Phương pháp so sánh

Một phần của tài liệu Hoàn thiện phân tích báo cáo tài chính tại Công ty cổ phần dược phẩm Ninh Bình (Trang 35)

Phương pháp so sánh là phương pháp đơn giản và được sử dụng phổ biến trong phân tích BCTC nhằm nghiên cứu sự biến động và xác định mức độ biến động của chỉ tiêu phân tích. Để tiến hành so sánh và kết quả so sánh có ý nghĩa thì các chỉ tiêu khi so sánh phải có điều kiện so sánh được và phải có gốc so sánh.

Điều kiện so sánh được: Các chỉ tiêu sử dụng để so sánh cần thống nhất về nội dung kinh tế, về phương pháp và đơn vị tính. Khi so sánh về không gian, thường là so sánh trong một ngành nhất định nên cần phải quy đổi về cùng một quy mô với các điều kiện kinh doanh tương tự nhau.

Gốc so sánh: Khi so sánh cần xác định số gốc để so sánh. Tùy vào mục đích của việc phân tích mà gốc so sánh được chọn là gốc về mặt thời gian và không gian.

Phương pháp so sánh thường thì so sánh các số như sau:

- So sánh số thực hiện kỳ này với kỳ trước để thấy rõ xu hướng thay đổi tình hình tài chính DN. Đánh giá sự tăng trưởng hay tụt lùi trong HĐKD của DN.

- So sánh giữa số liệu của DN với số trung bình của ngành, của các doanh DN khác để đánh giá tình hình tài chính của DN mình là tốt hay xấu.

Quá trình phân tích theo phương pháp so sánh có thể thực hiện bằng các hình thức: so sánh theo chiều dọc, so sánh theo chiều ngang và so sánh theo xu hướng.

- So sánh theo chiều dọc: Là cách so sánh sử dụng tỷ trọng, có hệ số biểu hiện mối liên quan của từng chỉ tiêu với tổng thể.

- So sánh theo chiều ngang: Là so sánh một chỉ tiêu qua nhiều kỳ để thấy được sự biến đổi cả về số tương đối và số tuyệt đối của một chỉ tiêu đó qua các kỳ.

- So sánh theo xu hướng thường dùng số liệu từ ba năm trở lên để thấy được sự tiến triển của các chỉ tiêu so sánh đặt trong mối quan hệ với các chỉ tiêu khác làm nổi bật sự biến động về tình hình tài chính hiện tại và dự đoán tình hình tài chính của doanh nghiệp trong tương lai.

Kết quả của việc so sánh thường thể hiện bằng số tuyệt đối, số tương đối và số trung bình.

So sánh bằng số tuyệt đối: Khi so sánh bằng số tuyệt đối, các nhà phân tích sẽ biết được qui mô biến động (mức tăng hay giảm) của chỉ tiêu nghiên cứu giữa kỳ phân tích so với kỳ gốc biểu hiện bằng tiền, hiện vật hay giờ công cụ thể.

So sánh bằng số tương đối: Số tương đối phản ánh kết cấu, mối quan hệ, tốc độ phát triển và mức độ phổ biến của chỉ tiêu nghiên cứu. Do vậy, so sánh bằng số tương đối, các nhà quản lý sẽ nắm được xu hướng biến động của các chỉ tiêu

So sánh bằng số bình quân: Số bình quân phản ánh mức độ bình quân hay đặc điểm điển hình của 1 tổ, 1 bộ phận, 1 đơn vị…Khi so sánh bằng số bình quân, các nhà quản lý sẽ xác định được vị trí của DN trong tổng thể, trong ngành.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện phân tích báo cáo tài chính tại Công ty cổ phần dược phẩm Ninh Bình (Trang 35)