Phương hướng phát triển các ngành dịch vụ logistics:

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển logistics ở Việt Nam (Trang 68)

Quyết định 175/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 27/01/2011 trong đó về Dịch vụ lo-gi-stic:

Coi lo-gi-stic là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Hình thành dịch vụ trọn gói 3PL (integrated 3PL); phát triển lo-gi-stic điện tử (e- logistics) cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả và thân thiện.

Tốc độ tăng trưởng thị trường lo-gi-stic đạt 20 – 25% năm. Tỉ lệ thuê ngoài lo- gi-stic (outsourcing logistics) đến năm 2020 là 40%.

Phát triển dịch vụ gắn với phát triển các hành lang, vành đai kinh tế và các cực tăng trưởng có ý nghĩa đối với cả nước và liên kết trong khu vực.

Khai thác tiềm năng, điều kiện đầu tư kết nối đồng bộ về hệ thống kết cấu hạ tầng trong chiến lược hình thành trục kinh tế Bắc – Nam, các hành lang kinh tế Đông – Tây, các hành lang kinh tế xuyên Á, các hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng để phát triển khu vực dịch vụ nhanh và hiệu quả. Hình thành các trung tâm hợp tác phát triển kinh tế lớn tại các cửa khẩu trên các hành lang kinh tế. Phát triển các loại hình dịch vụ vận tải, thương mại và đầu tư, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh để đảm bảo giao thương nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hành lang kinh tế, kết nối được các trung tâm phát triển trong nước và ngoài nước trên các tuyến hành lang.

Về vùng biển, ven biển và hải đảo:

Phát triển khu vực dịch vụ gắn với thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Phát triển mạnh dịch vụ vận tải biển, dịch vụ khai thác dầu khí. Khai thác tốt tiềm năng phát triển cảng biển, đẩy mạnh và phát triển tốt các hoạt động lo-gi-stic hỗ trợ cho hoạt động hàng hải.

Theo vlr.vn chúng ta cần:

1.1 Thực hiện các chiến lược ưu tiên sau đây

+ Chiến lược giảm chi phí logistics ở Việt nam (can thiệp vào các điểm hạn chế (bottleneck) của chuỗi cung ứng như năng suất của các cảng, kho bãi và điểm trung chuyển; quy hoạch vận tải đa phương thức thúc đẩy phát triển nhanh hơn các phương thức vận tải hàng hóa có chi phí thấp; xác định các cơ hội cải tạo các sản phẩm xuất khẩu cụ thể).

+ Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics một mặt nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho ngành, mặt khác đẩy nhanh chương trình đào tạo các chuyên gia logistics có kỹ năng ứng dụng và triển khai các thực hành quản trị logistics và chuỗi cung ứng theo kịp các nước công nghiệp phát triển.

+ Chiến lược tái cấu trúc logistics, trong đó có kế hoạch thúc đẩy sự tăng trưởng những nhà cung ứng dịch vụ logistics bên thứ ba (3PLs) trong nước, xem đây là tiền đề phát triển thị trường dịch vụ logistics tại Việt Nam.

+ Thúc đẩy và gắn kết công nghệ thông tin trong logistics, đặc biệt khâu thủ tục hải quan và tại biên giới (tăng cường tổ chức, thúc đẩy tiêu chuẩn hóa trong khai thác như chứng từ, tiêu chuẩn công nghệ …, phát triển các cổng thông tin logistics, EDI, e-logistics…)

1.2 Các chương trình trọng tâm về logistics sau đây (2011-2020)

+ Phát triển khu công nghiệp logistics (logistics park) miền Bắc với quy mô, địa điểm phù hợp nhằm phục vụ nhu cầu trung chuyển hàng hóa cũng như phục vụ các khu công nghiệp sản xuất chế biến xuất khẩu.

+ Phát triển các khu công nghiệp logistics miền Nam (phục vụ vận tải container quốc tế thông qua cảng biển container quốc tế và cảng hàng không quốc tế).+ Phát triển khu logistics cùng với việc cải tạo cửa khẩu Lào Cai thúc đẩy trao đổi thương

mại với Trung Quốc (tiếp theo là Lạng Sơn, Mộc Bài, Lao Bảo… cho giai đoạn 2030).

+ Phát triển đa dạng các trung tâm phân phối (distribution center) tại các thành phố, đô thị lớn trên cả nước nhằm phục vụ thị trường bán lẻ, các trung tâm logistics (logistics center) gần các khu công nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu.

1.3 Các giải pháp thực hiện

- Giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải làm nền tảng cho hoạt động logistics:

Thực hiện theo Quy hoạch cảng biển 2020 và định hướng 2030, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng 2030, đặc biệt Dự án Nghiên cứu toàn diện về phát triển hệ thống GTVT bền vững VITRANSS2 (sắp được công bố và bàn giao cho Bộ GTVT). Ưu tiên đầu tư các chương trình trọng điểm logistics.

Việc phát triển tốt hệ thống giao thông sẽ tạo điều kiện cho vận tải đa phương thức phát triển. Đó là sự kết nối hài hoà giữa vận tải bằng đường bộ - hàng không – đường sắt và đường biển. Bên cạnh việc hiện đại hoá cơ sở hạ tầng các cảng hàng không quốc tế, chúng ta cần xây dựng các các biển tầm cỡ quốc tế. Trong thời gian trước mắt, nếu chưa đủ trình độ để xây dựng các cảng biển nước sâu và hiện đại, chúng ta có thể liên doanh với các công ty nước ngoài hoặc đấu thầu trực tiếp, mời gọi các nhà thầu nước ngoài. Phấn đấu thành hệ thống cảng biển hiện đại, có thể sẽ là trạm trung chuyển lớn HUB của thế giới trong thời gian sớm nhất.

Hạ tầng logistics còn có hệ thống thông tin, viễn thông… Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tư nhân, chủ động đầu tư của doanh nghiệp và áp dụng mở rộng các mô hình PPP ( hợp tác công tư)…

Các trang web của các cơ quan chuyên ngành chưa thực sự mạnh, chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp, dữ liệu thông tin còn chưa phong phú, chưa đáp ứng thoả mãn nhu cầu khách hàng. Nhiều khi các trang web nước ngoài lại chứa đựng nhiều thông tin hơn hẳn những website trong nước. Đặc biệt là công ty trong nước thì chỉ dừng lại ở việc giới thiệu về công ty mình, những dịch vụ mà mình có.

Những tiện ích dành cho khách hàng như hệ thống (Track and Trace) tìm kiếm cơ sở dữ liệu của lô hàng hầu như không doanh nghiệp nào làm được. Phải xây dựng hệ thống thông tin hiện đại, cơ sở dữ liệu phải mạnh để nó thật sự giúp ích là cầu nối giữa cộng đồng Logistics Việt Nam và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

- Giải pháp về đào tạo, nguồn nhân lực:

Quá trình nhận thức, xây dựng kỹ năng quản trị, kỹ năng thực hành logistics cần thời gian và công tác vận động, hướng nghiệp. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các trường, để đẩy mạnh công tác đào tạo với nhiều hình thức linh hoạt, cung cấp nhân lực đáp ứng cho ngành. Các hiệp hội ngành cần tranh thủ tài trợ, hợp tác đào tạo từ nước ngoài. Xây dựng một trường đại học nếu có thể hoặc ít nhất xây dựng một khoa Logistics học trong các trường Đại học Hàng hải hoặc Đại học Kinh tế. Đây là một việc làm hết sức cần thiết tạo điều kiện nghiên cứu và phát triển ngành Logistics Việt Nam, đã đến lúc nó cần được nghiên cứu đúng mức với tầm quan trọng của mình.

- Giải pháp về mặt thể chế Nhà nước:

Cần có “bàn tay hữu hình” của Nhà nước, thành lập Ủy ban quốc gia Logistics trong giai đoạn hiện nay để gắn kết, thống nhất quản lý, tổ chức thực hiện những chương trình trọng điểm và phối hợp các ngành hiệu quả hơn.

Tái cấu trúc logistics, khuyến khích áp dụng rộng rãi quản trị chuỗi cung ứng, quản trị logistics trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, khuyến khích việc thuê ngoài (outsourcing) logistics, điều chỉnh và bổ sung luật, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển hoạt động dịch vụ logistics cũng như các doanh nghiệp 3PL trong nước; gỡ bỏ các hạn chế, cản trở để các công ty 3PL, 4PL nước ngoài hoạt động thuận lợi hơn; có chính sách hỗ trợ đào tạo các chuyên viên logistics; triển khai các hệ thống EDI và hệ thống giao dịch không giấy tờ tại các điểm hải quan, cửa khẩu, cải cách hành chánh và minh bạch trong các dịch vụ công…

- Giải pháp về phía các hiệp hội ngành:

Tạo mối gắn kết giữa hiệp hội và thành viên, hỗ trợ tư vấn thiết thực và giúp đỡ doanh nghiệp nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức trong cạnh tranh.

Khuyến khích sự cộng tác giữa các thành viên trên cơ sở sử dụng lợi thế từng doanh nghiệp (cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống thông tin…) để thực hiện dịch vụ trọn gói (one stop shop), mở rộng tầm hoạt động trong nước và quốc tế. Có chương trình đẩy mạnh quá trình liên kết, xúc tiến phát triển thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong các doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Hiệp hội cần làm tốt vai trò cầu nối với Nhà nước, quan hệ đối ngoại để hội nhập khu vực và quốc tế; đồng thời phải là nơi nghiên cứu phát triển (R&D), quản lý các chuẩn mực, tài liệu, mẫu biểu, thống kê, tiêu chí đánh giá… của ngành.

Việc đổi tên Hiệp hội Logistics Việt Nam thay cho Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam hiện nay, thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Logistics Việt Nam thuộc Hiệp hội là những bước đi đúng hướng.

Nếu có thể nên thành lập một tổng công ty về lĩnh vực Logistics ở Việt Nam. Chúng ta đã có các tập đoàn lớn như Bưu chính Viễn thông, Dầu khí, Hàng Không, Điện lực… Chính vì sự lớn mạnh của các tập đoàn này mà các tập đoàn nước ngoài ít có cơ hội thống trị các thị trường, các lĩnh vực quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, nếu ở Việt Nam có một tập đoàn Logistics thì chắc chắn thị trường Logistics nội địa sẽ do các công ty Việt Nam kiểm soát và các tập đoàn nước ngoài sẽ khó có cơ hội làm chủ thị trường Logistics Việt Nam.

Việc thành lập tổng công ty Logistics Việt Nam có thể bằng cách sáp nhập những công ty giao nhận vận tải nhà nước lại với nhau hoặc thành lập dưới sự giám sát của bộ chủ quản sau đó cổ phần hoá. Muốn hy vọng các công ty Logistics Việt Nam có thể vươn ra thị trường quốc tế thì điều kiện tiên quyết là phải vững mạnh ở sân nhà.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển logistics ở Việt Nam (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w