Thị trường có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của các làng nghề, nó bao giờ cũng là căn cứ ban đầu của phát triển sản xuất và và là tiêu điểm hướng tới của các nhu cầu tiêu dùng xã hội. Tình hình thị trường của các làng nghề hiện nay tuy đã có những bước phát triển hơn hẳn so với những thời kỳ trước, song thực tế nó vẫn còn mang tính tự phát và thiếu ổn định, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm mở rộng thị trường cho phát triển làng nghề là một vấn đề quan trọng và cấp thiết. Thị trường hoàn thiện, mở rộng, vững mạnh thì làng nghề phát triển bền
vững. Do đó để tạo điều kiện cho các làng nghề cần phát triển đồng bộ các loại thị trường.
Về các giải pháp chung:
- Đào tạo và nâng cao những kiến thức và kỹ năng hoạt động thị trường, nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất, thay thế những kinh nghiệm mang nặng tính bản năng của người sản xuất hàng hoá nhỏ bằng những kiến thức thị trường.
- Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường trong nước và thị trường nước ngoài thông qua những hình thức quảng cáo, triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế. Tổ chức nghiên cứu, nắm bắt và cung cấp thông tin về thị trường, trong đó bao gồm những thông tin về hàng hoá, chất lượng và giá cả hàng hoá, khách hàng và điều kiện mua bán của khách hàng, phương thức thanh toán và thị hiếu người tiêu dùng. Việc nghiên cứu và dự báo thị trường cũng phải được coi trọng, nhất là những dự báo dài hạn và trung hạn đối với các loại sản phẩm. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với người sản xuất trong việc xác định chiến lược kinh doanh thích ứng, mà còn có ý nghĩa đối với các ngành các cấp khi xây dựng kế hoạch và chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp.
- Việc quyết định cơ cấu hàng hoá tham gia vào thị trường phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường là chính, trên cơ sở phát huy khả năng của làng nghề và của địa phương.
- Hình thành các tổ chức xúc tiến thương mại là một việc cần thiết cả về trước mắt cũng như lâu dài. Các tổ chức này có nhiệm vụ cung cấp các thông tin về thị trường, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Khuyến khích và phát triển các quan hệ liên kết giữa các cơ sở sản xuất trong các làng nghề với nhau, giữa các cơ sở sản xuất của làng nghề đối với các doanh nghiệp ở đô thị hoặc ở các vùng khác, với các tổ chức xúc tiến thương
mại, nhằm làm tăng thêm sức mạnh trên thị trường, tạo ra một hệ thống hoàn chỉnh từ cung cấp nguyên vật liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm để sản phẩm được thị trường chấp nhận.
Về thị trường đầu vào. Thị trường nguyên vật liệu cho các làng nghề ở Vĩnh Phúc phần lớn là thị trường địa phương tại chỗ, gắn bó với nguồn tài nguyên và các loại sản phẩm nông, lâm ngư nghiệp. Tuy nhiên trong những năm gần đây việc cung ứng này đã gặp nhiều khó khăn. Nguồn nguyên liệu tại chỗ hầu như chỉ đủ duy trì sản xuất ở quy mô nhỏ chứ không đủ để mở rộng quy mô sản xuất. Nguồn nguyên liệu này cũng chỉ là một trong nhiều loại nguyên liệu cần có của các cơ sở sản xuất. Vì vậy việc sản xuất của nhiều làng nghề lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên liệu từ các địa phương khác. Hiện nay, tuy không phải là khó khăn lớn nhất, nhưng việc khai thác và cung cấp nguyên vật liệu gặp nhiều cản trở, nhất là đối với các làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, gỗ gia dụng và nghề rèn. Cần xây dựng thị trường đầu vào và tạo nguồn nguyên liệu ổn định đảm bảo chất lượng cho các làng nghề. Thực hiện việc quy hoạch tại chỗ (đối với các nghề chế biến nông sản) hoặc liên doanh liên kết với các tỉnh bạn tạo nguồn nguyên liệu cho các làng nghề. Để làm được điều đó cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước bằng một cơ chế và những chính sách thông thoáng.
Về thị trường đầu ra cho sản phẩm. Thị trường đối với các sản phẩm của làng nghề ở Vĩnh Phúc hiện nay vẫn chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh là chủ yếu, chỉ có một số rất ít về số lượng các sản phẩm hàng hoá được xuất khẩu sang nước ngoài. Thậm chí ngay cả thị trường trong nước cũng gặp nhiều khó khăn do sản phẩm không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các tỉnh khác. Vì vậy trong thời gian tới các làng nghề của Vĩnh Phúc cần tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho mình theo hướng coi thị thị trường nội địa là chính, thị trường xuất khẩu là quan trọng. Cụ thể:
- Khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề mở các đại lý, các cửa hàng, quầy hàng giới thiệu sản phẩm tại các đô thị, các tụ điểm thương mại, các chợ nông thôn ở các địa phương khác nhau.
- Hình thành những bộ phận chuyên thu gom sản phẩm trong làng nghề để bán giới thiệu.
- Đem sản phẩm ra chợ bán trực tiếp cho khách hàng hoặc ký hợp đồng làm gia công, xuất khẩu uỷ thác.
- Phát triển mạnh các trung tâm thương mại, thị trấn, thị tứ, chợ nông thôn. - Tạo ra được mối liên kết giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong làng nghề với các doanh nghiệp lớn của nhà nước, trong đó các doanh nghiệp này sẽ đứng ra làm đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh ở làng nghề trên tinh thần hợp tác, liên kết lâu dài và cùng có lợi.
- Khuyến khích hình thành các hiệp hội ngành nghề ngay từ trong làng xã đến huyện, tỉnh và Trung ương. Thông qua các tổ chức này, các cơ sở sản xuất, các cá nhân người thợ được trao đổi và cung cấp thông tin về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, thị trường, giá cả, thị hiếu tiêu dùng… tạo ra sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.
Bên cạnh đó, những người sản xuất cần tự mình điều tra, nghiên cứu nhu cầu thị trường về số lượng, chất lượng, chủng loại sản phẩm, hình thức, mẫu mã của sản phẩm từ đó có những thay đổi sản phẩm cho phù hợp. Lập kế hoạch sản xuất cụ thể và có sự điều chỉnh kịp thời trong quá trình thực hiện cho thích hợp với những diễn biến của thị trường. Liên kết vơi nhau trong sản xuất tạo điều kiện đổi mới trang thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Hình thành cho mình chiến lược tiêu thụ sản phẩm bao gồm cả việc xúc tiến bán và thu thập những thông tin phản hồi từ phía khách hàng.