Những tồn tại

Một phần của tài liệu Công tác thẩm định Dự án đầu tư tại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam (Trang 66)

Do quy mô nhỏ, hoạt động chưa rộng khắp và mới chuyển đổi mô hình mới nên cho đến nay Công ty chưa có phòng thẩm định riêng, điều này làm cho sự chuyên môn hóa của cán bộ còn kém và hiệu quả thẩm định chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn. Công tác thẩm định dự án vẫn được thực hiện chung tại phòng tín dụng và vì thế thường được cộng gộp luôn vào công tác tín dụng. Một cán bộ tín dụng phải kiêm rất nhiều việc từ tiếp nhận hồ sơ vay vốn, kiểm soát tính đầy đủ hợp lệ của các loại giấy tờ, thu thập thông tin để thẩm định khách hàng vay, thẩm định dự án đầu tư đến lập tờ trình rồi kiểm tra, giám sát theo dõi nợ vay… Khi công ty đã cổ phần hóa và muốn cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác thì với khối lượng công việc lớn, chưa có sự chuyên môn hóa cộng thêm số các dự án thẩm định ngày càng tăng, tính phức tạp tăng lên khiến cho các cán bộ không có đủ thời gian để thu thập các thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình thẩm định, từ đó làm giảm tính chính xác của các kết quả cuối cùng. Bên cạnh đó sự phối hợp giữa các bộ phận trong quá trình thẩm định còn hạn chế, cán bộ thẩm định thường làm việc khá độc lập, ít có sự chia sẻ hỗ trợ thông tin và kinh nghiệm cho nhau.

Trong thẩm định tổng vốn đầu tư cũng như cơ cấu, tốc độ bỏ vốn, Công ty thường chấp nhận những dự toán mà chủ đầu tư đưa ra trong dự án mà không có sự cân nhắc đánh giá một cách toàn diện. Do đó trên thực tế có một số dự án khi đi vào hoạt động tổng vốn đầu tư không đủ, kế hoạch bỏ vốn không hợp lý, trong trường hợp này Công ty buộc phải cho vay phần thiếu hụt vì nếu không dự án không thể đảm bảo đúng tiến độ và xảy ra nguy cơ rủi ro với khoản vay trước đó.

62

Các nội dung cơ bản quyết định đến tính chính xác của các kết quả tính toán

như: doanh thu, chi phí…tuy được quan tâm thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác thẩm định tài chính dự án. Cụ thể là:

- Về xác định doanh thu: Khi tính doanh thu sinh ra từ một dự án, cán bộ thẩm định thường sử dụng mức giá bán mà doanh nghiệp đưa ra, ít khi có sự tham khảo và lưu giữ những căn cứ giá thị trường để xem xét tính hợp lý của giá bán và cũng không có sự điều chỉnh giá do ảnh hưởng của những yếu tố như lạm phát, trượt giá…Nhìn chung, việc dự tính doanh thu mới chỉ dựa trên những tính toán chủ quan của chủ đầu tư hoặc những tính toán có tính chất định tính của cán bộ thẩm định mà không áp dụng các phương pháp phân tích cụ thể để dự đoán nhu cầu, không tính đến những thay đổi của cơ chế chính sách, của thị hiếu tiêu dùng, …

- Về xác định chi phí: việc thẩm định chi phí dự án hầu như mới chỉ dừng lại ở việc xem xét tính đầy đủ của các khoản mục, chưa đi sâu tìm hiểu từng nội dung cụ thể nhằm khẳng định tính lợp lý và chính xác của các khoản mục đó. Trên thực tế đây là công việc khá phức tạp, nhất là đối với những dự án nằm trong lĩnh vực mới. Do đó khi thẩm định chỉ tiêu này, cán bộ thẩm định thường dựa vào số liệu do doanh nghiệp cung cấp và kinh nghiệm khi thẩm định các dự án cùng loại nên không tránh khỏi những sai sót.

Việc thẩm định các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính còn nhiều bất cập:

- Trong hầu hết các dự án được thẩm định, cán bộ thẩm định mới chỉ lựa chọn một số chỉ tiêu cơ bản để tính toán như: NPV, IRR, PP, các chỉ tiêu khác như chỉ tiêu điểm hoà vốn, lợi ích- chi phí, năng lực hoà vốn, tỷ suất sinh lời của vốn đầu tư, … chưa được quan tâm nhiều.

- Khi tính dòng tiền dự án, cán bộ thẩm định thường sử dụng phương pháp trực tiếp và bỏ qua khấu hao - trong khi đây cũng là một trong các yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của dự án. Việc bỏ qua khấu hao tạo nên sự sai khác trong hiệu quả dự án, không phản ánh đúng thực chất dòng tiền vào – ra của dự án.

63

- Tỷ lệ chiết khấu được sử dụng tính toán thường là lãi suất cho vay trung – dài hạn áp dụng tại thời điểm tính toán. Đây là cách lấy số liệu đơn giản nhưng không phản ánh đúng thực chất tỷ lệ chiết khấu là chi phí sử dụng vốn bình quân của các nguồn vốn tham gia tài trợ cho dự án theo đúng lý thuyết tính hiệu quả dự án.

Trên đây là những hạn chế, tồn tại trong công tác thẩm định dự án cần khắc phục để Công ty hoạt động có chất lượng tốt và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trước khi tìm ra biện pháp khắc phục chúng ta sẽ tìm hiểu những nguyên nhân của những hạn chế này.

Một phần của tài liệu Công tác thẩm định Dự án đầu tư tại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam (Trang 66)