7. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
3.1.7. Những quy định về việc cưới xin
Cưới xin là một việc lớn trong đời của mỗi người. Đám cưới là sự kiện đánh dấu sự ra đời của một gia đình mới, xuất hiện các thành viên mới của làng xã. Vì vậy, việc cưới xin không phải là việc riêng của hai gia đình mà còn liên quan đến cộng đồng làng xã. Theo lệ cũ, việc cưới xin rất rườm rà, phức tạp, thường phải qua các bước sau: mai mối, giạm ngõ, vấn danh - hỏi tên tuổi, nạp cát - xem tuổi, thỉnh kì - định ngày, nạp tệ - đưa lễ cưới, thân nghinh - đón dâu.
Để được cộng đồng công nhận đôi trẻ là vợ chồng, hai gia đình phải nộp cho làng xã khoản tiền gọi là tiền cheo, tiền lan giai (lan nhai). Tiền cheo, tiền lan giai có hai loại: người lấy chồng lấy vợ cùng làng thường phải nộp số
tiền ít hơn người lấy vợ lấy chồng khác làng. Số tiền này làng xã dùng để làm những việc công ích như sửa sang đình làng, lát đường, xây giếng...Khi nộp cheo cho làng tức là cô dâu chú rể đã được làng công nhận là vợ chồng. Tờ giấy xác nhận nộp tiền cheo có điểm chỉ có giá trị như giấy đăng kí kết hôn ngày nay.
Cụ thể hương ước thôn Cự Đình, xã Lộng Đình quy định:
“Lệ nộp tiền lan giai: người nào dựng vợ gả chồng cho con cái ở 2 giáp Cự, Hoa, phải nộp 1 quan 5 mạch, 1 vò rượu, 80 khẩu trầu. Số tiền đó, chia cho quan viên 3 mạch cùng 30 khẩu trầu. Còn 1 quan 2 mạch và 50 khẩu trầu, hương thôn giữ nhận. Nếu lấy người làng khác, nộp 1 quan 8 mạch, 100 khẩu trầu, 1 vò rượu. Đến khoảng giữa thời nhà Lê (?) đã tham chước định lệ, quy định cho nhà nào có con lấy người làng khác nộp tiền lan giai 3 quan, 100 khẩu trầu cau, 1 vò rượu. Số tiền này, quan viên được 6 mạch cùng 30 khẩu trầu, còn lại 2 quan 4 mạch, 70 khẩu trầu , 1 vò rượu bản thôn giữ dùng chung”.
Hoặc Cát Lư xã tân lệ (AF.a3/62) có ghi: “Trong xã người nào có con
gái lấy chồng, phải nộp tiền lan giai. Nếu lấy người trong xã, sắm 1 chiếc mâm đồng (1 thước 5 tấc), lấy người ngoài xã thì sắm 2 chiếc; cau 60 quả nộp cho lý trưởng. Song vẫn phải nói với người giữ sổ để ghi vào sổ giá thú làm bằng, không được che giấu. Ai làm trái sẽ bắt phạt không tha”.
Như vậy, ngoài việc yêu cầu gia đình nhà trai nhà gái đóng góp kinh phí với làng, người xưa còn yêu cầu ghi tên tuổi cô dâu chú rể vào sổ để làm bằng, tránh việc người đã có gia đình làm điều xằng quấy vi phạm đạo đức, ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục.