Jean Baptiste Poquelin sinh tại Paris trong một gia đình tư sản - tiểu quí tộc cận thần của nhà vua. Ông được dạy dỗ chu đáo ba năm trong trường trung học Clémonde nổi tiếng.Lúc ấy ông đã tỏ rõ sở thích văn chương, triết học, chịu ảnh hưởng triết học Gassendy (cảm giác luận). Cha dựđịnh cho ông học luật và thừa kế chức vụ quan hầu của nhà vua nhưng Poquelin lại chọn sân khấu - một nghề nghiệp đương thời coi là thấp kém.
Năm 1643, Poquelin quen biết một nữ diễn viên Madelaine Béjart cùng một số bạn thành lập " Đoàn kịch trứ danh ". Do thiếu kịch bản và diễn viên giỏi nên đoàn kịch chưa có tăm tiếng mặc dù rất cố gắng. Poquelin chọn biệt danh " Moliere " năm 1644. Đoàn kịch tan rã năm 1645. Cuối năm đó, Moliere cùng với anh em nhà Béjart dời khỏi Paris đi về các tỉnh nhỏđể lưu diễn.
Suốt 13 năm trời (1645 - 1658) chịu đựng khó khăn thiếu thốn, gánh hát nhỏ chưa nổi tiếng của Moliere lang thang hầu khắp nước Pháp. Dọc đường, gánh sáp nhập với một gánh khác khác. Mười ba năm phiêu bạt giang hồ chính là thời gian chuẩn bị một sự nghiệp lớn lao của Moliere. Nó giúp ông hiểu biết, tích lũy vốn sống về một xã hội Pháp, lúc ấy đang có cuộc nổi loạn La Frode. Nó giúp nhà văn tiếp xúc rộng rãi với các gánh hát rong địa phương, học tập họ rồi cạnh tranh với họ. Nó giúp Moliere kiểm tra lại nhận thức của mình, biết chỗ mạnh chỗ yếu từđó vạch hướng đi lâu dài. Moliere diễn viên, đạo diễn, nhà sáng tác hài kịch và trưởng đoàn kịch đã trưởng thành qua 13 năm gian khổ như thế.
Từ 1650 Moliere đứng đầu gánh hát và bắt đầu xây dựng một số tiết mục đặc sắc. Ông bắt tay viết những vở "kịch hề" trong đó vận dụng những kinh nghiệm của loại "kịch mặt nạ Italia" về kĩ thuật, hành động, tính cách nhân vật. Như các vở "Chàng Ngốc", "Ghen" đã báo hiệu một tài năng.
Thành công của Moliere vang dội đến tận kinh đô. Năm 1658, đoàn kịch Moliere được nhà vua gọi về Paris. Moliere ra mắt cung đình với vở hài "Thầy thuốc si tình". Buổi diễn có kết quả tốt, đoàn được giữ lại Paris, được nhà vua cấp cho rạp hát Peuti Bourbon vốn là rạp hát của triều đình đểđoàn biểu diễn thường xuyên. Sau một năm hoạt động vừa diễn vở cũ vừa dựng vở mới, đoàn tuyển mộ thêm những diễn viên có tài.
Năm 1659, Moliere đưa lên sân khấu các vở "Những ả kiểu cách lố bịch". Tác giả bị bọn quí tộc căm ghét mặc dù ông chỉđả kích bọn "giả làm quí tộc". Từđây cuộc đời Moliere chuyển sang giai đoạn xây dựng một nền nghệ thuật sân khấu dân tộc hiện thực và tiến bộ. những tác phẩm lớn của Moliere ra đời liên tiếp,
mỗi vở là một đòn giáng vào giới quí tộc, nhà thờ và chếđộ chuyên chế. Và Moliere không ngừng phải chống trả quyết liệt những phản ứng điên cuồng của các thế lực thù địch. Mặt khác, Moliere còn phải đương đầu với những nhà soạn kịch và diễn viên đố kị thù ghét ông, lên án ông không tôn trọng những qui tắc cổ điển, báng bổ tôn giáo, làm hại khiếu thẩm mĩ của công chúng. Quá trình đấu tranh này đã khiến Moliere trở thành nhà sáng tác hài kịch vĩđại, nhà nghệ sĩ lão luyện và nhà tổ chức giáo dục tài năng.
Năm 1662 Moliere cho diễn vở "Trường học làm vợ" lên án quan điểm phong kiến vô nhân đạo, trái tự nhiên vô hiệu quả trong việc giáo dục phụ nữ. Bọn phản động tức tối, xúm lại công kích Moliere. Chỉ có Boileau tỉnh táo, vẫn viết bài phê bình bênh vực Moliere. Để trả lời những kẻ thù địch, Moliere viết tiếp hai vở kịch ngắn "Phê bình trường học làm vợ" và "Kịch ứng diễn ở Verseill" (1663) đưa luôn các nhà phê bình đố kị lên sân khấu mà châm biếm.
Trong thời gian 1664 - 1666, Moliere viết ba vở hài kịch lớn với tư tưởng triết học xã hội phong phú "Tactuff ", "Don Joan, "Anh ghét đời". Là những đòn trí mạng giáng vảo nhà thờ, giai cấp quí tộc thế kỉ 17. Những thế lực phản động núp bóng triều đình la ó om xòm, hùa nhau đe dọa hành hung nhà văn. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất trong cuộc đời nhà văn nghệ sĩ Moliere.
Từđây hoạt động nghệ thuật của Moliere giảm bớt sôi nổi với các vở "Lão hà tiện" (1668), Trưởng giả học làm sang (1670), Những bà thông thái (1672), Người bệnh tưởng (1673).
Ngày 17-2-1673 trong đêm diễn thứ tư vở "Người bệnh tưởng", đang đóng nhân vật chính Moliere kiệt sức ngã trên sàn diễn. Ông được đưa ngay về nhà và một giờ sau trút hơi thở cuối cùng. Nhà thờ vốn thù ghét Moliere nên đã ngăn cản việc mai táng ông theo nghi thức tôn giáo. Vợ ông phải quì phục dưới chân nhà vua hết lời khẩn cầu mới xin được phép chôn cất ông ở nghĩa địa nhà thờ vào lúc đêm khuya.