Trong truyện ngắn trinh thám cổ, mối quan tâm hàng đầu của người viết truyện là tập trung vào cốt truyện. Xây dựng cốt truyện như thế nào cho hấp dẫn là vấn đề tối quan trọng đối với họ. Tác giả phải viết làm sao trong truyện của mình có những tình tiết éo le, sự kiện ly kỳ, tình huống phải gay cấn đầy kịch tính bộc lộ tính cách nhân vật. Cách viết truyện của họ lấy cốt truyện làm trung tâm và chuỗi sự kiện kéo theo. Và tiêu biểu cho phong cách này chính là Edgar Poe.
Trong cốt truyện trinh thám của Thế Lữ ta vẫn thấy thấp thoáng hình bóng của Edgar Poe. Ông viết truyện với cốt truyện khá đơn giản. Nhưng cốt truyện của ông cũng mang những đặc trưng riêng, thể hiện sự cảm nhận và khả năng sáng tạo của Thế Lữ. Muốn thưởng thức truyện trinh thám của Thế Lữ, trước hết người đọc phải hiểu và thích cái logic mà ông đã cố công tạo ra, gây dựng theo mạch phát triển của cốt truyện. Cái logic trong truyện ngắn Thế Lữ có lúc ngắn gọn khúc chiết nhưng cũng không thiếu khi dài dòng nhưng tất cả đều là sản phẩm của lý luận sáng tác. Đây cũng là đặc điểm riêng của văn xuôi Thế Lữ. Nó làm cho văn xuôi Thế Lữ khác với văn xuôi của các nhà văn khác trong nhóm Tự lực văn đoàn cũng như các nhà văn đương thời. Truyện ngắn nói chung và truyện ngắn trinh thám nói riêng của Thế Lữ đòi hỏi phải hợp lý. Hợp lý trong từng chi tiết, hợp lý trong mỗi tình huống, mỗi văn cảnh. Tính logic tạo thành một tiêu chí chung trong sáng tác
của Thế Lữ. Tính logic quy định một kết cấu truyện chặt chẽ, mạch truyện lôi cuốn, quy định câu văn, lời văn minh bạch khúc chiết làm nổi bật tính lý luận. Truyện trinh thám của Thế Lữ thành công hơn so với các tác giả đương thời, bởi vì sự kỳ công và tâm huyết ông dồn vào mỗi câu chuyện được thể hiện một cách trau chuốt và cốt truyện đầy hấp dẫn.
Cốt truyện sự kiện là loại cốt truyện điển hình trong truyện ngắn của Thế Lữ giai đoạn đầu và tiêu biểu cho nó chính là Vàng và máu, Gói thuốc lá... Với hình thức xây dựng cốt truyện theo trình tự các sự kiện xảy ra, Thế Lữ dẫn dắt đọc giả và chính nhân vật của mình vào một cuộc hành trình khám phá sự bí ẩn của mỗi cái chết, mỗi vụ án. Tâm lý nhân vật cũng xoay quanh các sự kiện và bị chi phối bởi các sự kiện xảy ra.
Vàng và máu là truyện ngắn trinh thám đầu tay của ông viết về hang Văn Dú,
một hang thần – Thần núi hiển linh tác oai tác quái, khiến dân cư khắp vùng không dám bén mảng đến. Thế nhưng, có hai người Thổ đã tìm đến đây. Một người chết, một người thoát nạn chạy về Châu Nga Lộc và mang theo một mảnh giấy ghi những lời kỳ bí. Qua mảnh giấy đó, quan Châu biết được hang Văn Dú là nơi cất giấu châu báu của người Tàu, ông liền sai gia nhân tiến đến hang để lấy của cải. Khi tiến vào hang, biết bao hình ảnh chết chóc hiện ra khiến mọi người kinh hãi. Nhưng quan Châu là một người không mê tín, không tin chuyện ma quỷ và cuối cùng cũng tìm ra lời giải đáp cho những cái chết là do độc ở những cục đá cuội chứ chẳng phải do bùa phép thần thánh gì cả. Sau đó ông tìm được số châu báu được cất giấu. Cốt truyện tương đối đơn giản, chuỗi sự kiện được xếp đặt theo trình tự thời gian và diễn biến tâm trạng của nhân vật tạo thành một thể thống nhất.
Truyện có sự trộn lẫn giữa truyện trinh thám và truyện kinh dị tạo nên sự hấp dẫn riêng đối với người đọc. Những yếu tố tâm linh, thần bí được tác giả giả đáp bằng khoa học mà hiện thân là một vị quan Châu đầy thông minh và bản lĩnh. Thế
Lữ đã vận dụng xuất sắc những yếu tố phương Tây vào cốt truyện của mình, tạo nên sự cuốn hút và thành công cho câu chuyện.
Vàng và máu có rất nhiều điểm đáng chú ý về nghệ thuật, truyện hấp dẫn, ly
kỳ nhưng cốt truyện được xây dựng khá đơn giản có tính cách của một tấn bi kịch đòi hỏi lời giải. Với cốt truyện như vậy cùng cách kể đầy lôi cuốn, giàu hình ảnh gợi cảm, Vàng và máu đã trở thành một hiện tượng của văn học đương thời và dư âm nó tạo ra còn vang vọng mãi về sau. Vũ Ngọc Phan đã nhận xét rằng: “ Vàng và máu của Thế Lữ là một tiểu thuyết mà tác giả tỏ ra một văn gia có biệt tài. Nghệ thuật viết tiểu thuyết của Thế Lữ đã lên đến một đỉnh cao mới”.
Sau những thành công ban đầu với Vàng và máu, Thế Lữ dần khẳng định vị trí của mình với thể loại văn học mới mẻ mà ông đã bắt đầu. Quá sáng tạo, sáng tác liên tục cũng chính là quá trình trưởng thành của ông trong định hình cách viết, xây dựng cốt truyện và nhân vật trinh thám. Những tình huống gay cấn, mang chất trinh thám trong các vụ án bắt đầu xuất hiện trong các truyện ngắn sau này như: Đòn
hẹn, Mai Hương và Lê Phong, những nét chữ, gói thuốc lá... Với tài năng thiên
bẩm về truyện trinh thám, Thế Lữ không chỉ huyền bí hóa những câu chuyện của mình mà còn giải đáp, phá giải những điều huyền bí đó bằng khoa học. Khi mà những yếu tố ly kỳ, bí ẩn được soi sáng dưới ánh sáng của khoa học, người đọc không thể không thốt lên sự khâm phục đối với tài xây dựng cốt truyện hấp dẫn của Thế Lữ.
Gói thuốc lá là một truyện trinh thám khá nổi tiếng của Thế Lữ. Một vụ án ly
kỳ, bí hiểm với những tình tiết bất ngờ thu hút người đọc. Bên cạnh thành công trong xây dựng nhà trinh thám Lê Phong tài năng, sắc sảo, Thế Lữ còn gặt hái thành công nhờ cốt truyện hấp dẫn, cuốn hút. Cả câu chuyện là một mạch chảy liên tục gắn kết với nhau, đan xen nhau với cái chết bất ngờ của nhân vật Đường bởi một con dao cắm ngập tới chuôi ở lưng và một tấm danh thiếp úp trước mặt cùng dòng chữ kỳ dị. Mọi ý nghĩ nảy sinh trong lòng người đọc là ai đã giết Đường? Và
giết y vì mục đích gì? Các sự kiện được sắp xếp một cách logic tạo nên một cốt truyện độc đáo. Nhiều tình tiết đánh lạc hướng được tác giả sử dụng và tạo nên sự hồi hộp, chờ đợi ở độc giả. Trước khi chết Đường có gửi một bức thư cho Lê Phong, muốn Lê Phong giúp anh ta trả thù Nông Anh Tăng. Nhưng chính Nông Anh Tăng lại đến tìm Lê Phong và để lại tấm danh thiếp. Nông Anh Tang chấp nhận đi cùng Lê Phong đến nơi Đường bị giết. Nhưng ra đến xe anh ta đấm Bình và bỏ chạy.
Đến đây người đọc có thể khẳng định kẻ giết người chính là Nông Anh Tăng vì tư thù cá nhân. Nhưng dưới con mắt thám tử tài ba, Lê Phong đã xem xét kỹ từng đầu mối, sắp xếp lại chuỗi sự kiện rồi từ đó cùng với sự giúp đỡ của Mai Hương đã phá được vụ án. Cuối cùng, bằng một hiện trường giả kẻ giết người thực sự đã lộ diện chính là Đinh Võ Thạc – một người bạn của Đường. Kẻ đã giết người chỉ để cướp lại vé xổ số.
Cốt truyện mới lạ với các tình tiết được sắp xếp một cách logic đã thu hút đông đảo độc giả lúc bấy giờ. Đây cũng chính là thời điểm mà kỹ năng viết truyện trinh thám, đặc biệt là kỹ năng xây dựng cốt truyện của Thế Lữ đạt đến độ chính muồi.
Truyện trinh thám của Thế Lữ qua quá trình rèn dũa và va chạm với thực tế đã có những tiến bộ vượt bậc. Không nặng về các tình huống hành động gay cấn như tiểu thuyết trinh thám phương Tây, Thế Lữ chọn cho mình một con đường đi khác biệt. Ông đi theo chiều hướng khai thác triệt để tâm lý nhân vật trinh thám. Khi tiếp nhận các truyện trinh thám về sau của Thế Lữ như Đòn hẹn, Mai Hương
và Lê Phong, Những nét chữ... yếu tố tâm lý ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Tâm lý nhân vật trinh thám không những không làm mất đi chất trinh thám mà ngược lại càng khiến truyện trinh thám trở nên hấp dẫn cuốn hút hơn.
Nhưng có lẽ cốt truyện trinh thám theo diễn biến tâm lý đáng chú ý nhất của Thế Lữ đó là Những nét chữ. Lê Phong chuyển sang viết tiểu thuyết tình cảm và nhận được sự ái mộ của phái nữ. Hằng ngày có rất nhiều thư gửi đến cho anh, và có một bức thư với lời lẽ lãng mạn, tình tứ khiến anh chú ý. Và với khả năng suy đoán của mình anh nhận ra chủ nhân bức thư là nam giới. Anh viết thư hồi âm, 2 ngày sau có một chàng trai đến tòa soạn gặp anh nhờ tìm ra manh mối cái chết của cô em gái 3 năm về trước. Sau một khoảng thời gian tìm hiểu, điều tra cái chết của Mai dần dần được Lê Phong làm sáng tỏ. Đỗ Lăng bạn của anh trai Mai cũng là một người mà cô chơi khá thân, người mà cô có thể dốc mọi tâm sự. Cô tham gia hội kín với một số bạn gái, nhưng sau đó thấy không hợp nên xin ra khỏi hội. Cô luôn luôn bị ám ảnh về sự trả thù như trên sách báo. Những lúc như vậy Lăng lại ở bên cô tìm cách để cô khuây khỏa. Tiếp xúc với Mai nhiều, tình cảm của Lăng càng lớn và anh quyết định viết thư thổ lộ với Mai. Mai từ chối vì trong cô đã mang hình bóng của Khương, đau khổ hơn cô chỉ là con nuôi của bố mẹ Khương mà không hề hay biết điều đó.
Câu chuyện đến hồi cao trào khi Đỗ Lăng tìm cách viết một bài thơ đặc biệt theo thể thức của hội kín. Nội dung của bài thơ kết tội Mai phản bội và đưa ra phán quyết xử tử. Vốn đã khủng hoảng, lo sợ từ trước lúc đọc được bài thơ Mai đâm ra hoảng loạn và đi đến quyết định uống thuốc độc tự tử. Khi Lê Phong giải đáp cái chết của Mai, Đỗ Lăng đã vô cùng khốn khổ bởi sự dày vò của lương tâm.
Cả quá trình phá án là một quá trình phức tạp của sự biến đổi tâm lý nhân vật. Lê Phong vốn là một con người lịch lãm, lạnh lùng nhưng cũng là một con người lãng mạn và đồng cảm. Nguyễn nhân cái chết của Mai được hé lộ cũng mở ra một tấn bi kịch mới. Bức thư thất tình kia vô tình đã trở thành con dao giết người. Lê Phong đã hoàn toàn hóa thân mình vào vai nạn nhân của vụ án để hiểu, để cảm nhận nỗi đau và sự lựa chọn cái chết giải thoát. Cũng chính từ đó tâm lý của
anh được tác giả khai thác triệt để cùng với sự hòa hợp, tác động của tâm lý nhân vật Đỗ Lăng.
Truyện ngắn Đòn hẹn cũng là một truyện có cốt truyện xuất sắc. Thế Lữ đã khéo léo mỡ đầu câu chuyện bằng một bức thư đe dọa, cảnh cáo và cũng là một lời tách thức thẳng thừng. Nhân vật trinh thám Lê Phong đã không khỏi ngỡ ngàng về sự ngông cuồng đó. Nhưng càng đi sâu vào vụ án Lê Phong càng khám phá ra kẻ thù mà mình phải đối mặt là cả một thế lục hùng mạnh. Những cái chết, những vụ bắt cóc xảy ra liên tục trong quá trình phá án của anh. Và chính Lê Phong cũng là nạn nhân bị bắt cóc.
Hành trình phá án của anh chứa đầy nguy hiểm, không ít lần anh phải đối mặt với tử thần trong gang tức, những lúc đó với một tâm lý cực kỳ phức tạp của Lê Phong và những hành động khó hiểu của anh đã làm cho kẻ thù run sợ. Rất nhiều lần anh bị thương và có khi đã rơi vào cảnh thập tử nhất sinh, nhưng anh vẫn vững vàng, một tinh thần thép, không lung lay trước quyền lực và cam phẫn cái ác đã giúp anh chiến thắng cái ác đang thống trị.
Câu chuyện là một cuộc hành trình của sự phát triển các cung bậc tâm lý từ sự tò mò, ngỡ ngàng ban đầu, đến sự sợ hãi trong phút chóc và sự khó khăn vô hạn khi đối mặt với kẻ thù ranh mãnh, tiếp theo là sự dũng mãnh hùng hồn khi đối diện, liều mình vào hang cọp để khám phá. Cuối cùng, vụ án khép lại với một cuộc gặp đầy bất ngờ khiến người đọc ngỡ ngàng. Càng theo sát tâm lý nhân vật đọc giả càng hồi hộp và cuối cùng có thể nói là sự ngỡ ngàng trước một Lê Phong rắn rỏi, thông minh, sắc sảo. Đồng thời cũng thán phục một Thế Lữ đa tài và đầy áp sự sáng tạo.
Những cốt truyện hoàn toàn cách tân, lạ lẫm với độc giả đương thời đã mang đến cho Thế Lữ những thành công trong thể loại truyện trinh thám. Là người đi đầu và chịu ảnh hưởng của văn học trinh thám phương Tây, ta vẫn thấy trong truyện
Thê Lữ thấp thoáng bóng dáng cốt truyện của truyện trinh thám phương tây. Nhưng với tài năng của mình Thế Lữ đã thổi hồn vào truyện trinh thám, mang nó đến với độc giả và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Đây cũng là đóng góp lớn của ông trong việc xây dựng kết cấu cốt truyện của truyện ngắn Việt Nam đương thời và sau này.
2.2. Nhân vật
2.2.1. Khái quát về nhân vật
Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học có thể có tên riêng. Song cũng cần lưu ý rằng nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất con người thật với đời sống văn học.
Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát tính cách của con người. Do tính cách là một hiện tượng xã hội, lịch sữ, nên chức năng khái quát tính cách của nhân vật văn học cũng mang tính lịch sữ. Vì tính cách là kết tinh của môi trường, nên nhân vật văn học là người dẫn dắt độc giả vào các môi trường khác nhau của đời sống.
Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn và con người. Vì thế nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm.
Nhân vật văn học được miêu tả qua biến cố, xung đột, mâu thuẫn và mọi chi tiết các loại. Đó là mâu thuẫn nội tâm của nhân vật, mâu thuẫn giữa nhân vật này với nhân vật kia, giữa tuyến nhân vật này với nhân vật khác. Cho nên nhân vật gắn liền với cốt truyện. Nhờ được miêu tả qua xung đột, mâu thuẫn, nên khác với hình tượng hội họa và điêu khắc, nhân vật văn học là một chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong không gian thời gian, mang tính chất quá trình.
2.2.2. Nhân vật trong truyện trinh thám Thế Lữ
Nhân vật, một yếu tố không thể thiếu trong bất cứ truyện ngắn hay tác phẩm văn xuôi nào. Mỗi thể loại văn xuôi lại mang đến cho độc giả một kiểu nhân vật riêng biệt. Riêng đối với Thế Lữ, tuyến nhân vật ông chọn đã tạo nên một đặc trưng riêng, một kết cấu đặc biệt. Để tạo nên điều đó không chỉ cần có tài năng, sự đam mê mà cần có cả sự cảm nhận sâu sắc về tính cách và tâm lý con người. Trong khi
cả văn đàn đang chạy theo trào lưu phê phán những hủ tục còn sót lại của xã hội phong kiến nữa thực dân bằng những mối tình dang dở, bằng những “cô gái mới” nổi dậy đòi quyền hạnh phúc...thì Thế Lữ lại mang trong mình một hướng đi, một hoài bão mới. Chính vì vậy mà tuyến nhân vật ông khai thác mới lạ và hấp dẫn hơn. Đó chính là các nhà trinh thám, những người Thổ Mán và những nhân vật nửa hư nửa thực như trong truyện kinh dị. Những điều đặc biệt là tuyến nhân vật của Thế