Gần như cùng khoảng thời gian nhóm di dân người Hoa do Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch cùng những người thân cận của mình tới xin chúa Nguyễn được cư trú trên lãnh thổ Đàng Trong, Mạc Cửu và những người thân thuộc đã tới xin nương nhờ trên vùng đất của Chân Lạp, đó là vùng đất Hà Tiên. Hà Tiên là vùng lãnh thổ cực nam
của Tổ quốc, cũng là vùng đất cuối cùng được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt dưới thời các chúa Nguyễn. Việc Mạc Cửu dâng vùng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn cũng đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình Nam tiến mở rộng lãnh thổ về phía Nam của Đại Việt. Hà Tiên là mảnh ghép cuối cùng để có được lãnh thổ nước ta như ngày nay.
Hà Tiên nguyên là vùng đất của Chân Lạp, nhưng hầu như đây là một vùng đất hoang vắng, rất ít người sinh sống, xung quanh chủ yếu là vùng đầm lầy, nước ngập quanh năm. Khi Chân Lạp bị phân chia thành Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp thì Hà Tiên thuộc phần lãnh thổ của Thủy Chân Lạp. Nhưng ngay cả khi nước Chân Lạp cơ bản thống nhất thì chính quyền Chân Lạp cũng không thể thực hiện việc đưa dân cư tới sinh sống và thiết lập chính quyền cai quản ở vùng đất này. Về sau được Mạc Cửu – người Lôi Châu (Trung Quốc) và dòng họ Mạc đến khai phá và mở rộng, phát triển thành một vùng trù phú, dân cư sinh sống ngày một đông đúc. Mạc Cửu và dòng họ Mạc đóng vai trò quan trọng trong việc khai hoang, mở rộng vùng đất mới Hà Tiên, là người có công lớn đối với chúa Nguyễn trong việc mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Trong cuốn Mạc Thị Gia Phả đã chép: “Trấn Hà Tiên nguyên xưa là đất Chân Lạp, sau phụ thuộc nước Cao
Miên, thổ âm gọi là Mang Khảm, tiếng Hoa gọi là Phương Thành. Cuối đời Minh, đất Trung Quốc đại loạn, Mạc Thái công húy Cửu, người Lôi Châu, sinh ngày 8 tháng 5 năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Lịch nhà Minh năm thứ 9, do không chịu được sự nhiễu loạn của giặc Hồ bèn vượt biển đi về phương nam, trú ngụ ở Chân Lạp. Sự kiện này xảy ra vào năm Tân Hợi (1671). Năm đó Mạc Thái Công 17 tuổi” [4, tr.15]. Qua tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, tác giả đã cung cấp cho chúng ta những tư
liệu về vùng đất Hà Tiên. “Hà Tiên nguyên đất của Chân Lạp, tục xưng là Mang Khảm,
tiếng Tàu gọi là Phương Thành, khi ban đầu Mạc Cửu người xã Lê Quách huyện Khang Hải phủ lôi châu tỉnh Quảng Đông nước Đại Minh, vào năm niên hiệu Khang Hy thứ 19 (1680) đời Đại Thanh, nhà Minh mất, ông Cửu không phục chánh sách nhà Thanh, để tóc dài chạy qua phương nam ở lại phủ Nam Vang nước Cao Miên” [21, tr.79].
Và theo những ghi chép của Trịnh Hoài Đức thì do vùng đất này thường có người tiên hay xuất hiện trên sông, nên nhân đó gọi vùng đất này là Hà Tiên. Nói về nhân vật Mạc Cửu và công cuộc khai phá vùng đất Hà Tiên của ông, Quốc sử quán triều Nguyễn chép như sau: “Tháng 8, (Mậu Tý) {1708}, lấy Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên.
Cửu người Lôi Châu, Quảng Đông. Nhà Minh mất, để tóc chạy sang phương Nam, đến nước Chân Lạp làm chức Ốc Nha, thấy phủ Sài Mạt nước ấy có nhiều người buôn các
nước tụ họp, bèn mở sòng gá bạc để thu thuế gọi là hoa chi, lại được hố bạc chôn nên thành giàu. Nhân chiêu tập dân xiêu bạt đến các nơi Phú Quốc, Cần Bột, Gia Khê, Luống Cày, Hương Úc, Cà Mau, lập thành 7 thôn. Thấy ở đất ấy tương truyền có người tiên hay xuất hiện ra ở trên sông, nhân thế đặt tên là Hà Tiên. Đến đấy, Cửu ủy cho người bộ thuộc là Trương Cầu và Lý Xã dâng thư xin làm Hà Tiên trưởng. Chúa nhận cho, trao cho chức Tổng binh. Cửu xây dựng dinh ngũ đóng ở Phong Thành, nhân dân ngày càng đến đông” [25, tr.122].
Qua những ghi chép của cuốn Mạc Thị Gia Phả và Gia Định thành thông chí, có thể nhận thấy một điều quan trọng, Mạc Cửu và dòng họ Mạc chính là những người đã mở mang bờ cõi vùng đất Hà Tiên. Sau khi đến Chân Lạp và được vua Chân Lạp cho phép, ông đã đến sinh sống ở vùng đất Mang Khảm, sau đó ra sức xây dựng riêng cho mình một nơi an cư an toàn và vững mạnh. Tại vùng đất mới ông đã chiêu tập nhiều người ngoại quốc tới buôn bán, làm cho vùng đất này ngày một nhộn nhịp, dân chúng tới sinh sống cũng ngày một đông đúc hơn. Ông đã cho xây dựng một ngôi thành gần bờ biển, rồi chiêu tập dân ở các vùng Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau và lập thành 7 xã thôn trải dọc ven biển suốt từ Công Pông Som về tận Cà Mau.
Trong khoảng thời gian này, nước Xiêm La đang cố gắng thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình, thấy vùng đất Hà Tiên ngày một sầm uất đã âm mưu xâm chiếm. Trong khoảng thời gian từ năm 1687-1688, quân Xiêm La đã kéo quân sang tấn công, cướp phá vùng đất Hà Tiên. Chính quyền Chân Lạp đã không có sự trợ giúp nào đối với Mạc Cửu, thế yếu nên Mạc Cửu đã bị bắt và đưa sang nước Xiêm.
Về sau nhân sự kiện nước Xiêm La có biến cố, ông đã lẽn trốn trở về Hà Tiên. Sự kiện này xảy ra vào khoảng năm 1700. Sự kiện này đã được ghi chép lại trong cuốn Mạc Thị gia phả như sau: “Đến Xiêm La, Quốc vương Xiêm La thấy Thái Công có tướng mạo đàng hoàng thì lấy rất làm vui, cố lưu Thái Công ở lại. Sau Thái Công đem tiền của đút lót cho một bề tôi thân tín của Quốc vương Xiêm La xin cho Thái Công đươc ra trú ngụ tại núi Vạn Tuế ở ven biển Xiêm La. Ở đó chưa được bao lâu, nhân nước Xiêm La có biến, Thái Công bèn đem ngay gia quyến trốn về Lũng Kỳ” [33, tr.17].
Xiêm La lúc bấy giờ vẫn thường xuyên đem quân sang đánh phá, cướp bóc vùng đất Hà Tiên, trong khi đó chính quyền của Chân Lạp thì không đủ sức mạnh để bảo vệ quyền lực của mình chứ nói gì tới việc bảo vệ, giúp đỡ Mạc Cửu và hơn nữa lực lượng mà Mạc Cửu xây dựng chưa đủ sức chống lại. Ông muốn có một chỗ dựa vững chắc để tiếp tục
phát triển cơ ngơi của mình trên vùng đất này. Những biến động của tình hình chính trị ở khu vực Cao Miên và Thủy Chân Lạp đã không thể cho Mạc Cửu điều kiện yên ổn để phát triển, gây dựng sự nghiệp. Chân Lạp thì ngày càng bất ổn, trong khi đó Xiêm La luôn tìm cách can thiệp vào nội bộ Chân Lạp (nước Cao Miên) và âm mưu xâm lược Cao Miên, sáp nhập vào lãnh thổ của mình. Trong khi cũng ở ngay sát phía trên đó là Phủ Gia Định của chúa Nguyễn được thiết lập (1698), đã củng cố vững chắc địa vị của chúa Nguyễn ở vùng đất Nam Kỳ, thế lực ngày một phát triển. Sau khi được một mưu sĩ họ Tô đến bàn bạc và khuyên rằng: “Người Cao Miên vốn nông nổi và bạc bẽo, gian xảo thì
nhiều, trung hậu thì ít, cho nên không thể dựa cậy lâu dài được. Chi bằng hãy xin hàng nước Việt, xin nhận chức và xưng thần để làm căn bản, nếu vạn nhất có xảy ra điều gì thì cũng có người giúp đỡ” [33, tr.18-19].
Và sau khi nhận được lời khuyên từ vị mưu sĩ họ Tô, Mạc Cửu đã quyết định dâng đất Hà Tiên xin thần phục chúa Nguyễn. Như vậy có thể thấy, việc Mạc Cửu đem dâng đất Hà Tiên quy thuận chúa Nguyễn là một hành động khi ở thế bất đắc dĩ. Đây là một quyết định quan trọng của Mạc Cửu và nhất là với chính quyền của chúa Nguyễn lúc bấy giờ, không mất một binh tướng nào, các chúa Nguyễn đã có thêm được một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Nam. Chúa Hiển Tông thấy tướng mạo Mạc Cửu khôi kiệt, tiến thối cung kính, nên đã chấp nhận và giao cho ông chức Tổng binh Hà Tiên trấn trở thành gần như đất chư hầu của chúa Nguyễn. Sự kiện Mạc Cửu dâng vùng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn có nhiều tư liệu ghi lại với các mốc thời gian khác nhau.
Trong cuốn Mạc Thị Gia Phả của dòng Họ Mạc, sự kiện này được chép lại như sau: “Thái Công cho là phải bèn sắm sửa thuyền bè, mang theo thuộc hạ và vàng bạc, vóc lụa
cùng một tờ biểu văn, đến tận cửa khuyến để xin xưng thần. Đó là mùa thu, tháng 8 năm Giáp Ngọ, Lê triều Tiên Thánh Hiếu Minh Hoàng Đế năm thứ 24 (1714). Nam triều tiên vương thấy Thái Công tướng mạo khôi ngô, dáng vẻ kiệt hiệt, cử chỉ kính cẩn, khen là có lòng trung thành, bèn hạ chỉ cho làm thuộc quốc, đặt tên đất Thái Công cai trị là Trấn Hà Tiên, phong chức Tổng binh, ban ấn tín và sai nội thần tiễn Thái Công đến tận cửa ải. Thực là một vinh dự đặc biệt hiếm thấy” [33, tr.19].
Nhưng cũng có nhiều tài liệu đều chép lại sự kiện đó xảy ra vào năm Giáp Ngọ (1708). Trong Việt sử xứ Đàng Trong, Phan Khoang cũng cho rằng sự kiện này xảy ra vào năm Mậu Tý (1708), những ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông chí thì sự kiện đó xảy ra vào năm Mậu Tý (1908). “Mùa thu tháng 8 năm Mậu Tý
(1708) đời vua Hiến Tông Hiếu Minh hoàng đế (Nguyễn Phúc Chu) sắc cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên phong tước Cửu ngọc hầu” [7, tr.79]. Theo Phù Lang
Trương Bá Phát thì “ngày 24 tháng 8 năm Giáp Ngọ 1714, đất Gia Định lại có thêm
chánh thức miếng đất miền Tây là Hà Tiên” [29, tr.118]. Có thể khó đưa ra một mốc thời
gian chính xác, nhưng có lẽ những ghi chép từ cuốn gia phả của họ Mạc cùng thời có thể là chính xác hơn. Nhưng điều quan trọng hơn là sau sự kiện này đã đánh dấu sự mở rộng ảnh hưởng của chúa Nguyễn lên hầu hết vùng đất Thủy Chân Lạp, tương đương với vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Trong bối cảnh lịch sử Nam bộ trong các thế kỉ XVIII, Hà Tiên trở thành động lực mạnh mẽ có tác dụng kích thích nhanh chóng quá trình phát triển của lịch sử khu vực, góp phần vào việc mở mang bờ cõi, giữ vững cương vực quốc gia và phát triển kinh tế, xã hội. Hà Tiên đã trở thành một bộ phận trong lãnh thổ của Đại Việt. Chúa Nguyễn đã không đặt Hà Tiên thành một dinh trực thuộc phủ Gia Định, mà lập thành một trấn riêng cho Mạc Cửu và dòng họ Mạc cai quản. Và chính từ vùng đất Hà Tiên này là cơ sở làm bàn đạp để chúa Nguyễn tiến lên phía Bắc, nối liền với vùng đất Tiền Giang, giáp ranh với nước Cao Miên.
Mặc dù trên lý thuyết thì Hà Tiên chịu sự bảo hộ của chính quyền chúa Nguyễn, nhưng trên thực tế thì Hà Tiên giống như một tiểu quốc tự trị. Họ Mạc được toàn quyền tự tổ chức và quản lý các mặt quân sự, chính trị, xã hội, văn hóa ở Hà Tiên. Và cũng từ năm 1708, Mạc Cửu đã gắng sức xây dựng và phát triển Hà Tiên thành một trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam. Sau khi Mạc Cửu qua đời (1735), chúa Nguyễn Phước Chu đã phong cho con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ làm đô đốc, tiếp tục cai quản Trấn Hà Tiên. Hai ông đã tích cực góp phần trong việc mở rộng đất đai và bảo vệ chính quyền của chúa Nguyễn. Mạc Thiên Tứ đã mở rộng Hà Tiên đến vùng Rạch Giá, Cần Thơ và Cà Mau ngày nay.
Những việc làm của Mạc Cửu và dòng họ Mạc giống như thể họ đã chính thức gia nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là những người Việt gốc Hoa. “Công tự nghĩ
rằng, thiên triều có đông dân, vạn vật đều phong phú trù mật lại thường được mưa thuận gió hòa nên càng cường thịnh hơn, nay khắp thiên hạ đều là con dân của thiên triều, nếu mình không biết ơn huệ của triều đình mà tự ý chuyên hưởng lợi lộc là trái với đại đạo của kẻ bề tôi nhờ thiên tử. Nghĩ vậy công bèn dâng biều, tự trình bày thể lệ rằng sẽ xin phụng nạp đầy đủ lễ vật triều cống cùng các thứ thuế khóa đúng ba năm một lần, lấy đó làm thường lệ” [33, tr.24].
Qua những ghi chép này chúng ta càng có cơ sở để nói rằng, những người Hoa của dòng họ Mạc sinh sống trên vùng đất Hà Tiên đã chính thức trở thành những cư dân của chính quyền chúa Nguyễn, chứ không còn thân phận lưu dân sinh sống trên vùng đất của Chân Lạp như trước nữa. Điều này có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vùng đất biên cương phía nam này của chính quyền chúa Nguyễn.
Năm 1731, dưới thời chúa Ninh Vương Nguyễn Phước Thụ (1725-1738), người Chân Lạp là Sá Tốt đã khởi binh nổi dậy giết nhiều cư dân người Việt ở Ba Nam, rồi sau đó tràn xuống cướp vùng đất Phiên Trấn (Gia Định). Chúa Nguyễn đã lấy cớ thiết lập lại an ninh ở vùng này đã sai Thống suất Trương Phước Vĩnh điều quân đi đánh dẹp các đạo quân của Sá Tốt. Sau đó đã thẳng đường tiến quân đánh bại tàn quân của Sá Tốt. Cha con vua nước Miên lúc bấy giờ là Nặc Yêm , Nặc Tha sợ bị vạ lây để cho người đưa thư sang chúa Nguyễn nói là do những người Lào tự gây hấn, và xin tình nguyện đi dẹp giặc Sa Tốt. Sau cuộc dụng binh đánh giặc Sa Tốt của lực lượng Đàng Trong, chúa Ninh Vương đã buộc Nặc Tha chính thức nhường hai tỉnh Mesa (sau thành Mỹ Tho) và Long Hồ (sau thành Vĩnh Long) cho chúa Nguyễn. Trước đây thì hai vùng đất này, cư dân người Việt đã tới sinh sống, an cư lạc nghiệp và có cuộc sống ổn định, nhưng trên pháp lý thì nó vẫn là đất của Chân Lạp. Trên đất Long Hồ chúa Nguyễn đã cho đặt châu Định Viễn và lập dinh Long Hồ. Như vậy sau sự kiện này, chính quyền của chúa Nguyễn đã chính thức mở rộng lãnh thổ của mình sang sông Tiền Giang. Lãnh thổ của Đàng Trong lại được mở rộng thêm một phần nữa, và quan trọng hơn là trên vùng đất đó, chính quyền của chúa Nguyễn được củng cố vững chắc bởi những cư dân người Việt đã tới sinh sống và ổn định cuộc sống của mình từ lâu.
Đến khoảng năm 1755, dưới thời chúa Võ vương Nguyễn Phước Khoát (1738- 1765), vua nước Chân Lạp là Nặc Nguyên đã nhiều lần tiến hành cướp bóc, giết người Côn Man (người Chăm trên đất Chân Lạp), và xâm phạm biên giới của chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phước Khoát đã sai Khâm sai Cai đội Thiện Chính cùng với Ký lục Nguyễn Cư Trinh mang quân tiến đánh Chân Lạp: “Rồi đến tháng 11 năm Qúy Dậu
(1753), chúa Thế Tông sai Cai đội Thiện Chính làm thống suất, ký lục Nguyễn Cư Trinh làm Tham mưu, điều khiển tướng sĩ 5 dinh Bình Khương, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ sang đánh Chân Lạp” [13, tr.341]. Quân của chúa Nguyễn đã đánh sang
tận Cầu Nam, Nam Vang, Nặc Nguyên thua chạy về Hà Tiên, xin nương nhờ Mạc Thiên Tứ. Sau đó đã nhờ Mạc Thiên Tứ xin hộ chúa Nguyễn, hiến hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp
(đất Gò Công và Tân An ngày nay) và bổ sung lệ triều cống đã bỏ ba năm trước để xin chuộc tội. Chúa Nguyễn đã nhận lời và cho Nặc Nguyên về nước.
Như vậy là đến năm 1755, chúa Nguyễn đã lấy thêm được đất Tầm Bôn và Lôi Lạp, tức là vùng đất ở phía Nam dinh Gia Định đến sông Cửu Long, đi ngang qua Mỹ Tho, tiếp giáp với châu Định Viễn. Chúa Nguyễn đã chính thức có được vùng đất từ Gia Định đến Tiền Giang. Năm Đinh Sửu (1757), Nặc Nguyên mất, chú họ Nặc Thuận coi quản công việc trong nước đã xin hiến đất Srok Treang (tức đất Ba Thắc gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu) và Preah Trapeang (tức Trà Vinh, Bến Tre ngày nay), cầu xin chúa Nguyễn phong làm vua Chân Lạp. Chúa Võ vương Nguyễn Phước Khoát đã chấp thuận. Nhưng sau đó không lâu, Nặc Thuận đã bị người con rể là Nặc Hinh giết chết và cướp ngôi, con của