0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (127 trang)

Quá trình phát triển các quy định về hình phạt tù trong Luật hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến nay

Một phần của tài liệu HÌNH PHẠT TÙ VÀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TÙ - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 42 -42 )

Luật hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến nay

Trước khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985, ở nước ta chưa có một đạo luật thống nhất và hoàn chỉnh. Các quan hệ pháp luật hình sự được điều chỉnh bởi các quy phạm chứa đựng ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Sắc lệnh, pháp lệnh, sắc luật, nghị định, thông tư… Tại một loạt các văn bản pháp luật được ban hành thời kỳ đầu tiên, chúng ta thường gặp những quy định mang tính chung nhất về xử lý hình sự đối với những người phạm tội, chẳng hạn, "người nào vi phạm các quy định tại sắc luật này (sắc lệnh, quyết định...) thì tùy thuộc vào lỗi và mức độ vi phạm thì bị phạt tiền hoặc bị truy tố trước Tòa án", "bị trừng trị thích đáng". Ngoài ra, do pháp luật chưa hoàn chỉnh, còn chắp vá nhiều và để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nên Nhà nước ta còn cho phép áp dụng nguyên tắc tương tự trong xét xử.

Chính từ những đặc điểm trên của pháp luật hình sự và thực tiễn xét xử của các Tòa án có một sự ảnh hưởng tác động lớn đến việc hình thành, phát triển các chế định của pháp luật, trong đó có hình phạt.

Các loại hình phạt trong hệ thống hình phạt ở giai đoạn này được quy định ở nhiều văn bản khác nhau bao gồm cả văn bản luật cũng như văn bản dưới luật. Tuy nhiên, danh sách các hình phạt được quy định chưa thỏa mãn các dấu hiệu đặc trưng của hệ thống hình phạt, bởi vì hệ thống hình phạt không đơn giản chỉ là tập hợp các hình phạt mà giữa chúng phải có phương

thức liên kết với nhau theo một trật tự nhất định do tính chất nghiêm khắc của từng loại hình phạt quy định. Các hình phạt được quy định ở nhiều văn bản quy phạm khác nhau cho nên chúng không được tập hợp, sắp xếp đánh giá theo một trật tự. Tính nghiêm khắc của mỗi loại hình phạt và việc so sánh chúng với nhau chỉ được thể hiện phần nào ở trong hướng dẫn của cơ quan xét xử hay mặc nhiên thừa nhận trong thực tiễn.

Các văn bản quy phạm quy định tội phạm và hình phạt nhìn chung vẫn chưa quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng cho từng loại hình phạt cụ thể, chưa có sự phân biệt giữa chế tài hình sự và các chế tài khác như phạt hành chính, kỷ luật. Các hình phạt chính gồm: cảnh cáo, phạt tiền, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình; các hình phạt bổ sung gồm: phạt tiền, quản chế, tịch thu tài sản, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan trực tiếp đến tài sản.

* Hình phạt tù có thời hạn

Xét về mặt lịch sử, hình phạt tù có thời hạn trong pháp luật hình sự nước ta hình thành rất sớm. Các văn bản pháp luật trong giai đoạn này được ban hành rất phong phú và đa dạng về nội dung và hình thức. Hình thức của các văn bản này được ban hành dưới dạng luật, pháp lệnh, sắc lệnh, thông tư. Người ban hành là cơ quan quyền lực của Nhà nước, người đứng đầu Nhà nước hoặc người đứng đầu Chính phủ. Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, một trong những Sắc lệnh quan trọng của nước ta là Sắc lệnh số 06 ngày 05-9-1945 cấm nhân dân Việt Nam đăng lính, bán thực phẩm, dẫn đường, làm tay sai cho quân đội Pháp; kẻ nào trái lệnh đó sẽ bị Tòa án quân sự nghiêm trị. Tiếp theo là Sắc lệnh số 13/SL ngày 01-9-1945, tuyên bố có tội với Tổ quốc đối với những kẻ có hành vi chống lại nền độc lập, an ninh của Tổ quốc, cố tình tiếp tay cho địch. Sắc lệnh số 68 ngày 30-11-1945 ấn định về thể lệ trưng dụng, trưng thu và trưng tập đã có quy định về hình phạt tù: "Người nào nhận được lệnh trưng tập mà không tuân hành sẽ bị truy tố trước tòa án thường và bị phạt tù từ 6 ngày đến 3 tháng" (Điều 12). Hình phạt tù có thời hạn được quy định trong văn bản này chỉ ở mức thấp từ 6 ngày đến 3 tháng.

Sắc lệnh số 21/SL 14-02-1946, ngoài việc quy định tội phản cách mạng, Sắc lệnh còn quy định hình phạt khổ sai (tù giam từ 05 năm đến 20 năm). Sắc lệnh số 27 ngày 28-2-1946 về truy tố các tội bắt cóc, tống tiền và ám sát sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 10 năm tù và có thể bị xử tử.

Nhìn chung các văn bản pháp luật hình sự ở thời kỳ này quy định mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tù có thời hạn rất khác nhau, ví dụ: tại Điều 3 Sắc lệnh số 157 ngày 16-8-1946 về bắt buộc các thứ thuốc theo cách bào chế thái tay phải có dán một nhãn hiệu của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định: "Các người không tuân theo sắc lệnh này, sẽ bị phạt từ năm trăm đồng bạc (500) đến một vạn đồng (10.000) và có thể bị bắt đóng cửa hiệu bào chế; khi tái phạm có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 ngày".

Quy định về hình phạt tù có thời hạn trong giai đoạn này nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật hình sự mang tính chất đơn lẻ và là hình phạt được áp dụng hầu hết với các loại tội phạm. Hình phạt tù có thời hạn hầu như được quy định với hình thức trong điều khoản cuối cùng của một văn bản pháp luật, nó được quy định cùng với chế tài khác khi có sự vi phạm điều cấm nêu ra trong một văn bản quy phạm pháp luật. Luật số 103 ngày 20-5-1957 với nội dung chủ yếu là đảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân, được Quốc hội biểu quyết trong khóa họp thứ VI năm 1957. Tại Điều 16 của Luật này quy định: "Những người bắt, giam, khám người, khám đồ vật, nhà ở, thư tín trái với đạo luật này thì tùy từng trường hợp có thể bị thi hành kỷ luật hành chính hoặc xử phạt tù mười năm ngày đến ba năm tù".

Có thể thấy, trong giai đoạn này chưa có sự phân biệt, tách biệt giữa luật nội dung và luật hình thức. Các quy định về hình phạt tù được hình thành dần trong quá trình ban hành hệ thống các văn bản pháp luật. Trong luật số 102 ngày 20-5-1957 quy định quyền lập hội, được Quốc hội biểu quyết trong khóa họp thứ VI năm 1957 cũng chỉ có một chế tài duy nhất quy định về hình phạt tù có thời hạn: "…Trường hợp bị truy tố trước Tòa án, những người có trách

nhiệm sẽ bị phạt tiền từ mười vạn đồng (10.000đ) đến năm mươi vạn đồng (50.000đ) và phạt tù từ một tháng đến một năm, hoặc một trong hai hình phạt ấy…" (Điều 16).

Nghiên cứu các văn bản kể trên và một số các văn bản khác được ban hành trong những năm đầu thập kỷ 50 cho thấy việc quy định thời hạn hình phạt tù chưa thống nhất, mức thời hạn hình phạt tù có thời hạn rất ngắn từ 3 ngày đến 10 ngày (Sắc lệnh 157 ngày 16-8-1946), 15 ngày đến 3 năm (Luật số 103 ngày 20-5-1957), 1 tháng đến 1 năm (Luật số 102 ngày 20-5-1957)… Việc không phân định rõ xử phạt hành chính và hình phạt nên khó có thể khẳng định được giới hạn tối thiểu của hình phạt tù là 3 ngày, 6 ngày, 15 ngày. Về giới hạn tối đa thì chưa có văn bản nào quy định rõ và cùng không có văn bản nào quy định mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn quá 20 năm. Ví dụ: Thông tư số 442-TTg ngày 19-1-1955 của Thủ tướng Chính phủ về một số tội phạm quy định: "…3. Cố ý giết người: phạt tù từ 5 năm đến 20 năm, nếu có trường hợp nhẹ thì có thể hạ xuống đến 1 năm; giết người có dự mưu có thể phạt đến tử hình".

Vào những năm đầu của thập kỷ 60, quy định về hình phạt tù thể hiện rõ nét có nội dung chặt chẽ, thống nhất hơn. Trong thời gian này, đất nước ta có nhiều biến động lớn, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, các tội phạm trong lĩnh vực an ninh chính trị nổi lên với quy mô hoạt động rộng và mang tính nguy hiểm cao, các tội phạm về kinh tế cũng không kém phần nguy hiểm, đòi hỏi phải quy định chế tài kèm theo hành vi phạm tội một cách rõ ràng, không quy định hình phạt ở một điều khoản chung cho tội phạm. Tương ứng với mỗi loại tội phạm là một hình phạt, trong đó hình phạt chủ yếu là tù có thời hạn. Thời hạn của hình phạt tù được tăng lên đáng kể so với thời gian trước. Mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tù có thời hạn được quy định rõ ràng giao động từ 02 năm đến 20 năm. Trong các thời kỳ tiếp theo, quy định về hình phạt tù ngày càng rõ nét và hoàn chỉnh hơn mở rộng với nhiều tội phạm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thời kỳ này, Nhà nước đã ban hành các pháp lệnh: "Pháp lệnh về trừng

trị các tội phản cách mạng" ngày 20-10-1967, quy định: "Kẻ nào là công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mà cấu kết với người nước ngoài để gây nguy hại cho độc lập và chủ quyền dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nguy hại cho chế độ xã hội chủ nghĩa thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình" (Điều 3); "Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa" ngày 21-10-1970, trong chương II "Tội phạm và hình phạt", thì đều có quy định hình phạt tù có thời hạn đối với tất cả các tội trong chương này với mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm. Điểm mới trong các pháp lệnh này là mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tù có thời hạn được quy định rõ, mức tối thiểu là 03 tháng và tối đa là 20 năm.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (năm 1975), cả nước cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ở thời kỳ này, xã hội có nhiều biến động và thay đổi, tình hình tội phạm trong thời kỳ này diễn biến hết sức phức tạp, nhiều băng nhóm tội phạm nổi lên với tính chất nguy hiểm cao, quy mô rộng lớn. Các văn bản pháp luật hình sự trước đó bộc lộ nhiều yếu điểm không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh chống tội phạm. Trong bối cảnh này, Sắc luật số 03 ngày 15-3-1976 của Hội đồng chính phủ lâm thời quy định về tội phạm và hình phạt đã kịp thời được ban hành. Sắc luật này được coi như một "tiểu Bộ luật Hình sự" bởi sắc luật đã tập hợp hóa ở mức độ khá rộng, điều chỉnh 7 nhóm tội phạm cụ thể: nhóm tội phản cách mạng, nhóm tội xâm phạm đến tài sản công cộng, nhóm tội về kinh tế, nhóm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người, nhóm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn và tội hối lộ, nhóm tội xâm phạm tài sản riêng của công dân, nhóm các tội xâm phạm đến trật tự công cộng và an toàn công cộng, tương ứng mỗi loại tội phạm kèm theo chế tài hình phạt, trong đó hình phạt tù có thời hạn vẫn chiếm chủ yếu với giới hạn tối thiểu là 03 tháng, tối đa là 20 năm. Sắc luật số 03 ngày 15-3-1976 đã đánh dấu bước tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp hình sự ở nước ta. Tuy nhiên, do tính chất và quy mô chưa hoàn chỉnh nên chưa được coi là "Bộ luật".

Bổ sung các quy phạm pháp luật quy định hình phạt tù có thời hạn thể hiện ở nhiều văn bản pháp luật, điển hình là: "Luật nghĩa vụ quân sự" năm 1980, "Pháp lệnh trừng trị các tội hối lộ" ngày 20-5-1981 của Hội đồng Nhà nước, "Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép" ngày 30-6-1982. Hình phạt trong các các văn bản pháp lệnh này chủ yếu là phạt tiền nhưng xen kẽ vẫn có có chế tài hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Hình phạt tù có thời hạn được quy định trong các văn này nói chung không có gì mới so với Sắc lệnh số 03 ngày 15-3-1976, nhưng lần đầu tiên phạt cải tạo không giam giữ được quy định là hình phạt chính. Điều 69 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: "Người nào đang lứa tuổi làm nghĩa vụ quân sự mà không chấp hành đúng những quy định… thì tùy theo mức độ nặng nhẹ mà bị xử lý bằng biện pháp hành chính, bị phạt cải tạo không giam giữ từ 03 tháng đến 02 năm".

Qua nghiên cứu các văn bản pháp luật hình sự trong giai đoạn này chúng ta có thể thấy, các quy định về hình phạt nói chung và hình phạt tù có thời hạn nói riêng nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thiếu tập trung thống nhất, các loại hình phạt chưa được quy định rõ về nội dung, điều kiện cũng như đối tượng áp dụng. Hình phạt tù có thời hạn chưa được quy định thống nhất mức tối thiểu và tối đa, trong một số văn bản chưa có sự phân biệt rõ chế tài hành chính và hình phạt, đây là yếu điểm lớn dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật. Tuy các quy định về hình phạt tù có thời hạn trong các văn bản pháp luật ở giai đoạn này còn có những hạn chế nhất định, song các quy định đó đã giữ một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh và phòng chống các tội phạm.

Bộ luật Hình sự năm 1985 ra đời đánh dấu một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của luật hình sự nước ta. Bộ luật Hình sự năm 1985 là sự kế thừa và phát triển luật hình sự của Nhà nước ta từ Cách mạng tháng Tám, tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm ở nước ta trong mấy chục năm trước. Lần đầu tiên các loại tội phạm và hình phạt được tập hợp lại và được quy định thống nhất trong một văn bản là Bộ luật

Hình sự. Hệ thống hình phạt nói chung và hình phạt tù có thời hạn nói riêng có bước phát triển đáng kể. Sau 40 năm lần đầu tiên các hình phạt được quy định tương đối đầy đủ thành một hệ thống với việc quy định rõ mục đích của hình phạt (Điều 20), nội dung, điều kiện, phạm vi, đối tượng áp dụng cho từng loại hình phạt cụ thể được áp dụng cho từng loại tội phạm cụ thể (từ Điều 22 đến Điều 32 và một số điều khác). Lần đầu tiên khái niệm hình phạt tù có thời hạn đã được ghi rõ trong đạo luật: "Tù có thời hạn là hình phạt buộc người bị kết án phải bị giam trong thời gian ba tháng đến hai mươi năm" (khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1985). Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 1985 đã quy định rõ mức tối thiểu của hình phạt tù có thời hạn là ba tháng và mức tối đa của hình phạt này là hai mươi năm. Tuy nhiên, đối với người chưa thành niên phạm tội có thể bị phạt tù có thời hạn như sau:

1. Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên khi phạm tội là hai mươi năm tù và đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi khi phạm tội là mười lăm năm tù.

2. Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là hai mươi năm tù thì mức hình phạt cao nhất dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là không quá 12 năm tù (Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 1985).

Nghiên cứu phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 1985, chúng ta thấy rằng có 194 điều luật quy định về các tội phạm cụ thể thì cả trong 194 điều

Một phần của tài liệu HÌNH PHẠT TÙ VÀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TÙ - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 42 -42 )

×