Giải pháp liên quan đến truyền thông đại chúng

Một phần của tài liệu Một số yếu tố xã hội ảnh hưởng đến lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay (Trang 95)

- Tận dụng tối đa các ưu thế của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc định hướng lối sống cho thanh niên.

Các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn là kênh thông tin quan trọng nhất đối với thanh thiếu niên Việt Nam. Vì vậy, cần tận dụng tối đa các ưu thế của các loại phương tiện này để cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức và định hướng về lối sống cho thanh thiếu niên, nhất là với các phương tiện đã trở thành rất phổ cập với đại đa số thanh thiếu niên như truyền hình, phát thanh, sách báo và internet. Cần nhanh chóng tăng cường số lượng các chương trình giáo dục giải trí dành riêng cho giới trẻ trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà thanh niên thường sử dụng. Trước

mắt, kênh Khoa học giáo dục cần đổi mới chương trình để hấp dẫn được nhiều khan thính giả trẻ hơn so với hiện nay. Để có thể xây dựng được các chương trình truyền thông tốt và hấp dẫn với thanh thiếu niên, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa về nhu cầu thông tin, sở thích cũng như xu hướng sử dụng các kênh truyền thông của những đối tượng này. Các nghiên cứu phải cần được tiến hành khá thường xuyên để giúp các nhà quản lý chương trình, các chuyên gia truyền thông nắm bắt và bổ sung được những thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin.

- Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc định hướng cho thanh niên về sử dụng và tiếp nhận những ảnh hưởng từ truyền thông đại chúng.

Trong gia đình, cha mẹ phải kiên trì xây dựng một không khí gia đình dân chủ, cởi mở để sao cho ngay từ bé, con cái đã tin tưởng và chia sẻ với bố mẹ tất cả suy nghĩ của mình. Đồng thời, cha mẹ cũng phải có đủ tri thức, kinh nghiệm và kỹ năng để hướng dẫn con cái tiếp cận các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng; phân tích, chỉ ra cái tốt, cái xấu, từ đó, định hướng để con cái tự mình lựa chọn, chắt lọc thông tin. Cha mẹ tuyệt đối không áp đặt, cấm đoán con cái trong vấn đề này.

Bên cạnh gia đình, nhà trường cũng có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng cho giới trẻ tiếp nhận ảnh hưởng từ internet và các phương tiện truyền thông hiện đại. Cần lồng ghép thông tin tiếp cận vào một số môn học liên quan đến xã hội, con người, giáo dục công dân… để trang bị cho học sinh, sinh viên những tri thức và kỹ năng cần thiết. Đồng thời, nhà trường cần tổ chức các diễn đàn để học sinh, sinh viên trao đổi cởi mở về các vấn đề thuộc lĩnh vực này. Chẳng hạn như tìm kiếm, khai thác các nguồn tin văn hóa, thương mại… trên báo chí, tìm kiếm thông tin phục vụ học tập trên internet, Game online và các tác động của chúng… Thông qua đó, các thầy cô giáo và các chuyên gia có thể định hướng

để giới trẻ tự mình lựa chọn, chắt lọc và hướng tới những cái hay, cái tốt, phòng tránh những cái xấu, cái độc hại trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tránh sự áp đặt, cấm đoán đối với học sinh, sinh viên.

Việc sự dụng Internet của giới trẻ hiện nay chưa nhận được sự quan tâm, định hướng đúng cách. Vì vậy, cần phải có những chương trình thích hợp để hướng dẫn cho học sinh, sinh viên biết cách khai thác tài nguyên Internet một cách hiệu quả. Trong các chương trình đó, các em học sinh sẽ nhận được những hướng dẫn đúng để có thể tận dụng Internet một cách hiệu quả nhất cho việc học tập của bản thân. Các em cũng được chỉ cho cách để có thể đi đúng hướng không lạc vào những mê hồn trận những hiểm họa rình dập trên Internet. Bên cạnh đó, việc tôn vinh hay lên án một số hành vi, ứng xử hay lối sống nào đó sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực đến thái độ, sự lựa chọn và định hướng lối sống của thanh niên. Vì vậy, các cơ quan chuyên trách cần tác động vào công luận để tạo nên những dư luận, làn sóng ủng hộ, tôn vinh những cái thiện, cái đẹp, những hành vi và lối sống lành mạnh, tiến bộ; đồng thời lên án, phê bình những cái ác, cái xấu, những hành vi và những lối sống không lành mạnh, lạc hậu…

- Nâng cao trách nhiệm xã hội của truyền thông đại chúng.

Trách nhiệm xã hội của giới truyền thông trước hết phụ thuộc vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhà báo và những người quản lý truyền thông. Việc thực thi trách nhiệm xã hội của nhà báo còn phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp, vào nhân cách của chính bản thân họ. Nghề báo hay nghề truyền thông có những tiêu chí đạo đức nghề nghiệp như: thông tin trung thực, cổ vũ cái chân, thiện, mỹ, lên án cái ác, cái xấu, cái giả dối, họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về thông tin và hình thức đăng tin của mình…Bên cạnh đó, lương tâm nhà báo cũng rất quan trọng. Nó phản ánh đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nhân cách của nhà

báo. Chỉ có dựa vào lương tâm nghề nghiệp người làm công tác truyền thông mới phân định được cái thiện-ác, đúng-sai, tốt-xấu. Vì vậy, cần phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm của báo giới và các nhà quản lý truyền thông.

Một phần của tài liệu Một số yếu tố xã hội ảnh hưởng đến lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay (Trang 95)