THỰC TIỄN XÁC ĐỊNH TỘI PHẠM, ĐỊNH TỘI DANH VÀ
QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT
2.1. Vai trò của hành vi nguy hiểm cho xã hội trong thực tiễn xác định tội phạm định tội phạm
Trong thực tiễn xét xử, không ít các cơ quan có thẩm quyền xác định tội phạm vẫn còn chưa chính xác dẫn đến hiện tượng bỏ lọt hoặc làm oan người vô tội. Cải cách tư pháp nói chung và nhất là cải cách tư pháp hình sự nói riêng có nhiều mục đích quan trọng, nhưng khâu đột phá của cuộc cải cách đó có lẽ là vấn đề chống tình trạng trên. Bởi vì, mục đích của hoạt động tư pháp là duy trì và bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của công dân thông qua hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, trong đó xét xử là hoạt động trung tâm. Điều 1 của Bộ luật Tố tụng hình sự xác định một trong những mục đích của Bộ luật là xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm người oan người vô tội.
Xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội với tư cách là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác là cơ sở để Nhà nước sử dụng các biện pháp pháp lý khác nhau đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật, đảm bảo cuộc đấu tranh này đạt hiệu quả, đảm bảo cho pháp luật nói chung và PLHS nói riêng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác tuy khác nhau về mức độ nguy hiểm cho xã hội nhưng có mối liên hệ nội tại thống nhất, tạo thành hệ thống. Do vậy, đấu tranh với
48
chúng cũng phải tuân theo tính hệ thống, phải bao gồm nhiều biện pháp khác nhau, hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, phải sử dụng kết hợp nhiều biện pháp đấu tranh như biện pháp chính trị - tư tưởng, biện pháp kinh tế, biện pháp giáo dục, biện pháp văn hóa - xã hội, biện pháp pháp lý ... Phương châm của Đảng và Nhà nước ta là phải kết hợp giữa giáo dục thuyết phục với cưỡng chế, trong đó lấy thuyết phục giáo dục là chính. Sử dụng các biện pháp pháp lý cũng phải theo phương châm này, theo đó thì mỗi biện pháp pháp lý được sử dụng phù hợp với mỗi một loại vi phạm tương ứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của chúng.
Khi một người thực hiện một hành vi thực tế không có tính nguy hiểm cho xã hội "đáng kể" nhưng lại bị xác định "nhầm" là tội phạm và phải chịu sự xử lý của PLHS thì họ sẽ chỉ thấy ở pháp luật sự nghiêm khắc, không thấy sự nghiêm minh, công bằng. Khi đó họ có thể "sợ pháp luật" nhưng lại không tôn trọng pháp luật, mất niềm tin vào pháp luật, thậm chí sinh ra thái độ "oán giận", từ đó mà không chịu cải tạo giáo dục. Ngược lại, một người thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức "đáng kể" nhưng lại không bị xác định là tội phạm, tức là không bị xử lý bằng PLHS sẽ có thái độ coi thường, khinh nhờn pháp luật. Người đã có thái độ như vậy thì rõ ràng họ sẽ không tuân thủ pháp luật. Đối với những người khác, những người không vi phạm pháp luật thì việc sử dụng đúng PLHS có tác động rất tích cực tới ý thức pháp luật của họ. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ nhiều người không phạm tội là do họ sợ bị pháp luật trừng trị vì họ thấy những người phạm tội bị trừng trị nghiêm khắc. Sự tác động này là có nhưng không phải là chủ yếu. Chính việc sử dụng đúng PLHS làm cho mọi người thấy được ở pháp luật sự công bằng và nghiêm minh, từ đó tôn trọng pháp luật, tin tưởng ở pháp luật mà tự giác tuân thủ pháp luật, đồng thời tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
49
Rõ ràng, PLHS chỉ đạt được vai trò, nhiệm vụ của mình khi nó được sử dụng đúng, cụ thể là nó được sử dụng để đấu tranh với loại vi phạm pháp luật có tính nguy hiểm "đáng kể" cho xã hội là tội phạm. Do đó, xác định ranh giới giữa tội phạm với các vi phạm pháp luật khác đảm bảo cho PLHS cũng như pháp luật nói chung thực hiện được tốt nhiệm vụ của mình.
Dưới góc độ thực tiễn, khi nhận thức rõ "cái gì là tội phạm", sẽ cho phép các cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng các biện pháp hình sự để đấu tranh; "cái gì không phải là tội phạm" thì các cơ quan pháp luật không được khởi tố điều tra, nếu đã khởi tố điều tra và xét xử thì phải tuyên bị cáo không phạm tội (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết) hoặc phải đình chỉ vụ án và chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng biện pháp khác (xử lý vi phạm hành chính, vi phạm kỷ luật hoặc dân sự...), nhằm thực hiện đúng nguyên tắc tố tụng hình sự "không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội". Việc làm rõ "những gì không phải là tội phạm" còn có ý nghĩa làm cho mọi người trong xã hội nhận thức được khi nào thì hành vi gây thiệt hại của một người bị truy cứu TNHS, còn khi nào thì không bị truy cứu TNHS, nhằm phát huy quyền làm chủ của công dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật. Khi một người biết rõ mình được làm gì, không được làm gì mà pháp luật quy định thì xã hội thật sự trở thành một xã hội có kỷ cương và nhà nước thật sự là Nhà nước pháp quyền. Hiện nay ở nhiều nơi tình trạng coi thường kỷ cương, cố ý vi phạm pháp luật, và trở thành tội phạm còn nhiều, nhưng cũng không ít trường hợp do không hiểu pháp luật nên đã "vô tình" phạm tội. Cũng có trường hợp tưởng rằng hành động như vậy là phạm tội nên không dám làm hoặc nếu trót hành động thì tìm cách "chạy chọt" để tránh sự trừng phạt và không hiếm người đã lợi dụng sự kém hiểu biết này để trục lợi bất chính. Làm rõ những trường hợp không phải là tội phạm giúp cho mọi người vững tin hơn khi hành động, tích cực đấu
50
tranh chống lại những hành vi phạm tội, từ bỏ những ý định sai trái hoặc hành vi có hại cho xã hội mà mình tưởng lầm là không trái pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật, trình độ dân trí của công dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm và những vi phạm pháp luật.
Từ thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử có thể nêu một số trường hợp điển hình về việc phân định tội phạm với vi phạm không chính xác như sau: