0
Tải bản đầy đủ (.doc) (48 trang)

Sông ngòi Trung Bộ

Một phần của tài liệu TƯ LIỆU DAY VÀ HỌC ĐỊA LÝ 8 (PHẦN ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN VN) (Trang 27 -28 )

1. Hệ thống sông Cả (sông Lam)

Hệ thống sông Cả có diện tích lưu vực 27.200km2, trong đó có 9450km2 ở khu vực thượng lưu, chiếm 31% diện tích lưu vực, nằm trên lãnh thổ nước Lào. Dòng chính của hệ thống sông Cả tính từ Nậm Nón bắt nguồn từ dãy Pu Lôi (Lào) có chiều dài 531km. Trên lãnh thổ Việt Nam, theo dòng Nậm Mô, sông Cả chảy qua Cửa Rào, Đô Lương, thành phố Vinh và đổ ra vịnh Bắc bộ ở Cửa Hội, có hướng chính là hướng tây bắc - đông nam dọc theo đứt gãy sông Cả.

Hệ thống sông Cả có tới 150 phụ lưu, tới phụ lưu cấp 3, trong đó có các phụ lưu quan trọng như sông Con bên tả ngạn, từ núi Phu Hoạt chảy xuống và các sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu bên hữu ngạn trên đất Hà Tĩnh từ sườn núi Bà Mụ và Rào Cỏ chảy về.

Hệ thống sông Cả có lượng nước khá lớn, tổng lượng nước trung bình hàng năm tới 24,7 tỉ m3.

Môđun dòng chảy của lưu vực sông Cả là 33 l/s/km2. Tuy vậy, môđun dòng chảy phân bố không đều. Tại Mường Xén (trên sông Nậm Mô) môđun dòng chảy là 26,7l/s/km2, tại Quỳ Châu (trên sông Hiếu) môđun dòng chảy là 47,7 l/s/km2 tại Hoà Duyệt (trên sông Ngàn Sâu) môđun dòng chảy tới 64,9 l/s/km2.

Về dòng chảy cát bùn, hệ thống sông Cả có lượng phù sa không lớn lắm. Trên sông Cả, tại Yên Thượng, độ đục trung bình hàng năm là 206g/m3 tương đuơng tổng lượng phù sa là 3,5 triệu tấn/năm và trị số xâm thực là 148

tấn/năm/km2. Tuy vậy, tại Quỳ Châu độ đục trung bình hàng năm chỉ có 118g/m3 và tại Hoà Duyệt, độ đục thấp hơn cả, chỉ còn 114g/m3.

Chế độ dòng chảy của hệ thống sông Cả khá phức tạp và không đồng nhất tại các khu vực. Trên dòng chính sông Cả, tại Yên Thượng mùa lũ kéo dài 5 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11) và tháng có lượng nước lớn nhất là tháng 9. Trên sông Hiếu mùa lũ đến sớm hơn, từ tháng 6 và kéo dài 6 tháng cho đến tháng 11. Trên sông Ngàn Sâu, chế độ dòng chảy đã mang tính chất của sông ngòi Trung Trung Bộ với sự xuất hiện của lũ tiểu mãn (tháng 5) và mùa lũ chính đã rút ngắn chỉ còn 3 tháng và thường xuyên xảy ra muộn, từ tháng 9 đến tháng 11.

2. Hệ thống sông Thu Bồn

Hệ thống sông Thu Bồn bao gồm các sông chính là sông Thu Bồn, sông Cái, sông Bung, có diện tích lưu vực là 10.500km2 với mật độ sông suối trung bình là 0,4km/km2. Hệ thống sông Thu Bồn có 78 sông suối có chiều dài trên 10km.

Dòng chính của sông Thu Bồn dài 205km bắt nguồn từ vùng núi Ngọc Linh chảy ngược về phía bắc. Sau khi tiếp nhận nguồn nước từ sông Bung, sông Cái và sông Phú Gia, sông Thu Bồn chảy theo hướng tây - đông và chảy ra biển bằng hiều cửa sông với mạng lưới sông chằng chịt. ở khu vực hạ lưu có hiện tượng bồi lấp, xói lở rất phức tạp.

Hệ thống sông Thu Bồn có dạng hình nan quạt, ở khu vực thượng lưu có độ dốc lớn, ở hạ lưu sông chảy quanh co, uốn khúc với hệ số uốn khúc xấp xỉ 2,0.

Hệ thống sông Thu Bồn có lượng nước khá phong phú, phân bố tương đối đồng đều, với môđun dòng chảy đạt đến trên 60 l/s/km2.

Chế độ dòng chảy của hệ thống sông Thu Bồn chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa lũ thường chỉ diễn ra trong 3 tháng, từ tháng 10 đến tháng 12 với 65% tổng lượng nước cả năm, trong đó đỉnh lũ thường xảy ra vào tháng 10, tháng 11. Mùa cạn kéo dài 9 tháng, từ tháng 1 đến tháng 9, chiếm 35% tổng lượng nước cả năm, trong đó tháng kiệt nhất là tháng 4, thường chỉ chiếm 2% tổng lượng nước cả năm.

Đặc biệt, trên hệ thống sông Thu Bồn hay xảy ra lũ lớn với độ chênh lệch của lưu lượng nước giữa mùa lũ và mùa cạn tới 500 – 700 lần.

3. Hệ thống sông Ba (sông Đà Rằng)

Hệ thống sông Ba là một hệ thống sông khá lớn và chảy hoàn toàn trong lãnh thổ nước ta. Diện tích lưu vực sông Ba Đạt 13.900km2 và chiều dài dòng chính 388km. Bắt nguồn từ các sườn núi Công Ca Kinh (1761m) và Công Plông (1376m), sông Ba chảy theo hướng bắc – nam, đến Cheo Reo là cửa phụ lưu Ay Dun, sông chuyển sang hướng tây bắc - đông nam và tới Cổ Sơn thì chảy theo hướng tây - đông để đổ ra biển ở cửa Đà Diệt (Tuy Hoà). Hệ thống sông Ba cũng khá phát triển, có tới 105 phụ lưu thuộc 4 cấp, trong đó đáng kể là sông Ay Dun dài 175km với diện tích l-u vực 2950km2, sông Krông H'năng dài 130km với diện tích l-u vực 11840km2 và sông Hinh dài 88km với diện tích l-u vực 1040km2. Các trị số đặc trưng dòng chảy của hệ thống sông Ba không lớn lắm. Tại Củng Sơn, môđun dòng chảy là 23 l/s/km2 tương đương với tổng lượng nước 9,39 tỉ m3/năm, với lớp dòng chảy 672mm/năm và hệ số dòng chảy 0,42. Tuy nhiên các phụ lưu của sông Ba có lượng nước lớn hơn như tại khu vực Cheo Reo trên sông Ay Dun môđun dòng chảy đạt 24 l/s/km2 và tại khu vực sông Hinh, môđun lên tới 63,8 l/s/km2. Sông Ba cũng không nhiều phù sa.

Tại Củng Sơn độ đục trung bình hàng năm là 227g/m3 và trị số xâm thực cũng chỉ tới 158tấn/km2/năm. Chế độ nước của hệ thống sông Ba khá phức tạp, mang tính chất của các sông miền Trung Trung Bộ tức là có thêm lũ tiểu mãn vào các tháng 6, tháng 7, còn mùa lũ chính thì lại ngắn và xảy ra muộn, thường vào tháng 9 đến tháng 12. Lượng nước mùa lũ chiếm hơn 70% lượng nước cả năm và riêng tháng có lưu lượng lớn nhất (tháng 11) đã chiếm tới 28,5%, tương đương với lượng nước của tháng 8 mùa cạn. Tháng kiệt nhất là tháng 4 có lượng nước chỉ chiếm 1,4% tổng lượng nước cả năm. Điều đó cũng nói lên tính chất khắc nghiệt của mùa khô ở đây. Vì vậy ngay từ năm 1928 đập Đồng Cam đã được xây dựng và hiện đang tiếp tục xây dựng các công trình thuỷ lợi lớn như công trình thuỷ lợi sông Hinh để điều hoà mực nước và giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Một phần của tài liệu TƯ LIỆU DAY VÀ HỌC ĐỊA LÝ 8 (PHẦN ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN VN) (Trang 27 -28 )

×