Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự là hai chế định quan trọng của Luật hình sự Việt Nam. Viêc phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa hai chế định này rất quan trọng, giúp các cơ quan áp dụng pháp luật đưa ra được những quyết định đúng đắn, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho sự kết hợp các biện pháp cưỡng chế hình sự của Nhà nước với các biện pháp tác động xã hội trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
1) Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự có một số điểm giống nhau như sau:
a) Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự đều là hai chế định quan trọng của luật hình sự Việt Nam, có chung cơ sở phát sinh là chỉ khi nào có việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm.
b) Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự đều có chung một chủ thể có thẩm quyền áp dụng đó là cơ quan Nhà nước mà đại diện là cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền (Cơ quan điều tra với sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, Viện kiểm sát và Toà án) căn cứ vào giai đoạn tố tụng hình sự cụ thể để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
c) Chủ thể bị áp dụng chế định trách nhiệm hình sự và chủ thể được áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự đều là người phạm tội – đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự, có lỗi và đạt độ tuổi theo luật định.
2) Trên cơ sở những điểm giống nhau, trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự cũng có sự khác nhau cơ bản:
a) Về hậu quả pháp lý của việc áp dụng: trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải chịu trước Nhà nước do việc người đó thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng bản án kết tội của Toà án có hiệu lực pháp luật và một số biện pháp cưỡng chế hình sự do luật hình sự quy định.
Còn miễn trách nhiệm hình sự là miễn hậu quả pháp lý bất lợi của việc phạm tội, thể hiện ở chỗ người phạm tội không phải chịu sự kết tội của Toà án, không bị coi là có tội, không phải chịu hình phạt và không phải mang án tích.
b) Về chủ thể có thẩm quyền áp dụng: việc thực hiện trách nhiệm hình sự chỉ có thể do Toà án, nhân danh Nhà nước áp dụng đối với người phạm tội. Còn miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội có thể được thực hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng tương ứng với từng giai đoạn tố tụng nhất định: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
c) Về trình tự xác định: việc truy cứu trách nhiệm hình sự là hoạt động của các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền (Cơ quan điều tra với sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, Viện kiểm sát và Toà án) kế tiếp nhau áp dụng theo trình tự (thủ tục) tố tụng hình sự tương ứng để buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Còn đối với miễn trách nhiệm hình sự khi được áp dụng chỉ do một cơ quan tư pháp hình sự tương ứng áp dụng. Nếu như ở giai đoạn điều tra thì Cơ quan điều tra sẽ áp dụng với sự phê chuẩn của Viện kiểm sát để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội; ở giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát sẽ là cơ quan có thẩm quyền áp dụng miễn trách nhiệm hình sự; ở giai đoạn xét xử thì cơ quan Toà án đánh giá, xem xét các căn cứ và điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
d) Về văn bản thể hiện: trách nhiệm hình sự được thể hiện trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Toà án. Còn miễn trách nhiệm hình sự được thực hiện bằng các quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát) hoặc quyết định miễn trách nhiệm hình sự ngay trong bản án của TToàán.
Chương 2