Không gian nghệ thuật trong truyện trinh thám Thế Lữ

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Truyện ngắn của Thế Lữ qua góc nhìn thi pháp (Trang 53)

Không gian thực

Không gian là khoảng không lưu giữ, định vị sự tồn tại của con người và sự vật. Không gian thực tồn tại hoàn toàn khách quan với ý thức con người... Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học thuộc về nội tại của tác phẩm văn học và góp phần xây dựng hình tượng trong tác phẩm văn học. Nhiều không gian trở thành một đặc trưng song hành khi ta nhắc tới nhân vật. Không gian nghệ thuật chính là sự tương tác giữa nhân vật với thế giới.

Thế Lữ sử dụng không gian như một yếu tố nghệ thuật để khắc họa nhân vật. Đó là không gian hoàn cảnh lẫn không gian tâm lý, không gian thực và không gian ảo đan xen. Không gian rộng - hẹp tương phối, chúng kết hợp với nhau tạo thành một chuỗi các khớp nối, mê cung liên kết tác phẩm. Và không gian đó dẫn dắt chúng ta đến với nội tâm nhân vật, tới cái vùng tối bên trong bản thân con người, nơi tọa lạc những điều huyền bí nhất của nhân tính.

Không gian trong truyện ngắn trinh thám của Thế Lữ là không gian thực sống của nhân vật. Đó là không gian của phố xá, không gian của khu tòa soạn, văn phòng làm việc hay đơn giản chỉ là không gian của một toa xe điện. Từ những không gian như vậy, những vụ án được vạch ra cùng biết bao bí ẩn. Cũng trong chính không gian ấy, tưởng chừng như mọi thứ đã đi vào bế tắc, nhân vật trinh thám của Thế Lữ lại tìm ra được manh mối, hướng đi để phá giải vụ án. Điều này

đã tạo nên sự ấn tượng của độc giả đối với khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của Thế Lữ.

Không gian trinh thám được Thế Lữ thể hiện một cách đầy nghệ thuật bằng một góc nhìn rộng mở, bao hàm toàn bộ những vật thể xung quanh đó. Đặc biệt là không gian nhà thương Phủ Doãn. Cái không gian mà nhờ tài trí và khả năng sắp đặt Lê Phong đã bắt được hung thủ giết Đường: “Nhà thương Phủ Doãn sáu giờ

rưỡi chiều hôm đó, quang cảnh không khác gì một buổi chiều thường. Những lớp nhà thấp ở các khu yên lặng đợi đêm dưới hàng cây cao lớn. Một vài người ốm trong bộ quần áo trắng của khu nhà thương lác đác đứng ở gần nhà bệnh, hoặc lững thững đi ở mấy lối gần. Thỉnh thoảng một người khán hộ vội vàng đi qua... Thời khắc bình tĩnh lặng lẽ trôi qua – không ai có thể ngờ trong bầu không khí hiền lành ấy lại có những tâm trí đang hồi hộp âm thầm để chờ đến những chuyện kịch liệt”(Những nét chữ). Ta có thể thấy rằng không gian cũng là một nhân vật của

Thế Lữ, ông khắc họa nó, trau chuốt nó cẩn thận như một người họa sỹ nhẹ nhàng phết những nét màu chắc chắn lên bức họa của mình. Hơn nữa không gian mà tác giả đang kể là không gian sống, không gian của sự chuyển động, không gian tồn tại của nhân vật.

Hay không gian nhỏ bé, chật chội của tiệm hút Mã Mây trong Mai Hương và

Lê Phong: “Trên gác, cũng như dưới nhà, cũng có những buồng ván liên tiếp nhau. Buồng nào cũng có một tấm vải dầy kéo cho kín... những hơi thuốc phiện nồng nặc đưa ra, trong cái không khí nặng nề và ấm áp ... Trong buồng, quanh ngọn đèn dầu lạc, ba người nghiêng ngả nằm...” Không gian được miêu tả một

cách chi tiết cụ thể, người đọc có thể thấy cái không gian ấy hiện ra trước mắt mình và dường như có thể chạm vào cảm nhận được. Trong nền không gian ấy, nhân vật trinh thám hiện lên đầy đủ với tính cách, sự hào hoa lịch thiệp, và sự lạnh lùng quen thuộc.

Cũng là không gian thực nhưng lại là một không gian khác biệt tách biệt với cái không gian xã hội xô bồ của phố xá, thành thị. Đó là không gian rộng lớn hùng vĩ, rộng lớn của núi rừng trong Vàng và máu. Hang Văn Dú hiện ra với vẻ đẹp đầy bí ẩn: “Kể từ châu Kao Lâm ở phía đông và miên bản Slay ở phía tây mà đến, từ mạn Bản Pắc đi xuống, và từ Bản Hạ trở lên, cách non mười dặm chung quanh, chỉ có quả núi đá Văn Dú là cao lớn nhất.

Sừng sững giữa trời, bao quát đồi cây gò đất, núi ấy trong đường bệ hách dịch như đứng làm chúa tể cho một vùng quang cảnh hoang vu. Dân Thổ ở các làng gần đó, ngày nào cũng trong thấy ngọn núi mù mù lam tím, nhô lên trên những hàng rừng xanh chi chít um tùm.

Những buổi hoàng hôn bóng chiều soi riêng một phía cũng như các ngày ủ dột âm u, Văn Dú hiện ra một vẻ riêng oai linh và mầu nhiệm”. Không gian thiên nhiên hiện ra một cách tráng lệ, đẹp mĩ miều dường như lấn át tất cả, khả năng miêu tả thiên nhiên của Thế Lữ được hình thành và rèn dũa qua thơ được vận dụng để miêu tả thiên nhiên trong văn xuôi. Trong cái không gian đó con người xuất hiện thật nhỏ bé, thật khiêm tốn. Cũng chính cái không gian đó đã nâng tầm vóc của con người lên một tầm cao mới. Viên quan châu với khả năng nhận biết, cùng sự dũng cảm hơn người đã chiến thắng cái hùng vĩ ghê rợn của thiên nhiên, đã chứng minh một hiện thực không thể phủ nhận đó là sự tồn tại của thần linh chỉ có trong trí tưởng tượng và sự sợ hãi của con người.

Dù là không gian thiên nhiên đẹp lỗng lẫy, hùng vĩ và sinh động hay không gian xã hội chật hẹp, nhỏ bé và ấm áp thì không gian ấy cũng chỉ phục vụ một mục đích duy nhất. Một mục đích mà Thế Lữ đã khéo léo sắp đặt đó là làm đòn bẫy cho nhân vật. Từ trong những không gian ấy nhân vật xuất hiện với cá tính, vẻ thanh lịch và tài năng nổi bật càng được tôn thêm. Nhân vật dựa vào không gian để phát triển những kỹ năng, những sự tài tình trong phá án, và cái không gian ấy lan tỏa trong chính tâm hồn nhân vật trinh thám.

Không gian huyền ảo

Không gian huyền ảo là không gian mang tính chất ảo, không gian của trí tưởng tượng tồn tại trong chính tâm thức của con người. Nó là cái không gian mà con người bước chân vào ranh giới của tiềm thức, vô thức sâu kín (với phương Đông là khái niệm tâm linh) cũng đồng nghĩa là trở về với ngọn nguồn, điểm xuất phát của cái đã có và sẽ được phóng chiếu thành toàn bộ “thế giới quan” bao quanh con người. Sự hủy diệt, cái chết, cái phi lí của tồn tại... những vấn đề thực tiễn, làm đau đầu các nhà tư tưởng qua các thời, thật giản dị lại xuất phát từ bản thể tâm linh sâu thẳm từ chính con người.

Không gian huyền ảo trong Vàng và máu khiến người đọc phải rùng mình, khiếp sợ trước những hiện tượng kỳ quái ở hang Văn Dú. Đó là cái thây ma treo lủng lẳng trước cửa hang, trong hang lại năm cái xác chết ngả nghiêng gần nhau, rồi trong cái hang nhỏ sau cùng lại một bộ xương ngồi trơ trơ và chân bị xích... Rồi những viên đá giết người, những bóng tối âm thầm, những tiếng u âm, đều là những thứ hầu như không phải của nhân gian: “Hang Thần trông cũng không to: bề cao bằng nửa cây gạo già mọc trước cửa. Miệng hang loe ra như cái miệng hũ. Phía trên toác ra như cái môi rách, phía dưới có hai tảng đá dài và nhọn đâm lên ở hai bên mép như hai cái nanh. Trông vào trong hang càng xa càng rộng, càng đen tối thêm thăm thẳm sâu vô cùng tận. Trên cửa hang chi chít các giống thảo mộc kỳ dị lấp lánh vì nước mưa phùn mới rửa. Từ trong kẽ đá, bò ra những khúc cây tròn và mốc, bám chặt vào miệng hang. Những dây những rễ; những lá đỏ, lá xanh, lớn bé lẫn lộn, mọc đầy mép hang; những cụm trúc rất nhỏ với những đám cỏ xác xơ chen nhau ở bên những khóm si con và những vừng tóc tiên xanh tốt.”[8, tr, 15].

Không gian huyền ảo làm cho câu truyện trinh thám thêm phần hấp dẫn, làm cho nhà trinh thám phải vất vả hơn, mạnh mẽ hơn khi phải đối mặt với những yếu tố tâm linh. Không gian ấy cũng xóa bỏ khoảng cách của cuộc sống thực tại và cuộc sống của tâm linh. Mang đến cho độc giả một góc nhìn mới về truyện trinh thám, là sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố trinh thám với huyền ảo. Những cái chết ghê rợn trong Vàng và máu

dường như chỉ có trong truyện kinh dị nhưng lại được tác giả tận dụng để làm nổi lên sự khó khăn, hóc búa của những người đi tìm lời giải cho những cái chết ngoài sức tưởng tượng:

“Bọn chúng có sáu người, gần hết trông to béo lực lưỡng, họ ăn mặc đều một loại áo vải dầy màu chàm. Da mặt và tay họ đều xám đen như da Nùng Khai. Họ cùng đi một thứ giầy vải, ngoài quấn những dây nịt khiến cho lá cỏ cành lau giắt đầy chung quanh chân. Coi mặt mũi và y phục thì biết họ là người Tầu, nhưng không thể đoán được là người ở bậc nào vì tất nhiên họ phải thay đổi hình dạng. Người thứ nhất - bấy giờ đã lôi ra để một chỗ - là người còn trẻ, mặt mũi nhăn nhó như người đau đớn gớm ghê. Người thứ hai và người thứ ba ngồi dựa lưng vào vách đá, một người ngửa cổ lên, còn một người ngả đầu xuống vai người nọ; lúc mấy tên bộ hạ thổ xốc nách kéo hai cái xác đi lùi lại, thì đầu hai người chết vẫn ngửa; miệng thì xếch lên như cười một cách đần độn. Người thứ tư là một ông già, mặt xương xương, mép và quai hàm lởm chởm những râu, mắt to, mở trừng trừng, đang nằm nghiêng ôm lấy một hòn đá cuội. Bọn người thổ phải khó nhọc mới kéo được ông già ấy khỏi chỗ cũ, vì chân ông ta bị đè dưới bụng một người to béo – người này đâm chúi đầu xuống, miệng hôn đất, tay quắp lại, mười ngón quào sâu vào đùi ông già. Còn người sau cùng mở mắt nhưng lòng đen chạy lên mí trên, mồm cứng và hé mở, môi dưới trề ra; hắn ngồi gò ruột ở một bên, vai so lên, cằm sát ngực. Bằng ấy cái xác cứng đờ như tượng.”[8, tr, 20].

Trong truyện trinh thám chủa Thế Lữ, kết cấu không gian đã mang đến những thành công nhất định. Sự kết hợp giữa không gian thực và không gian huyền ảo cùng với sự hiện diện của không gian trong chính suy nghĩ của nhân vật đã tạo nên sự đặc sắc, gay cấn cho câu chuyện. Những yếu tố nghệ thuật không thể tách rời như không gian – thời gian, giữa nhân vật và sự kiện... đã tạo nên một chuỗi liên kết trong suy nghĩ của nhân vật trinh thám, làm cho lối tư duy của nhân vật thêm phần sắc bén và đầy khoa học.

2.4. Thời gian nghệ thuật

2.4.1. Khái quát về thời gian nghệ thuật

Thời gian nghệ thuật là nhân tố nằm trong mạng lưới nghệ thuật của tác phẩm văn học. Nó buộc thời gian cú pháp và quan niệm triết học về thời gian phải phục vụ cho những nhiệm vụ nghệ thuật của nó.

Thời gian nghệ thuật là một phạm trù thuộc về thi pháp tác phẩm. Đây là một hình thức hiện hữu, vừa là một hình thức tư duy của con người được diễn đạt bằng ngôn từ trong quá trình miêu tả tính cách, hoàn cảnh, con đường đời của nhân vật.

Thời gian nghệ thuật là phương tiện nghệ thuật để tác giả nhận thức và phản ánh đời sống. Do đó, thời gian nghệ thuật chịu ảnh hưởng nhiều bởi tính chủ quan. Tính chủ quan của thời gian nghệ thuật được thể hiện ở cách cảm nhận, miêu tả thời gian của tác giả. Ở đây, tác giả có toàn quyền sử dụng, tái hiện thời gian theo yêu cầu và mục đích riêng của mình mà không gặp phải bất cứ một rào cản nào.

Thời gian nghệ thuật thể hiện sự tự cảm nhận của con người trong thế giới. Có thời gian nghệ thuật không tách rời với chuỗi biến cố cốt truyện như cổ tích, có thời gian nghệ thuật xây dựng trên dòng tâm trạng và ý thức như tiểu thuyết, có tác phẩm dừng lại chủ yếu trong quá khứ và khép kín trong tương lai. Thời gian nghệ

thuật phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người trong từng thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn phát triển. Nó cũng thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong thời gian. Trong thế giới nghệ thuật, thời gian nghệ thuật xuất hiện như một hệ quy chiếu có tính tiêu đề được giấu kín để miêu tả đời sống trong tác phẩm, cho thấy đặc điểm tư duy của tác giả. Gắn với phương thức, phương tiện thể hiện, mỗi thể loại văn học có kiểu thời gian nghệ thuật riêng.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Truyện ngắn của Thế Lữ qua góc nhìn thi pháp (Trang 53)