Chúa Nguyễn và vùng đất Cù Lao Phố

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn từ thế kỷ XVI – XVIII (Trang 77 - 81)

Nhóm người của Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn cho tới khai phá, sinh sống trên vùng đất của Biên Hòa (Đồng Nai) ngày nay. Buổi đầu đến định cư khai phá, nhóm của Trần Thượng Xuyên đã khắc phục những khó khăn của tự nhiên trong đời sống hằng ngày như chặt cây đốn củi, phát cỏ rậm xung quanh những khu vực định cư, khai thông nguồn nước, mở mang đường sá…trong đó vấn đề lương thực được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên số lượng dân không nhiều nên mức độ và thành quả của công cuộc khai phá đó cũng không lớn. Nhưng có lẽ vấn đề đối với những người Hoa này không phải là ở việc sản xuất nông nghiệp, mà những người gốc Hoa này lại rành hơn trong việc buôn bán, đó mới là phương thức sống chủ yếu của họ. Nên việc khai phá những diện tích đất ban đầu để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp cũng chỉ là tạo điều kiện cho sự phát triển ngành nghề buôn bán sau này mà thôi.

Và khi đã bước đầu ổn định được cuộc sống trên vùng đất mới khai phá, những lưu dân người Hoa lại bắt đầu thực hiện cuộc sống của mình theo những gì mà họ đã được thừa hưởng, đó là buôn bán.

Bằng những tư duy thương nghiệp của những người vốn quen với việc buôn bán, nhóm người Hoa của Trần Thượng Xuyên đã sớm phát hiện ra được những lợi thế của Cù Lao Phố. Đây là địa điểm có vị trí quan trọng trong việc thông thương với các vùng xung quanh. Tuy không phải là nơi gần biển, nhưng là nơi nước sâu và thường xuyên chảy nên có thể tiếp tục tiến lên phía Bắc để khai thác lâm sản, hoặc có thể ngược xuống phía Nam, ra cửa biển Cần Giờ và sang tận Cao Miên và theo đường thủy đó có thể xuống Gia Định. Ở một vị trí thuận lợi như vậy cộng với tư duy của những người quen buôn bán nên Cù Lao Phố nhanh chóng biến thành một khu vực có dân cư sinh sống đông đúc, buôn bán phát triển. Phần lớn những nhóm cư dân người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đã chuyển cư từ Bàn Lân về Cù Lao Phố, phát hoang, dựng nhà, lập bến

bãi, mở đường, xây dựng các trung tâm buôn bán. Với những vốn liếng đã có và những kinh nghiệm có sẵn của những con người quen buôn bán, họ đã liên lạc với những thương nhân buôn bán trong vùng và nhanh chóng hình thành những đường dây buôn bán với những khách hàng buôn bán cũ. Họ đã tận dụng nguồn lâm sản phong phú lúc bấy giờ như các loại gỗ quý, trầm hương, ngà voi, sừng tê, xương động vật, lông chim, cùng những sản phẩm nông nghiệp khác…để khai thác, buôn bán trao đổi với các thương nhân. Nhờ tài năng buôn bán và sự chịu khó trong làm ăn, nên chỉ trong vài ba thập kỉ, những người Hoa đã biến vùng đất hoang vu thuở nào đến đầu thế kỉ XVIII, Cù Lao Phố đã biến thành một thương cảng lớn của Đàng Trong. Thu hút được đông đảo các thương nhân nước ngoài thường xuyên tới trao đổi, buôn bán hàng hóa như thuyền buôn của Nhật Bản, Trung Quốc và các nước phương Tây.

Qua những ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí, chúng ta có thể hình dung được hình ảnh của Cù Lao Phố lúc bấy giờ: “Ở đầu phía Tây là cù lao Đại Phố. Lúc đầu khai thác, Trần Thượng Xuyên tướng quân chiêu tập lái buôn người Trung Quốc lập ra phố xá, nhà ngói, tường vôi, lầu cao chót vót, quán mấy tầng rực rỡ bên sông dưới ánh mặt trời, liên tục năm dặm mở vạch ba đường phố. Phố lớn lát đường đá trắng, phố ngang lát đường đá ong, phố nhỏ lát đường đá xanh, đường bằng phẳng như đá mài. Khách buôn tụ họp đông, thuyền biển, thuyền sông, tránh gió bỏ neo, lớn nhỏ sát nhau, là một nơi đô hội. Nhà buôn to giàu tập trung ở đây nhiều nhất” [6, tr.113- 114]. Như vậy từ một bãi bồi hoang ven sông Hương Phước - một đoạn của con sông Đồng Nai, Cù Lao Phố đã biến thành một phố xá phát triển, đông đúc.

Lượng hàng hóa trao đổi đa dạng, phong phú, trong đó chủ yếu là các sản phẩm do những người dân tự sản xuất và khai thác được trong vùng. Việc buôn bán ở đây cũng được tổ chức một cách bài bản, khéo léo và mang tính chất kinh doanh lớn. Với những ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí thì “Phía bắc ghềnh có

vực sâu làm nơi trú ẩn cho tàu thuyền các nước. Thuyền buôn đến đây hạ neo xong là lên bờ thuê phố ở, rồi đến nhà chủ mua hàng, lấy giấy kê khai những hàng hóa trong thuyền và khuân cất lên, thương lượng giá cả, chủ mua hàng định giá và mua bao tất cả hàng hóa tốt xấu, không bỏ sót lại những thứ gì. Đến ngày trương buồm trở về gọi là “hồi Đường”, chủ thuyền có yêu cầu mua giúp vật gì thì người chủ hiệu buôn ấy củng chiều ý ước đơn mà mua giùm và trở đến trước kỳ giao hẹn, hai bên chủ và khách chiếu theo hóa đơn thanh toán rồi cùng nhau đờn ca vui chơi, đã có nước ngọt tắm rửa sạch

sẽ, lại không lo hà trùng ăn lủng ván thuyền, khi về thì lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi” [6, tr.24].

Cùng với sự phát triển của thương nghiệp, Cù Lao Phố còn là nơi tập trung nhiều nghành nghề thủ công như dệt chiếu, dệt hàng tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường từ mía, làm bột, làm đồ gỗ gia dụng và chạm khắc gỗ, đóng thuyền, là pháo thăng thiên, nhuộm…Trong số các nghề nói trên, có những nghề truyền thống do những lưu dân người Việt mang theo từ nơi quê cũ, nhưng cũng có những nghề do thợ thủ công của Trung Quốc du nhập vào như nghề gốm, đúc đồng, dệt lụa, làm đồ mỹ nghệ, vàng bạc, pháo thăng thiên. Các nghề này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong dân gian như những địa danh “chợ Chiếu, xóm Cửi, xóm Lò Đúc, rạch Lò Gốm…” [33, tr.79].

Với những gì mà Trần Thượng Xuyên đã làm được trong việc khai phá và phát triển vùng đất Cù Lao Phố có thể thấy được vai trò quan trọng của ông đối với vùng đất mới Đồng Nai. Phát triển thương mại, buôn bán, chuyển đổi từ ngành nông nghiệp tự cung tự cấp lâu đời sang nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Ông đã phát hiện ra những tiềm năng lớn trong hoạt động kinh tế thương mại của vùng, đã khéo léo tổ chức và quy hoạch, khai thác hiệu quả những tiềm năng đó. Biến một vùng đất hoang vu nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại, đưa những nông sản, lúa gạo trong sản xuất nông nghiệp trở thành hàng hóa. Biến Cù Lao Phố trở thành một trong những trung tâm buôn bán lớn với người nước ngoài lúc bấy giờ. Không nhưng đưa kinh tế hàng hóa vào phát triển, Trần Thượng Xuyên và những người Hoa cũng góp phần đưa văn hóa Trung Quốc sớm du nhập và phát triển ở vùng đất mới này. Điều đó đã tạo nên sự giao lưu, tiếp biến độc đáo giữa các nền văn hóa Việt, Hoa – những nền văn hóa mới với nền văn hóa bản địa của những cư dân có mặt ở đây từ trước như người Khmer.

Qua đó có thể thấy được, Trần Thượng Xuyên và những nhóm người của ông đã góp công lớn vào công cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn, góp phần tổ chức vào công cuộc định cư, khai khẩn, mở rộng vùng đất Trấn Biên. Bên cạnh đó Trần Thượng Xuyên còn nhiều lần cùng với chúa Nguyễn chống lại những mưu toan của Chân Lạp và những kẻ phản nghịch, tạo phản, góp phần bảo vệ sự bình yên cho nhân dân và những thành tựu khẩn hoang của cư dân trên vùng đất mới. Như sự kiện năm Kỷ Mão (1699) tháng 7, Nặc Ông Thu đắp lũy ở Bích Đôi, Nam Vang, Cầu Nam, cướp bóc dân buôn. Trần Thượng Xuyên sau khi được giao kiêm quản tướng sĩ Long Môn đã phối hợp cùng Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Cần Long đánh thắng quân Nặc Ông Thu nhiều trận liền, bao vây hạ thành

Nam Vang. Tháng ban năm 1700, Trần Thượng Xuyên đích thân ra trận, giao chiến với quân Chân Lạp, rồi tiến thẳng đến Lũy Bích Đôi và Nam Vang, Nặc Ông Thu phải đầu hàng, quân Chân Lạp tan vỡ. Trần Thượng Xuyên đã xin lập cháu rể của Thu là Nặc Ông Yêm lên làm vua Chân Lạp, nạp cống cho Hoàng triều phủ Chúa. Kể từ đó các vùng Biên Trấn (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định), Định Tường, Long Hồ (Vĩnh Long) và An Giang , đều được sáp nhập vào Đại Việt.

Năm 1714, Trần Thượng Xuyên được cử làm tướng cùng với phó tướng Nguyễn Cửu Phù tiến vây đánh Nặc Ông Thâm ở thành La Bích…Ông lập được nhiều công trận, nên được phong tới chức Đô đốc Thắng Tài hầu và được tọa trấn Phiên Trấn dinh cho tới lúc mãn phần [27, tr.81-82]. Những công lao của Trần Thượng Xuyên đã được các chúa Nguyễn ghi nhận và để thưởng cho những công lao của ông, các chúa Nguyễn đã coi ông là tướng thần hộ quốc và sắc ban “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”.

Sau khi Trần Thượng Xuyên mất (1715), con ông là Trần Đại Địch được chân ấm tử, rồi dần dần làm quan đến thống binh. Năm 1731, ông đem thuộc tướng Long Môn đánh quân Chân Lạp ở Phú Yên (Vườn Trầu-Hóc Môn) lập công lớn, ông lại cùng Trương Phước Vĩnh, Nguyễn Cửu Chiêm chia quân làm ba đường truy kích địch đến tận Ba Nam thắng lớn. Năm 1732, Trần Đại Địch lại một lần nữa đem quân sang Lò Việt (Lô Việt) tiếp tục đánh thắng quân Chân Lạp…Cháu của Trần Thượng Xuyên là Trần Đại Lực do có công cũng làm đến chức cai đội cho đến lúc Tây Sơn vào đánh Gia Định năm 1776 [31, tr.379].

Như vậy, Trần Thượng Xuyên không chỉ có công tập hợp thương nhân lập ra Cù Lao Phố với hoạt động thương mại tấp nập, ngày càng phát triển phồn thịnh, trở thành đầu mối buôn bán của cả miền Đồng Nai - Gia Định cho đến khi Tây Sơn vào chiếm, mà ông còn có công mở mang vùng Bàn Lân (Tân Lân) – ngay kế chợ Biên Hòa [31, tr.377]. Những công lao khai khẩn, lập ấp, dựng phố mở chợ, mở mang phong hóa, xây dựng đền chùa miếu mạo, khơi thông dòng giao lưu kinh tế văn hóa, tổ chức chiến đấu bảo vệ thành quả phát triển ở vùng đất mới đã khẳng định một tâm thế hướng đến một tương lai, trong đó ông là tướng quân hộ quốc của chúa Nguyễn, tướng quân hộ dân của đồng bào Hoa, Việt trong vùng… “Trần Thượng Xuyên và những người đi cùng ông

không chỉ cho rằng chỉ sống tạm qua ngày của kiếp người di cư mà hướng đến một cuộc sống ổn định, bền lâu cho cả đời đời con cháu, sẽ sống và chết ở quê hương thứ hai, nơi

ông và hậu duệ có chúa để tôn thờ, có dân để phụng sự, có sơn hà xã tắc để máu xương giữ gìn” [33, tr.82-83].

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn từ thế kỷ XVI – XVIII (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w