Xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ có tác dụng kích thích sự phát triển của các làng nghề. Trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng trong các làng nghề ở Vĩnh Phúc đã có nhiều thay đổi tích cực song nhìn một cách tổng quát thì vẫn ở trong tình trạng kém phát triển tạo ra những lực cản đối với sự phát triển của các làng nghề. Để phát triển nhanh, bền vững các làng nghề trong thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể nhằm phát triển toàn diện, đồng bộ hạ tầng cơ sở. Sau đây là một vài giải pháp quan trọng trước mắt:
- Đối với hệ thống đường giao thông. Hệ thống giao thông trong các làng nghề sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề nếu nó thường xuyên được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cho phù hợp với sự phát triển của các làng nghề. Ngược lại nó sẽ trở thành lực cản hạn chế tiến trình phát triển của các làng nghề. Với hệ thống đường làng chật hẹp, chắp vá, nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng, lại thường xuyên bị chiếm dụng để tập kết vật liệu (gỗ, than) hoặc đổ chất thải sản xuất. Giao thông trong các làng nghề hiện nay ở Vĩnh Phúc đang là yếu tố cản trở sự phát triển sản xuất. Để khắc phục những yếu kém đó cần:
+ Xã hội hoá nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước đầu tư một phần kinh phí để khuyến khích nhân dân góp vốn đầu tư và trực tiếp quản lý.
+ Lập kế hoạch, quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống đường giao thông với hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải, thông tin liên lạc tránh tình trạng đường vừa làm xong đã bị đào lên vì một dự án khác.
+ Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng với cải tạo, duy tu và bảo dưỡng hệ thống đường hiện có. Nhanh chóng đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã và điểm nối các tụ điểm kinh tế, dịch vụ và thương mại trong tỉnh. Giải pháp trước mắt là bê tông hoá hoặc rải nhựa hệ thống
đường giao thông trong các làng nghề tạo sự thông thoáng, thuận tiện cho giao lưu hàng hoá.
- Đối với hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải hạn chế ô nhiễm môi trường. Có một thực tế ở các làng nghề ở Vĩnh Phúc hiện nay là nước thải cống chung từ các hộ sản xuất với các chất thải đã gây nên tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề, ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ cộng đồng. Để khắc phục tình trạng này cần có các giải pháp sau:
+ Thành lập các tổ, đội vệ sinh môi trường hoạt động thu gom, xử lý rác thải trong phạm vi thôn, làng theo nguyên tắc thu phí của những người có nguồn xả tuỳ theo số lượng chất thải của họ.
+ Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong cộng đồng dân cư, giáo dục nâng cao nhận thức của đông đảo các tầng lớp dân cư để họ cùng nhau gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp.
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát về vấn đề vệ sinh môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
+ Nghiêm cấm việc đầu tư mới, mở rộng các cơ sở sản xuất trong các khu dân sinh nhất là đối với làng nghề từ các nguồn nguyên liệu tái chế như sắt, thép, nhựa… Đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất có nguồn thải gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Kết hợp việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp làng nghề với xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xử lí chất thải.
- Đối với hệ thống điện. Mặc dù đã có nhiều cải tiến trong các khâu cung cấp, kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện song cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như vốn đầu tư cho xây dựng, cải tạo mạng lưới điện còn rất hạn hẹp. Hệ thống các công trình phân phối điện còn chưa được quy hoạch, thiếu tính đồng bộ, chắp vá. Hiện nay do trong các làng nghề bước đầu được thực hiện cơ khí hoá, điện khí hoá sản xuất nên nhu cầu về điện tăng mạnh. Trong thời gian tới cần xây dựng quy hoạch tổng thể mạng lưới điện nông
thôn nhất là những làng nghề phát triển nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về điện cho sản xuất. Tiến hành xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến thế, đường dây tải điện đảm bảo cung cấp điện ổn định và có chất lượng đến tận các hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp trong các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề. Sở Điện lực Vĩnh Phúc cần thực hiện phân cấp quản lý rõ ràng đến tận từng thôn, xóm, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng thất thoát điện năng từ đó hạ giá thành điện ở nông thôn xuống.
- Đối với hệ thống thông tin liện lạc. Thông tin liên lạc có ảnh hưởng rất lớn tới việc cập nhật thông tin, nắm bắt nhu cầu thị trường của các hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp trong làng nghề. Những năm qua hệ thống thông tin liên lạc trong các làng nghề nói riêng và toàn tỉnh nói chung đã có những bước tiến đáng kể. Gần như 100% các xã có điểm bưu điện văn hoá xã, số máy điện thoại cũng ngày càng gia tăng, hầu hết các gia đình đều có tivi, đài truyền thanh. Tuy nhiên vẫn phải nói rằng hệ thống thông tin liên lạc trong các làng nghề còn thiếu và yếu, chưa phát huy được hết vai trò của nó đối với sự phát triển của các làng nghề. Do đó cần tập trung nâng cấp các công trình, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật của các trung tâm bưu điện các huyện, thị. Cải tiến lại phương thức hoạt động của các điểm bưu điện văn hoá xã để nơi đây thực sự trở thành điểm cập nhật các thông tin về quản lý, kinh tế, thị trường của các hộ sản xuất và các cơ sở kinh doanh trong các làng nghề. Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc cần cần nhanh chóng thực hiện đa dạng hoá các hình thức thông tin phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề. Đài truyền hình nên xây dựng một chương trình riêng cho làng nghề phát định kỳ hàng tuần để thông qua đó những người làm nghề có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho nhau cũng như giải đáp những thắc mắc của mình.