Về cơ sở pháp lý và những điều kiện áp dụng

Một phần của tài liệu Mối liên hệ giữa trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự (Trang 54)

CỦA MỐI LIÊN HỆ GIỮA TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ VÀ MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

2.3.1. Về cơ sở pháp lý và những điều kiện áp dụng

Theo đúng nghĩa của từ điển giải thích thì “cơ sở” là cái nền tảng trong quan hệ với những cái xây dựng trên đó hoặc dựa trên đó mà tồn tại, phát triển. Vì vậy, có thể suy ra cơ sở pháp lý chính là những căn cứ khoa học, lý luận mang tính chất pháp lý để đánh giá các quy định của pháp luật. Điều 2 Bộ luật hình sự năm 1999 khẳng định cơ sở của trách nhiệm hình sự là: “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu

trách nhiệm hình sự”. Điều luật này thể hiện hai nội dung:

Một là, chỉ người nào phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Phạm tội là một động từ chỉ hoạt động của một chủ thể đã thực hiện hành vi gây thiệt hại hoặc tạo ra nguy cơ gây thiệt hại cho một quan hệ xã hội nhất định. Song hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đó phải bị coi là có lỗi (lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý) và nếu không có lỗi thì không bị coi là tội phạm. Điều luật này cũng có nghĩa là bất kỳ ai phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hai là, tội phạm đó phải được quy định trong Bộ luật hình sự. Bộ luật

hình sự chính là cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nó là văn bản pháp lý duy nhất của Nhà nước quy định về tội phạm và hình phạt. Ngoài Bộ luật hình sự năm 1999 không thể có văn bản pháp lý nào khác quy định về tội phạm và hình phạt. Một người chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình nếu hành vi đó phù hợp với hành vi được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm.

Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1999 lại quy định “chỉ người nào phạm

một tội đã được luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự

nghĩa là bao gồm cả những văn bản pháp luật hình sự không phải là Bộ luật hình sự. Đây chính là sự hạn chế trong quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 mà Bộ luật hình sự năm 1999 đã sửa đổi và khắc phục được điều này.

Trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý, phản ánh sự lên án của Nhà nước và xã hội đối người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm. Với người được miễn trách nhiệm hình sự, họ cũng đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm, song với người này, tuỳ thuộc vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng, các cơ quan tiến hành tố tụng thấy rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự người đó lại không cần thiết mà vẫn đáp ứng các yêu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm, cũng như công tác giáo dục, cải tạo người phạm tội, thì sẽ cho họ được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, trên cơ sở nghiên cứu chế định trách nhiệm hình sự và chế định miễn trách nhiệm hình sự nhận thấy: cơ sở của miễn trách nhiệm hình sự cũng được xuất phát từ cơ sở của trách nhiệm hình sự. Cụ thể, nếu cơ sở của trách nhiệm hình sự là việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm do người có lỗi thực hiện, thì cơ sở của miễn trách nhiệm hình sự là việc khi có những điều kiện do luật hình sự quy định để không buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự, mặc dù hành vi do người đó thực hiện đã thoả mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm tương ứng trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự với các yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau. Đúng như PGS.TS. Lê Thị Sơn đã viết: “Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với người phạm tội thì miễn trách nhiệm hình sự, miễn hậu quả pháp lý của việc phạm tội cũng chỉ có thể đặt ra đối với người phạm tội. Không thể áp dụng miễn trách nhiệm hình sự đối với người không có hành vi thoả mãn dấu hiệu pháp lý của một cấu thành tội phạm được quy định trong luật hình sự...” [34, tr. 19].

Như vậy, trong khoa học luật hình sự và pháp luật thực định có tồn tại hai khái niệm đòi hỏi cần phải làm sáng tỏ, đó là các khái niệm "người phạm tội" và "người bị coi là có tội". Trước hết, thuật ngữ "người phạm tội" dùng

để chỉ một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm. Nói một cách khác, hành vi do người đó thực hiện đã thoả mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm nào đó được quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự và chủ thể thực hiện hành vi đó bị coi là chủ thể của tội phạm. Trong khi đó, thuật ngữ "người bị coi là có tội" cũng được sử dụng để xác định một người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm, nhưng thu hẹp hơn với người phạm tội - với họ đã có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Như vậy, cơ sở duy nhất làm phát sinh trách nhiệm hình sự chỉ có thể là tội phạm. Cho nên, thời điểm phát sinh cơ sở của trách nhiệm hình sự là thời điểm một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm, nhưng có thể trách nhiệm hình sự sẽ không được thực hiện trên thực tế, nếu có những điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự cho người đó theo quy định của pháp luật hình sự trên những cơ sở chung.

Rõ ràng, dù theo quan điểm nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng đều nhận thấy cơ sở của trách nhiệm hình sự chính là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Cơ sở của trách nhiệm hình sự là nền tảng, là căn cứ pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án) căn cứ vào đó để xác định một chủ thể có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không về hành vi mà họ đã thực hiện. Nếu hành vi phạm tội không thoả mãn các dấu hiệu của trách nhiệm hình sự thì hành vi đó không cấu thành tội phạm. Hành vi không cấu thành tội phạm có thể là hành vi vi phạm pháp luật hoặc đó là hành vi hợp pháp, nhưng do đánh giá sai tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi nên đã kết án người thực hiện hành vi đó về một số tội mà Bộ luật hình sự quy định. Thực tiễn xét xử cho thấy, Tòa án kết án một người mà hành vi của họ không cấu thành tội phạm là do đánh giá không đúng, không

đầy đủ các tình tiết của vụ án, không nắm chắc các yếu tố cấu thành tội phạm cũng như không nắm chắc các dấu hiệu trong một cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong một điều luật ở phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.

Miễn trách nhiệm hình sự sẽ căn cứ trên cơ sở của trách nhiệm hình sự để đánh giá hành vi vi phạm của một người đã thực hiện tội phạm có được miễn (hoặc có thể được miễn) trách nhiệm hình sự hay không? Nếu như người đó được miễn trách nhiệm hình sự thì phải đáp ứng những cơ sở nào? Ngược lại, truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phải dựa trên những cơ sở nào? Bắt buộc là những quyết định đưa ra của cơ quan tư pháp hình sự phải có cơ sở, có căn cứ thì mới giải quyết vụ án hình sự một cách chính xác và khách quan, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân. Nếu không sẽ dẫn đến các quyết định sai trái, làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm.

Sẽ là chưa đủ khi mới chỉ bàn về cơ sở của trách nhiệm hình sự để qua đó tìm ra mối liên hệ của nó với các chế định miễn trách nhiệm hình sự mà cần thiết phải nói tới điều kiện của trách nhiệm hình sự: “điều kiện của trách nhiệm hình sự là căn cứ riêng cần và đủ, có tính chất bắt buộc và do Luật hình sự quy định mà chỉ khi nào có tổng hợp tất cả chúng (các căn cứ riêng

đó) thì một người mới phải chịu trách nhiệm hình sự” [6, tr. 137]. Nghiên cứu

các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, chúng tôi thấy có năm điều kiện cần và đủ để buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự đó là: (1) Hành vi được thực hiện phải bị luật hình sự cấm; (2) Người đó phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự; (3) Người đó phải là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; (4) Người đó phải thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội; (5) Người đó phải là người có lỗi. Như vậy, nếu thiếu dù chỉ một trong năm điều kiện trên thì một người sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc là được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Một phần của tài liệu Mối liên hệ giữa trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)