Tài nguyên hải sản biển mà con người đang hưởng là sản phẩm được hình thành trong tự nhiên từ nhiều triệu năm, song chỉ chưa đầy 1/2 thế kỷ tập trung khai thác, nhiều loại hải sản đã có nguy cơ cạn kiệt và biến mất vĩnh viễn. Sự khai thác quá mức làm thay đổi lớn đến môi trường sống và nguồn tài nguyên thủy sinh vật. Tĩnh Gia cũng không nằm ngoài tình trạng trên. Trong những năm vừa qua, sự phát triển nghề cá còn mang tính chất tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ về số lượng tàu thuyền, ngư cụ, khu vực hoạt động khai thác. Số lượng tàu thuyền đánh cá tăng lên không ngừng, tập trung ở nhóm tàu có công suất thấp, hoạt động chủ yếu thuộc vùng nước truyền thống. Các nghề cá khai thác áp dụng vào các đối tượng có giá trị kinh tế, sử dụng phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt và ngư cụ không có tính chất chọn lọc dẫn đến suy giảm nguồn lợi nghiêm trọng, nhiều loài cá kinh tế bị đe dọa đến tuyệt chủng.
Các yếu tố môi trường biển biến đổi do các chất thải từ các cửa sông, rừng ngập mặn bị phá hủy, các bãi rạn san hô bị tàn phá làm thay đổi hệ sinh thái biển vùng gần bờ, ảnh hưởng đến khả năng tái tạo nguồn lợi hải sản.
Do ảnh hưởng các điều kiện trên nên hiệu quả kinh tế của các nghề khai thác ngày càng giảm. Sự cạnh tranh giữa các tàu, các nghề ngày càng trở nên gay gắt, dẫn đến
các đội tàu tiếp tục tăng cường lực khai thác, làm mất cân bằng giữa năng lực khai thác và khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi. Thực tế cho thấy, hải sản chưa trưởng thành khai thác được trong các mẻ lưới chiếm tỷ lệ khá lớn. Sản lượng hải sản khai thác được của mấy năm gần đây đã xấp xỉ đạt đến ngưỡng cho phép khai thác.
Trước tình hình trên, cần có biện pháp điều chỉnh áp lực khai thác và giảm thiểu những tác động tới môi trường sống của các loài hải sản.
a) Khai thác bảo vệ tài nguyên
Xác định khu vực, thời điểm hay mùa vụ khai thác nhằm tránh việc khai thác các đối tượng tham gia sinh sản, các đối tượng còn non, chưa trưởng thành. Ngăn chặn các phương pháp đánh bắt có hại, nghiên cứu áp dụng ngư cụ mang tính chọn lọc, bảo vệ hệ sinh thái vùng gần bờ.
Khai thác hợp lý kích cỡ của từng loài, chính xác hơn đó là độ tuổi của từng cá thể đảm bảo duy trì nòi giống, khả năng tái tạo, ổn định quần thể.
Khai thác hợp lý chủng loài hay nói cách khác là tỷ lệ giữa các loài được phép đánh bắt trong từng vùng nước. Trong quần xã thủy sinh vật, một yêu cầu không thể thiếu được đối với từng loài để tồn tại đó là tính “cộng sinh”, giữa loài này và loài khác luôn có mối ràng buộc với nhau, chúng luôn giữ mức cân bằng sinh thái. Nếu khai thác làm mất đi tính cân bằng thì có loài sẽ bị dẫn đến tuyệt chủng.
Phân bổ hạn ngạch, cho phép số lượng tàu tham gia khai thác đối với từng đội tàu trên từng vùng biển. Đây là mắt xích quan trọng nhất trong vấn đề khai thác bền vững, đảm bảo phù hợp năng lực khai thác và khả năng nguồn lợi hiện có. Hiện nay, sản lượng khai thác vùng ven bờ đã vượt quá mức cho phép khai thác, cần phải có sự điều chỉnh hợp lý số lượng tàu thuyền tham gia khai thác vùng này bằng hình thức chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cấp, cải hoán tàu để các phương tiện này có đủ khả năng đánh bắt hải sản vùng xa bờ. Đối với vùng xa bờ, nguồn lợi hải sản còn phong phú, đội tàu khai thác xa bờ của mỗi tỉnh đã tăng về số lượng và cỡ công suất nhưng chưa tận dụng hết được năng lực khai thác (chủ yếu vẫn hoạt động vùng ven bờ), cần phải có những hướng phát triển để đưa đội tàu này ra hoạt động xa bờ.
Cơ quan quản lý cần có các chế tài, tuyên truyền giáo dục cho ngư dân có ý thức bảo vệ môi trường từ các hoạt động gây ô nhiễm môi trường:
- Rác thải sinh hoạt: Ngư dân ra khơi khai thác trên biển thời gian kéo dài, lực lượng lao động trên thuyền lại đông. Do đó, cần có khu chứa rác trên thuyền, các chế phẩm sinh học khử mùi để khi vào bờ ngư dân đưa rác lên bờ đổ vào nơi quy định trên đất liền.
- Dầu mỡ và rác thải khác: Tại các bến neo đậu, sửa chữa tàu thuyền phải xây dựng hệ thống thu gom xử lý các chất ô nhiễm phát thải nhiễm dầu mỡ, túi nilon sử dụng ướp cá ...cần được thu gom xử lý không đổ trực tiếp xuống biến.
Cần bổ sung các quy định cụ thể về phòng chống ô nhiễm biển do dầu từ các hoạt động của tàu cá, kiểm soát hoạt động thải dầu cặn, nước lẫn dầu cũng như sự dò rỉ trong các hoạt động của tàu. Cần phải có các quy định nghiêm cấm việc xả dầu, nước lẫn dầu ra sông biển, đặc biệt là vùng nước neo đậu tàu thuyền, các vùng nhạy cảm và quy định các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm, quy định về bồi thương thiệt hại đối với những hành vi xả thải dầu bừa bãi ra sông biển gây ô nhiễm môi trường.