Điều chỉnh bổ sung Nghị định ND/140/CP

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển logistics ở Việt Nam (Trang 82)

II. Giải pháp hoàn thiện các chính sách phát triển logistics

2.2Điều chỉnh bổ sung Nghị định ND/140/CP

Nghị định 140/2007/ND-CP ngày 05 tháng 09 năm 2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics như sau:

Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm bốc xếp hàng hóa, nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, giao hàng, kiểm tra và phân tích kỹ thuật, dịch vụ thương mại bán buôn hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá, vận tải theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Thương nhân Việt Nam kinh doanh các dịch vụ Logistics phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam; có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu.

Thương nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ Logistics thì còn phải tuân thủ một số điều kiện như đối với dịch vụ Logistics liên quan đến vận tải, thương nhân nước ngoài được phép thành lập công ty liên doanh nhưng tỷ lệ góp vốn phải theo quy định. Thương nhân nước ngoài không được phép thực hiện dịch vụ vận tải đường ống, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Đối với dịch vụ Logistics khác như kinh doanh dịch vụ kiểm tra kỹ thuật thì thương nhân nước ngoài chỉ được kinh doanh dưới hình thức liên doanh sau 3 năm hoặc 5 năm.

Giới hạn trách nhiệm của dịch vụ Logistics đã được quy định thỏa đáng: Thông thường, giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc do các bên tự thỏa thuận.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận mà khách hàng không có thông báo trước về giá trị hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng Việt Nam đối với mỗi yêu cầu bồi thường.

Trường hợp khách hàng đã thông báo trước về giá trị hàng hóa và đã được thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics xác nhận thì giới hạn trách nhiệm là toàn bộ giá trị của hàng hóa đó.

Thực ra logistics mới chỉ được công nhận là một hành vi thương mại trong Luật Thương mại sử đổi và Nghị định 140/2007/ND-CP. Như vậy, trong lĩnh vực mang lại lợi nhuận rất lớn này quy định còn rất nhiều sơ sài. Doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong việc sử dụng luật để bảo vệ quyền lợi cho mình. Điển hình như các vấn đề sau:

2.2.1 Về vấn đề giấy phép kinh doanh logistics

Logistics là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện nghĩa là ngoài giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp cần có thêm một số chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên hiện nay đang tồn tại những điều kiện mà doanh nghiệp khó lòng đáp ứng được, thậm chí là không cần thiết. Ví dụ:

- Chủ doanh nghiệp nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh tại sở Kế hoạch và đầu tư phải xin được giấy phép kinh doanh đa phương thức của Bộ GTVT cấp, giấy phép đại lý làm thủ tục Hải quan do Cục Hải quan cấp, giấy phép kinh doanh kho hải quan, điểm thông quan ngoài khu vực cửa khẩu và cảng cạn…

- Một số chứng từ trong hồ sơ xin phép doanh nghiệp phải xuất trình được “bản kê khai tài sản doanh nghiệp do cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp xác nhận”… trong đó thực tế ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực tư nhân không có cơ quan này.

- Để đủ điều kiện làm đại lý hải quan, doanh nghiệp phải có một nhân viên làm trong lĩnh vực hải quan (được cấp chứng chỉ nghiệp vụ hải quan sau khi tham gia một khoá học do cơ quan hải quan tổ chức)

Những quy định rườm rà và rắc rối này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để đăng ký kinh doanh và thực tế là các doanh nghiệp vẫn hoạt động không giấy phép.

2.2.2 Về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp

Vì không nằm trong danh mục hàng hoá do nhà nước quy định nên giá dịch vụ logistics Việt Nam hoàn toàn do các doanh nghiệp tự quyết định. Điều này một mặt tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh nhưng mặt khác cũng đem lại những bất cập: doanh nghiệp lao vào cuộc chiến giảm giá cước vô tội vạ và làm giảm đi phần giá trị gia tăng mà logistics mang lại, dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đồng thời tình trạng trên còn dẫn đến những nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng để chiếm lĩnh thị phần “ ngư ông đắc lợi”.

Dịch vụ logistics đem lại các giá trị sau cho khách hàng: giảm được chi phí cho hoạt động sản xuất và phân phối, nâng cao được hoạt động dịch vụ khách hàng. Vì thế các công ty cung cấp dịch vụ logistics tập trung quản lý hệ thống dịch vụ của mình nhằm giúp khách hàng đạt được hai mục tiêu này. Đó chính là cách mà các công ty cung cấp dịch vụ logistics nước ngoài luôn tìm cách để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Việc quản lý này có thể được thực hiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin, tổ chức bộ phận dịch vụ khách hàng, và những chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động (Key Performance Indicators – KPIs). Và các công ty này xác định, chính chất lượng dịch vụ mới có thể đem lại lợi thế cạnh tranh lâu dài hơn là tham gia vào cuộc cạnh tranh về giá. Đó là bài học mà chúng ta cần cân nhắc.

Do đó, các nhà chính sách cần xem xét và đưa ra những chỉnh sửa bổ sung hợp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh logistics.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển logistics ở Việt Nam (Trang 82)