Những bất cập trong chính sách tỷ giá hối đoái 1997-1998 trước cơn bão khủng hoảng tài chính châu Á được bộc lộ khá rõ ràng đó là khả năng tự điều chỉnh của tỷ giá hối đoái trước những cú sốc kinh tế là không có, hơn nữa chính phủ không có được những cảnh báo sớm để có thể điều hành tỷ giá một
cách hợp lý (thể hiện bằng việc Ngân hàng Nhà nước phải thường xuyên thay đổi mức tỷ giá, thay đổi biên độ nhưng vẫn không giải quyết được áp lực phá giá của đồng Việt Nam).
Tổng kết quá trình đó, ngày 25/2/1999, Thống đốc NHNN đã ban hành hai quyết định đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách tỷ giá hối đoái: Quyết định 64/1999/QĐ - NHNN về việc công bố tỷ giá hối đoái của
đồng VND với các ngoại tệ và quyết định 65/1999/QĐ - NHNN7 về việc quy
định nguyên tắc xác định tỷ giá mua bán ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ.
Bắt đầu từ ngày 26/2/1999, một cơ chế điều hành tỷ giá mới đã được hình thành ở Việt Nam. Thay cho việc công bố tỷ giá chính thức, hàng ngày NHNN công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VND so với USD. Tỷ giá này được xác định trên cơ sở tỷ giá thực tế bình quân của ngày giao dịch gần nhất trước đó. Các giao dịch kinh doanh ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng không được vượt quá biên độ giao
động 0,1% so với tỷ giá được NHNN công bố.
Cơ chế điều hành tỷ giá mới này có ưu điểm là: một mặt, việc can thiệp của Nhà nước đối với tỷ giá được thực hiện chủ yếu thông qua hoạt động mua bán của NHNN trên thị trường ngoại hối, xoá bỏ phương thức quản lý mang nặng tính hành chính, chủ quan trước đây; mặt khác, với cơ chế này, tỷ giá trên thị trường vận động một cách khách quan hơn, phản ánh đúng quan hệ cung cầu về ngoại tệ trên thị trường, đồng thời phù hợp với cơ chế điều hành chính sách của các nước trên thế giới.
Tiếp đó đến tháng 7/2002, Thống đốc NHNN ban hành quyết định số 697/2002/ QĐ - NHNN điều chỉnh biên độ giao động tỷ giá của các NHTM từ mức 0,1 % lên đến 0,25% so với tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do NHNN công bố. Kể từ sau năm 2002 đến 2006, tỷ giá hối
đoái của Việt Nam đã tăng từ 15000 lên 16000 (hơn 6%).
Biểu đồ 3.3. Diễn biến tỷ giá VND/USD giai đoạn 1999 - 2007
12500 13000 13500 14000 14500 15000 15500 16000 16500 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 VN D /U SD TGTD TGKD VCB
Nguồn: Tài chính quốc tế hiện đại trong nền kinh tế mở, PGS – TS. Nguyễn Văn Tiến, NXB Thống kê năm 2004, NHNN Việt Nam.
Năm 2005, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH nhằm điều chỉnh các hoạt động ngoại hối, đồng thời là bước tiến cải thiện về hệ thống pháp luật đáp ứng các đòi hỏi khi Việt Nam gia nhập WTO.
(Xem thêm phần Phụ lục: Hộp 4. Một số nội dung đáng chú ý của Pháp lệnh
Quản lý ngoại hối của Việt Nam).
Ngày 07/11/2006, Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Để gia nhập WTO, Việt Nam đã phải trải qua quá trình hơn 10 năm đàm phán, với nhiều khó khăn.
Tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam
1-1995: Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO. Ban Công tác xem xét việc gia nhập của Việt Nam được thành lập với Chủ tịch là ông Eirik Glenne, Đại sứ Na Uy tại WTO (riêng từ 1998–2004, Chủ tịch là ông Seung Ho, Hàn Quốc)
o 1996: Bắt đầu đàm phán Hiệp định Thương mại song phương với Hoa kỳ (BTA)
1998 - 2000: Tiến hành 4 phiên họp đa phương với Ban Công tác về Minh bạch hóa các chính sách thương mại vào tháng 7-1998, 12-1998, 7-1999, và 11-2000. Kết thúc 4 phiên họp, Ban công tác của WTO đã công nhận Việt Nam cơ bản kết thúc quá trình minh bạch hóa chính sách và chuyển sang giai đoạn đàm phán mở cửa thị trường.
o 7-2000: ký kết chính thức BTA với Hoa Kỳ
o 12-2001: BTA có hiệu lực
4-2002: Tiến hành phiên họp đa phương thứ 5 với Ban Công tác. Việt Nam đưa ra Bản chào đầu tiên về hàng hóa và dịch vụ. Bắt đầu tiến hành đàm phán song phương.
2002 – 2006: Đàm phán song phương với một số thành viên có yêu cầu đàm phán, với 2 mốc quan trọng:
o 10-2004: Kết thúc đàm phán song phương với EU - đối tác lớn nhất
o 5-2006: Kết thúc đàm phán song phương với Hoa Kỳ - đối tác cuối cùng trong 28 đối tác có yêu cầu đàm phán song phương.
26-10-2006: Kết thúc phiên đàm phán đa phương cuối cùng, Ban Công tác chính thức thông qua toàn bộ hồ sơ gia nhập WTO của Việt Nam. Tổng cộng đã có 14 phiên họp đa phương từ tháng 7-1998 đến tháng 10-2006.
7-11-2006: WTO triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng tại Geneva để chính thức kết nạp Việt Nam vào WTO.
Nếu như Trung Quốc khi gia nhập WTO họ không có cam kết cụ thể nào trong lĩnh vực quản lý ngoại hối thì Việt Nam đã ký một số cam kết như sau:
- Về giao dịch vãng lai: Việt Nam cam kết dỡ bỏ tất cả các biện pháp kiểm soát giao dịch vãng lai (trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện cam kết
này).
- Về giao dịch vốn: Việt Nam đã cam kết nới lỏng các giao dịch chuyển
vốn của các nhà đầu tư nước ngoài và việc vay nước ngoài của các tổ chức cư trú.
- Về các biện pháp quản lý ngoại hối: Việt Nam cam kết chỉ dùng các biện pháp quản lý ngoại hối trong những trường hợp ngoại lệ, do chính phủ quyết định để duy trì an ninh tài chính và tiền tệ quốc gia phù hợp với điều lệ của quỹ tiền tệ quốc tế.
- Về cân đối ngoại tệ: Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm cân đối nhu
cầu ngoại tệ cho các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án đặc biệt quan trọng trong các chương trình của chính phủ và hỗ trợ cân đối ngoại tệ cho các dự án cơ sở hạ tầng và một số dự án quan trọng khác trong trường hợp các ngân hàng được phép giao dịch ngoại hối không đáp ứng được tất cả các yêu cầu về ngoại tệ.
Nguồn tham khảo:
Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam
http://chongbanphagia.vn/beta/anpham/20090608/cam-ket-wto-ve-ngan- hang-chung-khoan
Tóm lại, trong giai đoạn này, việc chuyển sang chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết đã giúp tỷ giá phản ánh đúng diễn biến các yếu tố thị trường. Chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tiền tệ liên ngân hàng và thị trường tự do ngày càng thu hẹp. Đây là giai đoạn quan trọng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái phục vụ cho việc gia nhập WTO cũng như đóng góp vào năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam thời kỳ hậu WTO.