Việc lựa chọn các nội dung hay thu hút công chúng để tổ chức giới thiệu văn hoá dân gian nói chung và tết Trung thu của 3 quốc gia nói riêng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên việc khai các yếu tố văn hóa đó như thế nào trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế là một câu hỏi lớn đối với nhà nghiên cứu tổ chức hoạt động. Vấn đề đặt ra cần thiết kế các hoạt động đáp ứng nhu cầu của công chúng và gắn chặt với các quan điểm trong hoạt động của bảo tàng. BTDTHVN đã liên tục tổ chức và thực hiện nhiều hoạt động mang tính đổi mới, thành công và có ảnh hưởng xã hội rộng lớn.
Trước hết là thiết kế tổ chức đa dạng các hoạt động giới thiệu văn hóa dân gian xuất phát từ nhu cầu của đa dạng của công chúng. Các hoạt động giới thiệu văn hóa dân gian của Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam tại bảo tàng đã thu hút khoảng 20 nghìn công chúng. Trong số này có rất nhiều các thành phần như nhóm gia đình, học sinh tiểu học, trẻ em của các trường mẫu giáo, sinh viên, người nước ngoài… điều này có nghĩa công chúng của bảo tàng đa dạng về thành phần và sự hiểu biết. Bởi vậy, chúng tôi thiết kế đa dạng các hoạt động đáp ứng nhu cầu phong phú đó. Các hoạt động thể hiện ở trạng thái tĩnh
và động. Những hoạt động động nhằm tạo không khí sôi nổi cho lễ hội, thu hút
đến du khách trẻ tuổi là sinh viên, nhóm gia đình trẻ thích hoạt động sôi nổi. Những hoạt động này thường thu hút hàng chục, thậm chí đến hàng trăm người cùng tham gia. Chẳng hạn, hoạt động múa Yosakoi của Nhật đã có tới hơn 100 người cùng trình diễn một lượt hay múa lân, sư, rồng của Việt Nam, múa
Ganggangsulle của Hàn Quốc có hơn 20 người cùng biểu diễn. Hoạt động luôn là tâm điểm của lễ hội và thu hút các bạn trẻ tham gia tích cực, nhiệt tình góp phần đáp ứng nhu cầu của những công chúng trẻ tuổi và tạo điểm nhấn, dấu ấn cho mỗi lễ hội. Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu của những nhóm thích hoạt động nhẹ nhàng, không ồn ào cũng được chúng tôi chú trọng. Đây thường là những du khách trung tuổi, gia đình có con nhỏ, người hưu trí thích hoạt động tĩnh. Chúng tôi tạo cơ hội cho nhóm du khách này khám phá tìm
hiểu văn hóa dân gian qua loại hình trình diễn là đồ chơi dân gian như làm đèn Trung thu, hộp giấy của Hàn Quốc, làm diều của Nhật Bản… hay chơi trò chơi dân gian đòi hỏi sự kiên trì, suy nghĩ như chơi ô ăn quan của Việt Nam, cờ
shogi của Nhật Bản, Yutnori của Hàn Quốc… Những nhóm hoạt động này có
thể giữ chân khách tham quan hàng giờ và tạo được niềm vui, sự say mê cho du khách bởi những sản phẩm do chính tay họ làm ra được mang về kỷ niệm.
Ngoài ra, BTDTHVN còn chú ý trọng việc thiết kế các hoạt động mang
tính so sánh để du khách dễ dàng tìm ra những nét tương đồng và khác biệt giữa văn hóa của các nước. Chúng tôi đã xếp theo các nhóm hoạt động như
các trò chơi dân gian, các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực truyền thống… Cùng là làm bánh Trung thu, khi trình diễn của Việt Nam và Nhật Bản được đặt cạnh nhau khiến du khách dễ dàng nhận ra những nét tương đồng và khác biệt, tạo nên những trải nghiệm thú vị, khó quên. Về nguyên liệu rất giống nhau vì cùng là bột gạo nếp pha với gạo tẻ để làm ra bánh dango (Nhật Bản), bánh dẻo của Việt Nam. Cũng trong trình diễn này, du khách còn khám phá ra những nét khác biệt như bánh dẻo có nhân hạt sen, mứt bí, vừng… còn bánh
dango lại ăn kèm với bột đậu xanh hoặc mứt dâu. Bánh dango làm như bánh
trôi và dùng tay nặn ra hình tròn như quả trứng gà, còn bánh dẻo lại dùng khuôn để tạo ra hình tròn, dẹt…
Thêm nữa, BTDTHVN tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giao lưu
để tạo sự chủ động cho công chúng cũng như của chủ thể văn hoá.
Chúng tôi quan niệm các trải nghiệm là mấu chốt tạo nên sự sống động cho hoạt động cũng như có sức thu hút đối với công chúng. Từ xa xưa, người phương Đông đã có câu: “Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên; Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ; Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu” (dựa theo câu nói của Khổng Tử, 451). Một nghiên cứu gần đây của người phương Tây cũng đã chỉ ra rằng người ta nhớ khoảng 10% những gì họ nghe được; 16% những gì họ đọc được; 20% những gì họ nghe được và thấy được; 70% những gì họ nghe được, thấy được và phản ứng với chúng; và 90% những gì họ nghe được, thấy được và phản ứng với chúng trong một quá trình (làm một điều gì đó) [93, tr 2]. Như vậy, có thể thấy rằng việc tạo ra các trải nghiệm bằng các hoạt động tương tác (làm) trực tiếp và có sự giao lưu giữa chủ thể văn hóa với công chúng sẽ giúp công chúng hiểu và ghi nhớ tốt hơn. Các hoạt động trong chương trình của chúng tôi đa số tạo điều kiện cho công chúng được làm/ trải nghiệm. Công chúng có thể chủ động làm một chiếc đèn ông sao dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân từ bước đầu tiên chẻ nan cho đến khâu cuối cùng là dán và trang trí đèn. Thông qua quá trình tự tay làm công chúng sẽ nhớ từng bước làm, các câu chuyện của nghệ nhân lâu hơn và biết yêu quí sản phẩm làm ra cũng như trân trọng những tri thức của nghệ nhân. Các hoạt động vui nhộn như múa lân sư,
yosakoi, ganggangsulle sẽ bị lãng quên nếu chúng tôi không khai thác những
cuộc giao lưu, tạo điều kiện cho công chúng được thử nghiệm đánh trống, chơi thanh la, đội đầu lân múa thử hay chơi thử nhạc cụ nariko trong điệu múa
yosakoi của Nhật Bản hoặc cùng hát vàng bài ganggangsule với người Hàn Quốc. Đặc biệt, bảo tàng rất quan tâm đến việc tạo cơ hội cho những người trình diễn đến từ địa phương (chủ thể văn hóa) tự chia sẻ các câu chuyện của mình với công chúng. Sự đối thoại, giao lưu giữa công chúng với chủ thể văn hoá không chỉ tạo ra sự gần gũi và hấp dẫn mà điều quan trọng là đưa lại hiệu quả giáo dục, nhận thức cao đối với cả hai phía. Điều này, chúng tôi đã có những kiểm nghiệm thực tế. Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn và hỏi khách tham quan vào cuối hành trình về việc hoạt động nào gây ấn tượng nhất hay
khách tham quan nhớ nhất? Đa số câu trả lời dành cho các hoạt động có trải nghiệm và giao lưu.
Như vậy, qua việc khai thác các yếu tố văn hóa dân gian bằng cách thiết kế các hoạt động động và tĩnh; thiết kế các hoạt động mang tính so sánh để du
khách dễ dàng tìm ra những nét tương đồng và khác biệt giữa văn hóa của các nước; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giao lưu để tạo sự chủ động cho công chúng cũng như của chủ thể văn hoá tạo điều kiện cho chủ thể văn hoá
vừa tham gia trình diễn, vừa trực tiếp giới thiệu những di sản văn hoá mà mình đang nắm giữ, đồng thời giao lưu và đối thoại với công chúng. Hoạt động này tạo điều kiện giáo dục thế hệ trẻ ý thức tự hào về văn hoá dân tộc, đồng thời biết yêu quý, tôn trọng những nền văn hoá dân tộc khác.