Sau khi tái lập tỉnh (1997), Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XII đã xác định "Phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Với đường lối, chủ trương, quan điểm phát triển công nghiệp đúng đắn; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của các cấp, ngành đã tạo cho ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao. Nhịp độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng (giá cố định 1994) ngành công nghiệp, xây dựng giai đoạn (2005-2010) tăng bình quân 21,51%/năm, trong đó: công nghiệp tăng 21,51%/năm; giai đoạn (2011-2012) tăng bình quân 8,73%/năm, trong đó: công nghiệp tăng 8,61%/năm; giai đoạn (2011-2015) dự kiến tăng bình quân 15,53%/năm, trong đó: công nghiệp tăng 15,29%/năm. Cơ cấu công nghiệp, xây dựng trong GDP tăng từ 40,68% năm 2000 lên 55,44% năm 2010; 60,42% năm 2013; dự kiến đến năm 2015 là khoảng 61-62%.
Trong giai đoạn 2001-2011 ngành công nghiệp- xây dựng phát triển rất mạnh, đặc biệt là công nghiệp đóng vai trò là nền tảng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo vị thế mới cho công nghiệp Vĩnh Phúc đối với vùng đồng bằng sông Hồng và với cả nước. Giá trị tăng thêm ngành CN-XD năm 2010 đạt 7.410,3 tỷ đồng, năm 2011 đạt 8.617,4 tỷ đồng tăng 16,29% so với năm 2010.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng (giá so sánh) tăng từ 5.552 tỷ đồng năm 2000 lên 43.857 tỷ đồng/năm 2010 và 51.157 tỷ đồng/năm 2011. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt 22,9%/năm (vượt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2006-2010 đề ra là 18,5-20%/năm).
Năm 2012, giá trị sản xuất ngành công nghiệp (giá so sánh) đạt 49.306 tỷ đồng, tăng 11,67% so với năm 2010 (42.234 tỷ đồng). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng cao do thu hút được nhiều dự án từ khu vực FDI và DDI, các doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, sản lượng các sản phẩm chủ yếu đều tăng cao. Năm 2012 sản lượng một số sản phẩm chính đạt được:
Xe máy các loại 2,24 triệu chiếc, tăng 25%/năm; gạch ốp lát 59,5 triệu m2, tăng bình quân 51,1%/năm, quần áo các loại 66,8 triệu chiếc, tăng bình quân 2,3%/năm, riêng ô tô 24.645 chiếc, giảm 8,7%; Bên cạnh đó, nhiều dự án mới đi vào hoạt động đã góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Vĩnh Phúc đã hình thành hệ thống 20 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục các khu công nghiệp của cả nước ưu tiên phát triển đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, với quy mô gần 6.000 ha. Trong đó, có 7 khu đã được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 1.852,1ha. Ngoài ra, hệ thống các dự án Quy hoạch như: Quy hoạch phát triển Công nghiệp, Quy hoạch phát triển điện lực, Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh... đã được lập, phê duyệt và điều chỉnh bổ sung làm cơ sở quan trọng để phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.
Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn được quan tâm đầu tư phát triển, giai đoạn 2006-2010 đã hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho 5 làng nghề (Thanh Lãng, TT Yên Lạc, Tề Lỗ, Vĩnh Sơn và TT Lập Thạch), hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng ngàn lao động thuộc các ngành nghề thủ công, mỹ nghệ: mây tre đan, mộc mỹ nghệ, điêu khắc đá... Một số làng nghề truyền thống đã và đang dần được khôi phục, phát triển như: đá Hải Lựu, rèn Lý Nhân, mộc Thanh Lãng, đan lát Triệu Đề, gốm Hương Canh. Nhiều làng nghề mới đang dần được hình thành như: mộc Lũng Hạ-Minh Tân, ươm tơ, dệt lụa, mây tre đan xuất khẩu như: Nguyệt Đức, Trung Kiên, An Tường...