Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng

Một phần của tài liệu Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 110)

Trong bất cứ chiến lược phát triển nào của ngành, Chính phủ cũng như doanh nghiệp Nhật Bản đều coi trọng yếu tố con người nhất. Sự thành công của nền kinh tế Nhật

103

Bản nói chung và ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản nói riêng chỉ có thể lý giải từ yếu tố con người với tinh thần lao động đầy trách nhiệm, kỷ luật cao và say mê với nghề nghiệp theo đuổi. Bởi nếu so sánh với các nước khác, Nhật Bản không có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, cũng không phải là nước nắm giữ công nghệ nguồn, trong khi đất nước lại thường xuyên hấng chịu động đất và sóng thần. Trong bất cứ doanh nghiệp của Nhật Bản nào cũng đề cao việc đào tạo các nguồn lực để chuẩn bị cho chiến lược nhân sự trong tương lai, đào tạo một nhà lãnh đạo cấp trung, họ cần tối thiểu là 10 năm, những người này được trải qua các vị trí công tác từ thấp tới cao cho đến khi họ nằm trong ban lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ rất chú trọng phát triển đội ngũ kỹ sư, thợ có tay nghề cao. Các kỹ sư sẽ là đầu tàu phát triển kỹ thuật của công ty. Đối với Việt Nam chúng ta, thợ kỹ thuật cấp cao, công nhân lành nghề và những bộ phận quản lý có kỹ năng và trình độ đang thiếu. Cho nên, để phát triển một ngành công nghiệp đòi hỏi lớn về nhân lực có chuyên môn như ngành sản xuất ô tô, Việt Nam chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản để đào tạo và định hướng nghề nghiệp mà xã hội cần thiết. Điều này cần có sự phối hợp giữa các trường đào tạo đại học, dạy nghề và các doanh nghiệp. Ngành giáo dục cần đào tạo những đội ngũ nhân lực mà doanh nghiệp cần, tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay trên thị trường lao động Việt Nam.

Việt Nam đang ở thời kỳ “vàng” về dân số, với số dân trong độ tuổi lao động gần 57 triệu người [10, tr1]. Việt Nam đang rất dồi dào lao động, nếu chỉ là “nhân công rẻ” mà không có thêm các lợi thế khác được định lượng rõ ràng thì đây là chiến lược rất mạo hiểm và không phải là lợi thế phát triển ngành công nghiệp cần nhiều lao động có tay nghề cao như ngành sản xuất ô tô. Nhân công rẻ không bao giờ là yếu tố quyết định đối với những ngành kỹ thuật, công nghệ cao như sản xuất ô tô.

Tuy nhiên, cái mà chúng ta đang thiếu đó là kỹ sư giỏi trong lĩnh vực kỹ thuật, quản lý bậc trung có trình độ cao và thợ có tay nghề cao. Trong các trường đại học kỹ thuật hiện nay, chương trình học nặng về đào tạo lý thuyết mà thiếu các giờ học thực hành khoa học kỹ thuật trong phòng thí nghiệm và hiện trường tại các nhà máy, thiếu máy móc thiết bị hiện đại, bản thân học sinh cũng thiếu ý thức và coi trọng các giờ học thực tế tại các xưởng sản xuất, các nhà máy. Thực tế, đi thực tập chỉ là cưỡi ngựa xem hoa vì họ không có sự gắn kết và phối hợp trước đó giữa nhà trường và các nhà máy nơi họ đến thực tập. Cho nên, các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư họ không thể tuyển dụng đủ các kỹ sự có đủ trình độ làm việc.

104

Còn đối với nhân lực quản lý và văn phòng, các kỹ năng họ học được ở trường đại học cũng còn mang nặng tính lý thuyết trong khi các kỹ năng cần thiết để làm việc như trình độ vi tính, ngoại ngữ, khả năng thuyết trình lại không hề được chú trọng từ phía người dạy và sự thiếu quyết tâm từ phía người học.

Nhu cầu về thợ kỹ thuật có tay nghề ở nước ta rất lớn khi mà các nhà đầu tư triển khai các dự án sản xuất tại Việt Nam. Thế nhưng, đây lại chính là điểm yếu của chúng ta. Tâm lý chung của người Việt Nam coi trọng bằng cấp cao trong khi những ngành học thực tế để đi làm lại không được hầu hết người lao động theo đuổi học. Các trường đào tạo nghề đang bị “lép” vế trước các trường đại học vốn đang nở rộ trong thời gian tới.

Vì vậy, Nhà nước ta cần hạn chế cấp phép mở thêm các trường đại học mà tập trung vào việc phát triển các trường nghề có chất lượng, thay đổi chương trình dạy sát với thực tế, các nhà trường và các doanh nghiệp cần có mối liên kết chặt chẽ để nhà trường là nơi thực sự cung cấp nhân lực cần cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thực sự là trường học thực tế cho sinh viên học viên trong khi thực tập hay đi thực tế. Ngoài việc dạy kiến thức làm việc, các trường cũng chú trọng định hướng nghề và chấn chỉnh tác phong nghiêm túc với nghề mà sinh viên theo đuổi, người dân cũng nên đặt niềm đam mê với công việc trong định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ bên cạnh mục đích kiếm tiền nuôi sống bản thân, trao dồi những kỹ năng “mềm”.

Một phần của tài liệu Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 110)