Giải pháp liên quan đến giáo dục học đường

Một phần của tài liệu Một số yếu tố xã hội ảnh hưởng đến lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay (Trang 93)

- Cần giảm thiểu áp lực học đường đối với thanh thiếu niên.

Áp lực học đường là nguyên nhân chính tạo ra những hiệu ứng xã hội tiêu cực và góp phần làm nảy sinh những hiện tượng và những xu hướng lối sống tiêu cực trong thanh niên học sinh, sinh viên hiện nay. Vì vậy, cần phải tìm cách giảm áp lực học đường đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Để đạt được mục tiêu này, trước hết, phải xóa bỏ tình trạng tất cả các loại hình giáo dục phổ thông đều hướng tới cổng trường đại học như hiện nay. Từ bậc học trung học cơ sở cần có sự phân luồng học sinh thành những luồng khác nhau với nội dung, chương trình và quy trình giáo dục khác nhau. Chỉ những học sinh giỏi, thực sự có nguyện vọng thì học tiếp ở bậc phổ thông trung học theo một chương trình nâng cao để tạo nền cho các em theo học ở bậc đại học. Còn những học sinh có học lực khá trở xuống hoặc những học sinh không có nguyện vọng thì tách luồng, theo học ở bậc học trung học với những chương trình nhẹ hơn, định hướng tới những trường dạy nghề. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo sự liên thông giữa các luồng, các chương trình giáo dục với nhau, để các em có khả năng và nguyện vọng có thể chuyển luồng.

Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đào tạo, tránh gò ép, áp đặt nhiều kiến thức không thực sự cần thiết hoặc quá xa rời cuộc sống, làm cho không khí giáo dục trở nên nặng nề, nhàm chán. Trước hết, cần phải có biện pháp khắc phục quan niệm phân biệt “môn chính”, “môn phụ” rất phổ biến hiện nay ở các bậc học phổ thông. Tình hình đó dẫn đến tình trạng học lệch, méo mó về tri thức, kỹ năng và lối sống. Việc quá tập trung vào dạy và học các môn chính lẫn coi thường, xem nhẹ các môn phụ đều góp phần đáng kể vào việc làm

gia tăng áp lực học tập, đầu độc bầu không khí học đường và tác động tiêu cực đến quá trình phát triển nhân cách và định hướng lối sống của thanh niên học sinh. Mặt khác, nâng cao chất lượng giáo dục sức khỏe sinh sản, tăng cường hơn nữa các hình thức giáo dục kỹ năng sống, cung cấp thông tin về các chủ đề mà vị thành niên và thanh niên quan tâm như tình yêu, tình dục, hôn nhân gia đình, kế hoạch hoá gia đình, phòng chống HIV/AIDS đặc biệt là đối với vị thành niên và thanh niên ở nông thôn và các dân tộc thiểu số. Đây mới chính là những kiến thức giúp cho học sinh, sinh viên nâng cao năng lực hội nhập với xã hội hiện đại, giúp cho họ có đủ hành trang văn hóa để bước vào đời. Tuy nhiên, hiện nay, những môn học này vừa thiếu, vừa có chất lượng rất thấp.

- Cần tăng cường các hoạt động tư vấn, tham vấn trong các cơ sở giáo dục

và đào tạo.

Nhà trương là hình ảnh thu nhỏ của xã hội. Cho nên, các quan hệ học đường đều chịu tác động của môi trường xã hội. Các em gặp rất nhiều vấn đề, cần sự tư vấn, tham vấn. Đó không chỉ là các vấn đề liên quan đến việc học tập, mà còn là các vấn đề liên quan đến quan hệ thầy-trò, quan hệ bạn bè, tình yêu đôi lứa, vấn đề tình dục, giới tính… và cả những vấn đề trong quan hệ gia đình và các quan hệ xã hội. Vì vậy, tổ chức tốt hoạt động tư vấn, tham vấn sẽ có tác động tích cực đối với việc học tập cũng như với quá trình phát triển nhân cách, định hướng lối sống của giới trẻ học đường.

- Phải đảm bảo sự phối hợp tốt hơn nữa giữa gia đình, nhà trường, nhà

nước và toàn xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt tới giáo dục – đào tạo, coi đó là “quốc sách hàng đầu”. Tuy nhiên, không ít người coi giáo dục và đào tạo là công việc của của riêng ngành giáo dục – đào tạo. Phần lớn cha mẹ phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, cho ngành giáo dục. Khi con cái sa ngã, hư

hỏng thì họ đổi cho các thầy cô dạy học sinh không nên người. Về phía các cơ sở giáo dục thì đổ lỗi cho sự giáo dục, nuông chiều của cha mẹ.

Trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng chỉ nói rất ít, qua loa về các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục – Đào tạo; những tấm gương điển hình, những sáng kiến, hành động…nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Trong khi đó, bất kỳ hiện tượng tiêu cực, khiếm khuyết nào của ngành giáo dục- đào tạo cũng đều bị giới báo chí thổi phồng. Họ phê bình, công kích nền giáo dục nước nhà, trong đó có cả một số ý kiến của những phần tử bất mãn, thậm chí phản động. Thực tế thì giáo dục và đào tạo không phải là công việc của riêng ngành giáo dục, mà là công việc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục là nhiệm vụ của toàn xã hội.

Vì vậy, cần thể chế hóa trách nhiệm của từng bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, các tập đoàn, công ty, các cấp chính quyền và mỗi gia đình đối với công tác giáo dục và đào tạo. Phải đảm bảo sự phối hợp tốt hơn nữa giữa gia đình, nhà trường, nhà nước và toàn xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ.

Một phần của tài liệu Một số yếu tố xã hội ảnh hưởng đến lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay (Trang 93)