Cách tiếp cận

Một phần của tài liệu Phân tích mâu thuẫn lợi ích vùng bờ huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (Trang 32)

2.2.1.1 Tiếp cận hệ thống

Vùng bờ biển (coastal area) nằm chuyển tiếp giữa lục địa và biển, luôn chịu tác động tương hỗ giữa quá trình lục địa (chủ yếu là sông) và biển (chủ yếu là sóng, dòng chảy và thuỷ triều), giữa các hệ thống tự nhiên (coastal system) và hệ nhân văn (tâm điểm là hoạt động của con người), giữa các ngành và những người sử dụng tài nguyên vùng bờ (hoặc tài nguyên bờ - coastal resources) theo cả cấu trúc dọc (trung ương xuống địa phương) và cấu trúc ngang (các ngành trên cùng địa bàn), giữa cộng đồng dân địa phương và với các thành phần kinh tế khác. Vì thế, vùng bờ biển (gọi tắt là vùng bờ) bao gồm nhiều hệ thống tài nguyên chia sẻ và là đới tương tác, nên là đối tượng khai thác của nhiều ngành.

Việc nghiên cứu những mâu thuẫn lợi ích tồn tại trong quá trình khai thác, sử dụng vùng bờ biển huyện Tĩnh Gia phải được tiến hành dựa trên cách tiếp cận hệ thống để tìm ra các nguyên nhân và cách xử lý các mâu thuẫn trong mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau nói trên.

2.2.1.2 Tiếp cận phát triển bền vững

Phát triển bền vững là cách phát triển ổn định, hướng tới tương lai. Phát triển bền vững đối với vùng bờ huyện Tĩnh Gia là việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong giới hạn chống chịu của các hệ sinh thái vùng bờ, giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích và xung đột môi trường trong quá trình khai thác, sử dụng vùng này. Cho nên, PTBV vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ của việc phân tích, đánh giá và giải quyết mâu thuẫn lợi ích và xung đột môi trường trong sử dụng đa ngành vùng bờ nghiên cứu.

2.2.1.3 Tiếp cận tổng hợp

Như đã nói, vùng bờ biển nói chung và vùng bờ Tĩnh Gia nói riêng là đới tương tác, nơi có tiền đề phát triển đa ngành, và các hệ thống tài nguyên bờ là các hệ tài nguyên chia sẻ, tiếp cận khai thác “mở” kiểu “điền tư, ngư chung”. Vì vậy, để giải quyết các vấn đề của vùng bờ nói chung và vấn đề mâu thuẫn lợi ích nói riêng

cần phải áp dụng cách tiếp cận tổng hợp: liên ngành, liên khu vực, liên cơ quan, liên hệ thống trên cơ sở tôn trọng lợi ích ngành hài hòa với lợi ích toàn cục.

2.2.1.4 Tiếp cận dựa vào hệ sinh thái

Trong vùng bờ, các hệ sinh thái (HST) bờ (coastal ecosystem) được xem là “vốn thiên nhiên” và là cơ sở hạ tầng tự nhiên của vùng bờ, cho nên đầu tư cho HST là đầu tư cho tương lai vùng bờ [5], tức là hướng tới PTBV vùng bờ. Các HST vùng bờ (như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn hô, đầm phá, bãi triều lầy,…) cũng luôn nhạy cảm và dễ bị tổn thương dưới tác động của các hoạt động phát triển của con người và thiên tai. Mọi hoạt động khai thác, sử dụng và quản lý vùng bờ phải được tiến hành trong sức chống chịu và khả năng phục hồi của các HST nói trên. Vì vậy, quản lý vùng bờ bền vững, bao gồm giảm thiểu các mâu thuẫn lợi ích phải áp dụng cách tiếp cận dựa vào HST (ecosystem-based approach). Tức là không nên nhìn sự việc, hiện tượng, loại sinh vật cụ thể, riêng rẽ, mà nhìn vào không gian và mối liên kết gữa chúng.

Một phần của tài liệu Phân tích mâu thuẫn lợi ích vùng bờ huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)