Hoạt động giám sát của HĐND còn mang nặng tính hình thức
Vai trò của HĐND các cấp ngày càng được củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động, nhất là hoạt động giám sát đã có những chuyển biến tích cực song vẫn còn mang nặng tính hình thức. Nhận xét về vấn đề này, từ năm 1998, trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết toàn quốc về HĐND và UBND, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định: “Hiệu lực và hiệu quả của các hoạt động giám sát chưa cao. Việc đôn đốc kiểm tra thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được coi trọng đúng mức. Việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân chưa đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Vì thế không tránh khỏi hình thức và chưa thực quyền so với quy định của luật”. Đến Hội nghị toàn quốc về tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND (từ ngày 19/3/2003 đến 21/3/2003) trong bài phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyền Văn An tiếp tục chi rõ: “Hiệu quả và hiệu lực của các hoạt động giám sát chưa cao, ít nhiều còn mang tính hình thức. Việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, các kiến nghị sau giám sát chưa được coi trọng đúng mức”.
Như vậy, bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay hoạt động giám sát của HĐND vẫn đang là khâu yếu, chưa bắt kịp với đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ. Trước hết, tính hình thức trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp được thể hiện ở nhận thức về vị trí, vai trò hoạt động giám sát chưa thật đúng tầm và thống nhất. Giám sát là hình thức thực thi quyền lực của cơ quan quyền lực Nhà nước, là hoạt động thể hiện quyết định của HĐND với chính quyền địa phương nhằm phát huy những mặt tốt, phòng ngừa những tiêu cực, vi phạm và đề ra những giải pháp khắc phục. Qua giám sát, HĐND còn thực
hiện nhiệm vụ tự giám sát mình để kịp thời điều chỉnh những quyết định cho sát thực, kịp thời hơn. Song không ít lãnh đạo cơ quan, tổ chức còn có biểu hiện cho rằng giám sát là tìm tòi khuyết điểm, cá biệt còn cho là gây khó khăn trong công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan liên quan. Từ đó phát sinh tâm tư không cởi mở, không báo cáo theo yêu cầu, làm cho việc xem xét đánh giá thiếu cơ sở khách quan.
Cũng do nhận thức về mục đích, ý nghĩa của hoạt động giám sát chưa đầy đủ và đồng đều. Nên khái niệm thế nào là một cuộc giám sát, hay giám sát khác với các cuộc làm việc có tính chất kiểm tra đôn đốc, kiểm sát ở chỗ nào cũng chưa được phân tích rõ ràng dẫn đến hiệu lực giám sát thấp, nhất là việc thực hiện những kiến nghị qua giám sát còn nhiều hạn chế. Vì vậy, khi nhận được những kiến nghị của HĐND sau giám sát thì chưa tập trung xem xét, giải quyết một cách nghiêm túc, kịp thời dẫn đến hiệu quả là Giám sát không đi kèm với quy kết trách nhiệm đối với cơ quan bi giám sát sẽ làm phai nhạt vai trò của cơ quan có quyền giám sát. Không làm rõ trách nhiệm của cơ quan bị giám sát sẽ dẫn đến triệt tiêu hiệu quả giám sát.
Do trình độ, kinh nghiệm của người đại diện cho nhân dân còn hạn chế, chưa dành nhiều thời gian cho công tác giám sát nên hoạt động giám sát chưa bao quát được mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, thi hành pháp luật ở địa phương. Kỹ năng giám sát về một số lĩnh vực chuyên sâu còn hạn chế điều đó khiến cho hoạt động giám sát của HĐND không tránh khỏi hình thức. Trên thực tế nhiều Đại biểu HĐND trong các kỳ họp không phát biểu ý kiến, không góp ý, thậm chí chỉ đến ngồi họp, giơ tay biểu quyết khi HĐND lấy ý kiến rồi ra về. Điều này xuất phát từ sự yếu kém về năng lực, trình độ, tâm lý ngại va chạm, không dám đấu tranh của Đại biểu.
Một điều đáng chú ý là pháp luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực, các Ban của HĐND rất lớn và nặng nề, nhưng công tác tổ chức
và cán bộ còn bất cập. Hầu hết thành viên của các Ban đều hoạt động kiêm nhiệm (kể cả Trưởng Ban ở cấp huyện), chuyên viên giúp việc còn hạn chế về chất lượng và số lượng. Mặt khác các nội dung cần phải giám sát hàng năm của HĐND là rất nhiều, do vậy lĩnh vực hoạt động của các cơ quan tiến hành TTHS thường ít được chú trọng.
Đối với hoạt động giám sát của HĐND thông qua hình thức chất vấn, một hình thức giám sát quan trọng của HĐND được đánh giá là ngày càng có hiệu quả cao, thể hiện tính dân chủ và khách quan trong hoạt động giảm sát, thì do những quy định về trách nhiệm pháp lý của người bị chất vấn mới chỉ dừng lại ở việc người bị chất vấn phải trả lời chất vấn, còn việc thực hiện những biện pháp khắc phục những sai phạm thì lại không được đề cập rõ. Chính điều này làm cho chất vấn, trả lời chất vấn trở nên hình thức (nội dung trả lời chất vấn nặng về giải thích, đổ lỗi cho khách quan, đôi khi được coi là cơ hội để báo cáo thành tích...)
Chương 3
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG
CỦA CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ