HÌNH PHẠT TÙ VÀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TÙ
3.2.1. Những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt tù dụng hình phạt tù
Luật hình sự chỉ đạt được hiệu quả điều chỉnh thực tế khi các chế định hợp thành của luật hình sự đạt được mục đích của chúng. Chế định hình phạt
là một trong những chế định quan trọng nhất của luật hình sự và do vậy, nói đến hiệu quả của luật hình sự không thể không nói đến hiệu quả của hình phạt.
Nói đến hiệu quả của hình phạt tức là nói đến mức độ đạt được mục đích của hình phạt. Như vậy, việc nghiên cứu hiệu quả của hình phạt phải gắn liền với mục đích của hình phạt, đó là mục đích giáo dục cải tạo; mục đích phòng ngừa riêng, mục đích phòng ngừa chung; mục đích góp phần hạn chế tình hình tội phạm. Mức độ đạt được mục đích của hình phạt càng cao thì hiệu quả đạt được của hình phạt càng lớn. Điều đó có nghĩa là việc người phạm tội được giáo dục và cải tạo tốt; việc phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung được tiến hành có kết quả trong thực tế; tình hình tội phạm giảm, thì điều đó cũng có nghĩa là hiệu quả đạt được của hình phạt càng cao.
Nâng cao hiệu quả của hình phạt tù là một nhiệm vụ rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Để đạt được mục đích này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trước hết chúng ta cần làm rõ tiêu chí hiệu quả của hình phạt.
Trước hết, tiêu chí hiệu quả của hình phạt là những tiêu chuẩn dùng để đánh giá mức độ đạt được mục đích của hình phạt.
Thứ hai, mức độ được giáo dục, cải tạo của người bị kết án, mức độ này càng cao thì hiệu quả của hình phạt càng lớn và ngược lại.
Thứ ba, việc người đã chấp hành xong hình phạt không phạm tội mới, không tái phạm là một tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả của hình phạt. Việc tái phạm hay không tái phạm thể hiện rõ hình phạt trừng trị có thích đáng hay không? cải tạo, giáo dục người phạm tội có đạt yêu cầu hay không? Tỷ lệ tái phạm cao hay thấp chứng tỏ hình phạt đạt được hiệu quả thấp hay cao. Tuy nhiên cùng cần xem xét nguyên nhân và điều kiện của tái phạm. Có những trường hợp hình phạt được áp dụng đúng và công tác cải tạo tốt, nhưng có nguyên nhân và điều kiện khác có những tác động quyết định đối với tái phạm.
Thứ tư, diễn biến thực trạng, cơ cấu của tình hình tội phạm xảy ra trong một quốc gia là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của hình phạt. Tiêu chí đó thể hiện mức độ đạt được mục đích của phòng ngừa riêng, mục đích phòng ngừa chung và mục đích góp phần hạn chế tình hình tội phạm. Nếu tình hình tội phạm gia tăng hoặc không thay đổi có nghĩa là hình phạt ít có hiệu quả (hiệu quả thấp). Nếu tội phạm diễn biến theo chiều hướng giảm có nghĩa là hình phạt đạt hiệu quả càng cao.
Thứ năm, mức độ áp dụng hình phạt cũng được coi là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả của hình phạt. Hình phạt có hiệu quả cao thường được áp dụng phổ biến hơn. Vì vậy, tính hiệu quả của hình phạt đã được xác định ngay tại thời điểm quyết định hình phạt.
Trên cơ sở tiêu chí hiệu quả của hình phạt, đối chiếu với thực trạng áp dụng hình phạt tù, chúng ta thấy được những mặt tích cực và những hạn chế của việc quy định và áp dụng hình phạt tù. Để khắc phục những nhược điểm, nâng cao hiệu quả của việc áp dụng hình phạt tù, đáp ứng được những đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm chúng tôi nêu ra một số giải pháp cơ bản sau đây:
1- Hoàn thiện một số chế định có liên quan đến hình phạttù
- Cần xây dựng một hệ thống hình phạt tương xứng với các loại tội phạm với việc chỉ rõ trong Luật loại hình phạt nào được áp dụng với loại tội phạm nào. Trong đó phải đảm bảo tính nghiêm khắc của hình phạt được quy định đối với một loại tội phạm nhất định phù hợp với tính nghiêm trọng của loại tội phạm đó; hệ thống hình phạt cần xây dựng có các thang bậc (mức độ) nghiêm khắc (loại và mức hình phạt) tương xứng với các mức độ nghiêm trọng của các phạm trù tội phạm; hệ thống trong đó các hình phạt quy định ở các chế tài điều luật của phần các tội phạm cụ thể phải có sự tương xứng hài hòa nhất định. Tránh tình trạng hình phạt tù có thời hạn chiếm vị trí tuyệt đối trong các điều luật cụ thể như hiện nay.
- Về giới hạn tối thiểu của hình phạt tù có thời hạn. Trong lịch sử lập pháp hình sự của nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy rằng, ở ngay trong một quốc gia nhưng ở các giai đoạn lịch sử khác nhau thì việc quy định mức tối thiểu của hình phạt tù có thời hạn cũng có sự khác nhau. Trong lịch sử phát triển pháp luật hình sự nước ta, thời hạn tối thiểu của hình phạt tù được nhà làm luật quy định khác nhau ở từng giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước là do nhu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở những giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước quy định. Hiện nay tại Điều 33 Bộ luật Hình sự nước ta quy định mức phạt tù tối thiểu là 03 tháng. Tuy rằng việc quy định mức tối thiểu của hình phạt tù như vậy thể hiện sự tiến bộ của pháp luật hình sự hiện hành so với pháp luật hình sự trước đây, nhưng trong hoàn cảnh, điều kiện của nước ta hiện nay thì việc quy định đó chưa phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo chúng tôi với thời hạn tù giam thấp như vậy sẽ không đảm bảo nội dung pháp lý của hình phạt tù có thời hạn và rất khó phát huy được hiệu quả của hình phạt trong thực tiễn, đồng thời nó cũng là một trong những nguyên nhân làm quá tải ở trong các trại giam hiện nay ở nước ta. Việc đưa người bị kết án 03 tháng tù vào chấp hành tại các trại giam không đủ thời gian để họ thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật cũng như để họ có thể cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội. Với 03 tháng tù người bị kết án sẽ không đủ thời gian để được hưởng quy định về giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi có nhiều tiến bộ, không khuyến khích được ý thức tự cải tạo của họ. Mặt khác, trên thực tế có tình trạng trong nhiều vụ án thời gian tạm giam để điều tra, truy tố và xét xử bị kéo dài bằng hoặc hơn thời hạn phạt tù mà Tòa án tuyên. Trong những trường hợp đó, rõ ràng hình phạt tù với thời gian ngắn sẽ ít có tác dụng giáo dục, cải tạo. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nâng mức thấp nhất của hình phạt này lên 06 tháng hoặc nên chăng quy định như cách Bộ luật Hình sự Đức đã làm là chỉ được áp dụng hình phạt tù ngắn hạn dưới 06 tháng trong những trường hợp đặc biệt do đặc điểm nhân thân người phạm tội và lợi ích
xã hội đòi hỏi. Ngoài ra việc nâng mức tối thiểu tù có thời hạn sẽ góp phần vào việc giảm tình trạng áp dụng hình phạt tù có thời hạn quá nhiều, tràn lan trong khi các hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù - mặc dù được quy định là chế tài lựa chọn với hình phạt tù nhưng được áp dụng rất ít gây mất cân đối giữa các loại hình phạt trong hệ thống hình phạt.
- Về khoảng cách tối thiểu và tối đa trong một khung hình phạt tù có thời hạn.
Khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tù có thời hạn trong một khung hình phạt có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc áp dụng hình phạt, bảo đảm cho hình phạt có thể đạt được mục đích, bảo đảm được nguyên tắc công bằng trong luật hình sự. Việc để khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa trong một khung hình phạt quá rộng có ưu điểm là có thể đáp ứng được mọi trường hợp khác nhau, không "bó tay" Tòa án khi áp dụng hình phạt. Nó mở rộng khả năng lựa chọn một hình phạt cho tương xứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các đặc điểm về nhân thân của người phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Song bên cạnh nó có những hạn chế, đó là tạo ra việc tùy tiện, không thống nhất trong việc áp dụng hình phạt tù, không bảo đảm được nguyên tắc công bằng trong luật hình sự nhất là trong điều kiện trình độ chuyên môn của Thẩm phán còn không đồng đều, công tác hướng dẫn xét xử còn nhiều hạn chế.
Còn quy định khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tù trong một khung hẹp có cái ưu là ở mức độ lớn có khả năng hạn chế được những biểu hiện tùy tiện, chủ quan, bảo đảm được nhiều hơn sự thống nhất của việc áp dụng pháp luật, làm cho các bản án được tuyên có mức độ ổn định hơn, nhưng mặt khác lại không tạo nhiều khả năng cho những người áp dụng pháp luật cân nhắc được những tình tiết, hoàn cảnh đa dạng có thể xảy ra trong cuộc sống để áp dụng, lựa chọn mức độ phù hợp. Do vậy, việc xây dựng được khoảng cách cho phù hợp giữa mức tối thiểu và tối đa trong từng khung hình phạt là hoàn toàn cần
thiết, sao cho khoảng cách không bị quá rộng, không bị quá hẹp có thể phát huy được những ưu điểm và hạn chế được những nhược điểm của chúng, tạo cơ sở cho việc lựa chọn hình phạt cụ thể tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm.
Nghiên cứu Bộ luật Hình sự hiện hành có thể thấy, khung hình phạt được xây dựng theo kiểu tùy nghi lựa chọn. Nhiều chế tài quy định giới hạn tối thiểu và tối đa của hình phạt tù cách nhau đến 10 năm, ví dụ các điều 73, 74, 76, 78, 81, 83, 98, 101, 112, 129. Trong 69 cấu thành tội phạm có quy định hình phạt tù có thời hạn trong khung hình phạt thì có 32 cấu thành tội phạm có chế tài độc lập là hình phạt tù có thời hạn, có khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa trong khung hình phạt là từ 10 đến 15 năm. Các khung hình phạt này đều nằm trong các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Việc quy định khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa trong khung hình phạt quá rộng sẽ có thể dẫn đến việc áp dụng hình phạt một cách tùy tiện, thiếu thống nhất, nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc công bằng dễ bị vi phạm. Xuất phát từ quan điểm phân hóa các loại tội phạm, chế tài quy định đối với các tội phạm cụ thể cần được hoàn thiện theo hướng thu hẹp giới hạn khung của các chế tài xác định tương đối và tăng cường chế tài tùy nghi lựa chọn giữa các hình phạt không phải là tù.
Qua nghiên cứu luật hình sự của một số quốc gia, chúng ta có thể thấy rằng: việc quy định mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tù có thời hạn ở các quốc gia có sự khác nhau:
+ Bộ luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Nga (năm 1996) quy định thời hạn tù có thời hạn là từ 06 tháng đến 20 năm (khoản 2 Điều 57).
+ Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (năm 1979) quy định tù có thời hạn được qui định từ 06 tháng đến 15 năm (Điều 45).
+ Bộ luật Hình sự Nhật Bản quy định hình phạt tù có thời hạn tối thiểu là 01 tháng và tối đa là 15 năm và trong trường hợp đặc biệt có thể giảm nhẹ hình phạt dưới 01 tháng và có thể tăng nặng hình phạt đến 20 năm.
+ Bộ luật Hình sự Cộng hòa Pháp quy định mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tước tự do là 06 tháng và 30 năm.
Một vấn đề đặt ra liên quan đến mức cao nhất của hình phạt này là 20 năm và trong trường hợp phạm nhiều tội, hay phải tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì mức hình phạt chung không vượt quá 30 năm tù (Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự). Quy định này không hợp lý và trong thực tế cũng chưa có người bị kết án nào phải chấp hành hình phạt với mức hình phạt như vậy ở trong tù. Theo chúng tôi nên quy định khi tổng hợp hình phạt tù thì hình phạt chung không vượt mức cao nhất của hình phạt này.