khẩu trầu để phân biệt tôn ty thứ bậc.
- Bản xã nên cho khán thủ, tuần đinh, đại tráng mỗi năm 1 quan, tiểu tráng 6 mạch. Nếu coi giữ không cẩn thận sẽ phải bồi thường, đại tráng 30 quan, tiểu tráng 15 quan nếu xảy ra chuyện đào tường khoét vách. Bò, mỗi con mất cho thu 1 quan; nếu trông giữ không cẩn thận để mất trộm, mỗi con phải bồi thường 50 quan. Mỗi con gia súc cho thu 6 mạch, nếu trông coi không cẩn thận để mất trộm, mỗi con phải bồi thường 30 quan.
- Bản xã nên cho khán thủ và tuần đinh thu vụ thu mỗi mẫu 6 đấu, vụ hè mỗi sào 1 liễm. Nếu trông coi không cẩn thận, phạt mỗi sào 3 thúng. Mạ hè nên cho thu mỗi sào 1 mạch, nếu trông coi bất cẩn, phạt mỗi sào 2 quan. Mạ thu nên cho thu mỗi sào 2 mạch, nếu trông coi bất cẩn, phạt mỗi sào 4 quan.
- Hoa lợi từ khoai đậu, bản xã nên cho thu mỗi sào khoai 3 mạch; nếu trông coi bất cẩn, phạt mỗi sào 3 quan. Loại khoai tốt mỗi sào thu 2 mạch, trông coi bất cẩn, phạt mỗi sào 2 quan. Đậu mỗi sào thu 1 mạch, trông coi bất
cẩn phạt mỗi sào 1 quan. Các loại ruộng vụ đông nên cho thu mỗi sào 10 phần lấy một phần, trông coi bất cẩn, phạt đúng số đó.
- Bốn bề tường luỹ, cây cối tre trúc bao quanh khu dân cư, bản xã giao cho khán thủ, tuần đinh coi giữ. Dân trong xã người nào tự tiện đốn chặt, nếu bắt được quả tang, phạt tiền 15 quan. Nếu tuần đinh tự ý cho người đốn chặt mà dân xã biết được thì bản xã phạt khán thủ, tuần đinh 50 quan, thưởng người bắt quả tang 3 quan.
- Dân xã người nào thả trâu bò bừa bãi ngoài đồng, phá hoại lúa mạ, tuần đinh bắt được, phạt tiền 1 quan 2 mạch.”
Ngoài các hình thức phạt như trên, hương ước thôn Cự Đình, xã Lộng Đình, tổng Đại Từ còn nguyện thề mang tính chất răn đe: “Các tiết trên đây đã có lệ định. Núi có thể cạn, đá có thể nát, sông có thể cạn nhưng những lệ định trên là không thể trì hoãn. Ai thay lòng đổi dạ, sẽ có trời, trăng, sao chứng giám, chớ có hối hận.”
Như vậy, việc đặt ra những quy ước về thưởng phạt là điều quan trọng và cần thiết, nhằm nêu cao ý thức trách nhiệm mỗi người dân trong việc thực hiện quy ước của làng.