0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (127 trang)

Thực trạng thi hành hình phạt tù ở Việt Nam

Một phần của tài liệu HÌNH PHẠT TÙ VÀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TÙ - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 91 -91 )

Trong những năm gần đây, số lượng người bị kết án phạt tù tăng lên, cụ thể: tính đến ngày 31-8-2008 có 139.501 người bị kết án tù, hiện Bộ Công an quản lý 138.849 phạm nhân, Bộ Quốc phòng quản lý 652 phạm nhân, so với cùng kỳ năm 2007 tăng 1.491 người. Trong đó:

- 112,353 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam. - 11.265 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù tại các phân trại quản lý phạm nhân trong các trại tạm giam.

- 11.322 người bị kết án tù đang bị giam giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ (trong đó có 4.279 trường hợp bản án chưa có hiệu lực pháp luật, 1.426 trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa nhận được quyết định thi hành án của Tòa án, 5.617 trường hợp đang hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đưa đến trại giam).

- 4.561 người bị kết án phạt tù đang ở ngoài xã hội, bao gồm: 2.226 trường hợp đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo Điều 61, Điều 62 Bộ luật Hình sự; 117 trường hợp hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ thi hành án nhưng chưa nhận được quyết định thi hành án của Tòa án; 108 trường hợp tại ngoại, mặc dù bản án phạt tù đã có hiệu lực pháp luật nhưng cơ quan Công an chưa nhận được quyết định thi hành án; 586 trường hợp đã có quyết định thi hành án nhưng người bị kết án đang điều trị bệnh, phụ nữ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hoặc chưa xác định được nơi cư trú nên chưa áp giải được; 1.464 trường hợp trốn thi hành án từ những năm trước còn tồn đọng đến nay.

Về mức án: Trong tổng số 123.618 phạm nhân, có 4.390 phạm nhân chấp hành hình phạt tù chung thân; 12.101 phạm nhân chấp hành hình phạt tù trên 15 năm đến 30 năm; 34.778 phạm nhân chấp hành hình phạt tù từ trên 07 năm đến 15 năm; 31.134 phạm nhân chấp hành hình phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm và 34.223 phạm nhân chấp hành hình phạt tù từ 03 năm trở xuống.

Về tội danh: có 11.272 phạm nhân phạm tội giết người, 6.419 phạm nhân phạm tội hiếp dâm, 41.987 phạm nhân phạm các tội về ma túy, 18.946 phạm nhân phạm tội cướp tài sản và cướp giật tài sản, 13.400 phạm nhân phạm tội trộm cắp tài sản, 1.739 phạm nhân phạm các tội về kinh tế, 878 phạm nhân phạm các tội về tham nhũng, chức vụ và 28.977 phạm nhân phạm các tội hình sự khác.

Trong số các phạm nhân nói trên, có 14.361 phạm nhân nữ, 1.383 phạm nhân là người chưa thành niên, 291 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 19 quốc tịch.

Trong những năm gần đây, số lượng người bị Tòa án kết án tù nhưng cho hưởng án treo tăng lên, lực lượng Công an cơ sở đã theo dõi và tham gia quản lý, giáo dục đối với 12.709 bị án. Để tăng cường công tác nắm tình hình thi hành các trường hợp bị kết án tù cho hưởng án treo, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã, phường, thị trấn thông qua hoạt động quản lý hành chính, quản lý các đối tượng để cùng cán bộ tư pháp giúp chính quyền cơ sở thực hiện công tác theo dõi, quản lý, giám sát và giáo dục người bị kết án phấn đấu tiến bộ và ngăn ngừa họ tái phạm tội. Tình hình theo dõi, quản lý người bị kết án tù nhưng cho hưởng án treo đã có những tiến bộ so với những năm trước đây. Tuy nhiên, do pháp luật chưa quy định giao cho một cơ quan cụ thể nào giúp Chính phủ quản lý thống nhất thi hành án loại này, nên công tác thi hành án đang còn nhiều lỏng lẻo, chưa được thi hành nghiêm minh, tác dụng răn đe, giáo dục thấp.

Hiện nay công tác thi hành án phạt tù cũng đang đứng trước khó khăn, tồn tại cần được giải quyết kịp thời. Biểu hiện tập trung của những tồn tại đó là hiệu quả, hiệu lực của công tác thi hành án phạt tù còn chưa cao; hoạt động thi hành án phạt tù chưa thật phù hợp và đáp ứng được hoạt động xét xử nói riêng và công tác phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, công tác thi hành án phạt tù cũng chưa phát huy hết ý nghĩa tuyên truyền, phố biến và giáo dục pháp luật của mình.

Pháp luật thi hành án phạt tù năm 1993 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2007); Quy chế trại giam ban hành kèm theo Nghị định 60/NĐ-CP ngày 16-8-1993 của Chính phủ, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật khác về thi hành hình phạt tù được ban hành, trước đó đã có những quan hệ xã hội có thể gọi là điển hình, phổ biến là đối tượng điều chỉnh của pháp luật về thi hành hình phạt tù thì tiếp sau đó trong xã hội lại nảy sinh những quan hệ xã hội cụ thể hơn, nhiều hơn về số lượng cần phải điều chỉnh bằng pháp luật thi hành án hình sự. Trong khi đó, pháp luật về thi hành hình phạt nói chung và thi hành hình phạt tù nói riêng, có thể nói chậm được sửa đổi, bổ sung so với các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, việc thiếu văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao như Bộ luật hay Luật nhằm điều chỉnh những vần đề có tính chất chung nhất đối với hoạt động thi hành hình phạt tù, đặc biệt là quy định về cơ chế phối hợp hoạt động giữa Tòa án, cơ quan thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng ví dụ như trong việc Tòa án ra quyết định thi hành hình phạt tù, còn các cơ quan thuộc Bộ Công an cũng như Bộ Quốc phòng lập danh sách đưa phạm nhân vào cải tạo tại các trại cải tạo. Các văn bản dưới luật có tính chất hướng dẫn không được sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với các văn bản pháp luật mới ban hành. Vì vậy, còn có quá nhiều vấn đề mà pháp luật về thi hành hình phạt tù cần điều chỉnh, chưa được giải quyết một cách triệt để.

Pháp luật và thực tiễn tổ chức thi hành án phạt tù hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập, một số văn bản pháp luật về thi hành án phạt tù chưa đảm bảo tính hệ thống, chưa thật phù hợp. Nhiều nội dung chưa được "luật hóa" hoặc đã được "luật hóa" nhưng không còn phù hợp. Chẳng hạn như: các quy định về phân loại trại giam trong Pháp lệnh Thi hành án phạt tù không còn phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 1999; trên thực tế vẫn còn nhiều người bị kết án tù nhưng chưa được đưa vào trại giam để chấp hành hình phạt tù; không có lực lượng cảnh sát chuyên trách thực thi việc bắt người thi hành án phạt tù. Việc quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt

tù cũng như thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo... thuộc trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc; nhưng trên thực tế chỉ có cơ quan Công an thực hiện nhiệm vụ quản lý các đối tượng này. Về thi hành hình phạt tù đối với người nước ngoài hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức giam giữ, giáo dục, lao động và sinh hoạt... Việc tổ chức thi hành án phạt tù trong quân đội chưa được tổ chức thống nhất.

Sự điều chỉnh của pháp luật đối với hoạt động thi hành án phạt tù có thể nói là chưa hợp lý, đó là theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Công an vừa là cơ quan điều tra chủ yếu, vừa là cơ quan tổ chức giam giữ và cải tạo phạm nhân. Ngoài ra còn có những tồn tại, bất cập khác như pháp luật thi hành hình phạt tù chưa quy định vấn đề đình chỉ thi hành hình phạt tù khi phạm nhân chết; việc giải quyết tình trạng phạm nhân mắc bệnh HIV, AIDS và nghiện ma túy cũng rất phức tạp và nan giải vì theo Chỉ thị của Bộ Công an, những người này không bị giam riêng, không được thông báo về bệnh lý của mình mà chỉ có cán bộ trại giam mới được biết để theo dõi. Đối với những bệnh nhân đã đến giai đoạn phát bệnh thì mới chuyển cho bệnh viện theo dõi và điều trị. Vì vậy, trong điều kiện trại giam việc lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các cơ quan thi hành án vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là cơ sở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chưa đáp ứng được yêu cầu giam giữ phạm nhân. Tình trạng quá tải trong giam giữ xảy ra ở nhiều trại giam nhất là các trại giam đóng ở phía Bắc và khu vực miền Đông Nam Bộ, do số lượng phạm nhân tăng lên nhanh đã vượt quá quy mô giam giữ được duyệt là 2m2

/người. Đối với phạm nhân là vị thành niên, mặc dù theo quy định của pháp luật được giam riêng song vì số lượng phạm nhân quá đông nên trong mỗi phòng giam của phạm nhân vị thành niên có thể có từ 3 đến 4 phạm nhân là người lớn cùng chung một phòng giam. Mặc dù các trại giam đã khắc phục, song trên thực tế vẫn xảy ra và rất khó có thể khắc phục ngay trong giai đoạn hiện nay.

Công tác quản lý cải tạo phạm nhân vẫn còn yếu kém, trì trệ, sự phối hợp giữa trại giam với cơ quan, tổ chức, với gia đình phạm nhân cũng như sự phối hợp giữa các trại giam chưa đạt hiệu quả cao. Việc thực hiện chế độ giam giữ phạm nhân theo loại trại đã bộc lộ những bất cập, gây tốn kém, phức tạp cho việc dẫn giải phạm nhân đến các trại giam, gia đình phạm nhân đi thăm gặp khó khăn.

Công tác giáo dục phạm nhân còn nhiều bất cập, các phạm nhân chủ yếu là trồng trọt, nấu ăn cho bếp của trại, việc dạy nghề hay hướng nghiệp nào khác cho phạm nhân chưa được thực sự chú trọng. Như vậy, hiệu quả dạy nghề có thể nói là chưa phù hợp với nhu cầu của xã hội. Mặt khác công tác quản lý, giúp đỡ những người đã chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng chưa thực sự chặt chẽ và có hiệu quả. Chính vì vậy, tỷ lệ tái phạm tội của những người hết hạn chấp hành hình phạt tù trở về cư trú ở thành phố, thị xã còn ở mức cao.

Công tác quản lý nhà nước về thi hành án phạt tù còn có những sơ hở, thiếu sót, tình trạng phạm nhân bỏ trốn, tình trạng người bị kết án tù vẫn ở ngoài xã hội… vẫn hết sức nhức nhối.

Đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ thi hành án phạt tù thiếu biên chế; các trại giam, trại tạm giam thiếu biên chế cán bộ y tế, sư phạm, giáo viên dạy nghề. Tình trạng tiêu cực, vi phạm pháp luật trong thi hành án phạt tù vẫn còn hiện diện. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác thi hành án hình sự nói chung, thi hành hình phạt tù nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và sự phát triển của xã hội.

Tổ chức biên chế và quyền hạn của cơ quan làm công tác thi hành án phạt tù trong lực lượng Công an nhân dân chưa tương xứng với trách nhiệm, phạm vi quản lý được giao, thẩm quyền pháp lý quy định.

Việc phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và Thi hành án đã tương đối chặt chẽ, song vẫn còn nhiều trường hợp hoạt động tố

tụng ở các giai đoạn trước thực hiện không tốt ảnh hưởng đến công tác thi hành án phạt tù, điển hình là việc xét xử oan sai, án tuyên không rõ ràng của Tòa án nên không thể thi hành trên thực tế.

Trên thực tế còn nhiều trường hợp việc cấp và chuyển giao bản sao bản án của Tòa án cho cơ quan thi hành án thường không kịp thời, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án. Một số Tòa án chưa ra quyết định thi hành án đúng theo quy định của pháp luật; việc cho bị cáo bị phạt tù hoãn thi hành án hoặc tạm đình chỉ thi hành án chưa đúng với quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, dẫn đến có một số trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm đề nghị hủy quyết định hoãn thi hành án hoặc tạm đình chỉ thi hành án đối với người bị kết án.

Chưa có sự phối hợp thống nhất giữa thi hành án phạt tù và thi hành án dân sự. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thi hành phần trách nhiệm dân sự và thi hành án phạt tù của cùng một bị cáo còn tách rời nhau. Cơ quan thi hành án dân sự không được thông tin đầy đủ về thời gian ra tù, địa chỉ của bị cáo sau khi rời khỏi nhà tù. Có bị cáo sau khi mãn hạn tù đã bỏ trốn đi nơi khác nhằm lẩn trốn việc thi hành án dân sự trong bản án hình sự. Ngược lại, có bị cáo đã thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự trước và trong thời gian thụ hình, nhưng pháp luật vẫn chưa coi đó là một tình tiết để chiếu cố giảm thời gian phạt tù, do vậy không có tác dụng khuyến khích các bị cáo chấp hành nghiêm chỉnh phần dân sự trong bản án hình sự.

Về thi hành hình phạt tù trong quân đội còn một số bất cập, đó là pháp luật chưa quy định rõ cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thi hành án phạt tù trong quân đội, tình trạng các Tòa án quân sự vừa xét xử lại vừa thực hiện công việc của cơ quan thi hành án phạt tù; cơ quan điều tra hình sự lại quản lý các trại giam thành án là chưa phù hợp với nguyên tắc hoạt động tư pháp.

Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, sự phân hóa trong xã hội, vấn đề xã hội hóa hoạt động thi hành án hình sự nói chung và thi

hành hình phạt tù nói riêng đòi hỏi pháp luật thi hành hình phạt tù phải nhanh chóng được hoàn thiện.

Nghiên cứu tổ chức thi hành án hình sự của một số nước trên thế giới, chúng tôi thấy mô hình của các nước Pháp, Italia, Nhật Bản, Canada, Thụy Điển, Bỉ… mà trong đó các cơ quan thi hành án hình sự thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Ở các nước này, Bộ Tư pháp không chỉ quản lý thống nhất hoạt động thi hành án phạt tù mà còn quản lý việc thi hành các hình phạt khác như án treo, quản chế, cấm cư trú, chữa bệnh bắt buộc… Đây cũng là một kinh nghiệm cần tham khảo trong quá trình triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII và Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ IX đã đề ra là hoàn thiện pháp luật về thi hành án theo hướng "gọn đầu mối".

Về thủ tục thi hành án: Chế định Thẩm phán theo dõi hình phạt cũng đóng vai trò nhất định trong việc thi hành án hình sự nói chung và trong quản lý các trại giam nói riêng ở nhiều nước tư bản như Pháp, Italia…Ở những nước khác nhau chế định này có tên gọi khác nhau và phạm vi thẩm quyền cũng có sự khác nhau, ví dụ ở Pháp, Thẩm phán xác định những quy tắc giam giữ chủ yếu áp dụng với từng người bị kết án tước tự do ở trại giam, có thể cho phép người bị kết án ra khỏi trại giam, ấn định chế độ hạn chế tự do, cho nghỉ phép, thi hành án phạt tù có điều kiện, chuyển từ chế độ giam giữ này sang chế độ giam giữ khác.

Một phần của tài liệu HÌNH PHẠT TÙ VÀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TÙ - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 91 -91 )

×