Đảm bảo tính hệ thống và tính nhất quán

Một phần của tài liệu Hướng dẫn học sinh làm bài tập thực hành trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 7 trường trung học cơ sở (Trang 61)

Hiện thực lịch sử phát triển trong sự thống nhất song đa dạng, đầy mâu thuẫn và hợp quy luật. Việc nhận thức lịch sử cũng phải tuân thủ theo lôgic sự phát triển lịch sử khách quan. Tính hệ thống được thể hiện ở thời gian, trình tự trước sau của các sự kiện, hiện tượng lịch sử phải tìm hiểu từ lịch sử nguyên thủy, cổ trung đại, đến cận hiện đại chứ không thể nhận thức ngược lại. Quá trình lĩnh hội tri thức của HS chỉ vững chắc khi kiến thức mà các em thu nhận được không phải từng đơn vị riêng lẻ mà phải là một chỉnh thể thống nhất có quan hệ với nhau.

64

Tính hệ thống của các nội dung lịch sử thể hiện trong một mục, một bài, một chương hay một khóa trình. Các kiến thức không tồn tại biệt lập mà bị chi phối bởi yếu tố thời gian, mối liên hệ nhân quả. Giữa các đơn vị kiến thức có sự móc xích với nhau, không nắm vững kiến thức bài học trước thì không thể chuyển sang nắm vững kiến thức ở bài học sau. Đồng thời, không nắm vững kiến thức cơ bản của chương trước thì cũng không thể dễ dàng tiếp thu kiến thức ở chương tiếp theo. Học lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX, HS thấy được sự vận động nội tại của lịch sử trung đại Việt Nam. Cụ thể: Buổi đầu độc lập thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (thế kỉ X) là nền tảng cho sự phát triển đỉnh cao của quốc gia - dân tộc ở thời Lý - Trần (thế kỉ XI - thế kỉ XIV) với việc phát triển kinh tế toàn diện, đánh tan giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập và dân tộc và phát triển nền văn hóa Thăng Long. Đến thời Lê Sơ (thế kỉ XV - đầu thế kỉ XVI) chế độ phong kiến trung ương tập quyền phát triển hoàn thiện về mọi mặt. Tuy nhiên bước sang các thế kỉ XVI - XVIII, do không giải quyết được các mâu thuẫn nội tại nên chế độ phong kiến lại rơi vào tình trạng khủng hoảng. Và đến nửa đầu thế kỉ XIX, nhà Nguyễn tuy được tái thiết trở lại nhưng với tưởng bảo thủ đã không thể giải quyết nổi khủng hoảng của đất nước, dẫn tới Việt Nam trở thành đối tượng xâm lược của thực dân Pháp.

Khi xây dựng hệ thống bài tập cần chú ý đảm bảo mối liên hệ lôgic giữa các sự kiện, hiện tượng lịch sử trong từng bài, từng chương, giữa các chương, các bài, các chương với các khóa trình. Nội dung thiết kế cũng phải rất linh hoạt, có những bài tập thiết kế dựa trên đơn vị kiến thức của bài học, có bài tập lại được dựa trên đơn vị kiến thức của một chương, thậm chí cả một khóa trình. Việc đảm bảo tính hệ thống, tính nhất quán về nội dung kiến thức, nội dung bài tập chính là cơ sở quan trọng để tổ chức tốt các hoạt động lĩnh hội tri thức lịch sử cho HS.

Một phần của tài liệu Hướng dẫn học sinh làm bài tập thực hành trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 7 trường trung học cơ sở (Trang 61)