Tiết 77 + 78: Đọc văn VỘI VÀNG - Xuân Diệu – A. Mục tiêu bài học Giúp học sinh
- Cảm nhận được niềm khát khao giao cảm với đời và quan niệm nhân sinh, thẩm mĩ mới mẻ của Xuân Diệu.
- Thấy được sự kết hợp hài hòa giữa mạch cảm xúc dồi dào và mạch triết luận sâu sắc của bài thơ cùng những sáng tạo trong hình thức thể hiện.
- Rèn năng lực cảm thụ thơ ca cho học sinh đặc biệt là năng lực tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng thơ trữ tình.
B. Chuẩn bị
Giáo viên: Sách giáo khoa, giáo án, tài liệu tham khảo, tranh ảnh… Học sinh: Sách giáo khoa, vở ghi, vở soạn, đồ dùng học tập
C. Tiến trình dạy học 1. Ổn định lớp
2. Kiểm tra bài cũ
Em hãy chỉ ra biểu hiện “cái tôi” ngông của Tản Đà thể hiện trong bài
3. Bài mới
Lời vào bài:
Trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét về Xuân Diệu thật sâu sắc: “Đó là một nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới… Thơ Xuân Diệu là nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết”. Nhận xét ấy sẽ được chứng minh đầy thuyết phục ở bài thơ Vội vàng.
Hoạt động 1: Tìm hiểu chung 1. Tác giả
GV hỏi: Trình bày những nét chính về nhà thơ Xuân Diệu.
HS dựa vào SGK trả lời.
- Xuân Diệu (1916 - 1985) bút danh là Trảo Nha, quê quán Hà Tĩnh. - Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới (Hoài Thanh), ông đã mang đến cho thơ ca đương thời một nguồn sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo.
- Ông là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với một dòng thơ sôi nổi – đắm say – yêu đời thắm thiết.
- Tác phẩm chính: Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Riêng chung, Phấn thông vàng, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam….
2. Vài nét về bài thơ Vội vàng
GV hỏi: Em hãy nêu xuất xứ của bài thơ? HS dựa vào SGK trả lời.
Xuất xứ: in trong tập “Thơ thơ” (1938)
GV hỏi: Theo em, nhan đề “Vội vàng” thể hiện ý nghĩa gì? HS suy nghĩ và trả lời.
Định hướng: Nhan đề Vội vàng thể hiện triết lí sống của Xuân Diệu: sống vội vàng để tận hưởng và dâng hiến nhưng đây không phải là cách sống gấp, sống chỉ biết hưởng thụ mà là tăng nhịp điệu sống để mỗi phút, mỗi giây đều có ý nghĩa trong cuộc đời.
GV hỏi: Em hãy xác định bố cục và nêu nội dung chính từng phần của bài thơ?
HS trả lời.
- Bố cục bài thơ gồm 4 phần:
+ Phần 1 (4 câu thơ đầu): Ước muốn kì lạ của nhà thơ. + Phần 2 (9 câu tiếp): Cảm nhận thiên đường mặt đất.
+ Phần 3 (16 câu tiếp): Nỗi băn khoăn trước thời gian và cuộc đời. + Phần 4 (còn lại): Khát vọng sống, khát vọng yêu cuồng nhiệt, hối hả.
Hoạt động 2: Đọc và tìm hiểu văn bản
* Đọc văn bản
Cách thức tiến hành:
- GV đọc mẫu và hướng dẫn HS đọc + Phần 1: giọng đọc chậm dãi, ngẫm ngợi
+ Phần 2: giọng say mê, náo nức, sung sướng, hân hoan + Phần 3: theo giọng trầm, nhịp chậm, nuối tiếc
+ Phần 4: giọng hối hả, sôi nổi, cuống quýt GV gọi HS đọc
Nhấn mạnh : giọng đọc- ngữ điệu - cách ngắt nhịp.
* Tìm hiểu văn bản
1. Ước muốn kì lạ của nhà thơ
- Học sinh đọc 4 câu thơ đầu.
GV hỏi: Em có nhận xét gì về thể thơ, cách dùng từ, hình ảnh, nhịp thơ của tác giả trong 4 câu thơ mở đầu?
Định hướng: Lời thơ ngắn gọn (thể thơ 5 chữ), nhịp điệu gấp gáp, điệp ngữ “tôi muốn”: ý muốn táo bạo, mãnh liệt là muốn ngự trị thiên nhiên, muốn đoạt quyền tạo hóa => Tâm hồn yêu đời, thiết tha với cuộc sống nên muốn giữ lại tất cả hương vị của cuộc đời để tận hưởng của nhà thơ.
Bốn câu thơ gói gọn cảm xúc, ý tưởng chủ đạo của cả bài thơ. Nó có giá trị như một lời đề từ.
2. Cảm nhận thiên đường mặt đất
- Học sinh đọc diễn cảm đoạn thơ “Của ong bướm… mới hoài xuân” GV hỏi: Cảm nhận chung của em khi đọc đoạn thơ trên?
Học sinh nêu cảm nhận: Câu thơ kéo dài, mở rộng thành 8 chữ vẽ ra cảnh thiên đường giữa trần gian.
GV hỏi: Bức tranh thiên đường mặt đất được thể hiện qua những hình ảnh nào?
HS trả lời
Những hình ảnh: Đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất, ong bướm, hoa lá, yến anh, hàng mi chớp sáng, thần Vui gõ cửa…
GV hỏi: Em hiểu thế nào về tuần tháng mật, yến anh?
(học sinh dựa vào chú thích 1, 2 trong sách giáo khoa trang 22 để trình bày)
GV hỏi: Hình dung của em về bức tranh thiên đường mặt đất thể hiện qua đoạn thơ trên?
HS suy nghĩ và trả lời
Đoạn thơ như những thước phim đồng hiện vẽ ra một cảnh thiên đường giữa trần gian với những hình ảnh đẹp đẽ, tươi non, trẻ trung của thiên nhiên và cuộc sống như: ong bướm – tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, yến
anh …. khúc tình si…. Đây đều là những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống
và thiên nhiên nhưng qua cảm xúc mới mẻ, nồng nàn của nhà thơ đã biến thành cảnh vật và cuộc sống chốn thần tiên, thiên đường. Đặc biệt là cảnh vật
ấy, thiên nhiên ấy, cuộc sống ấy được nhà thơ gợi tả và hình dung trong quan hệ như với người yêu, người đang yêu, như tình yêu đôi lứa của tuổi trẻ đắm say, si mê và tràn đầy hạnh phúc. Xuân Diệu đã tìm thấy thiên đường của mình ngay trong thế gian này
GV hỏi: Theo em trong đoạn thơ trên câu thơ nào là mới mẻ nhất, hiện đại nhất? vì sao?
HS suy nghĩ và trả lời
Câu thơ độc đáo và hết sức mới mẻ: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. So sánh mới mẻ và độc đáo ở chỗ: dùng hình ảnh cụ thể của cơ thể người trẻ tuổi (cặp môi gần) để sánh với đơn vị thời gian trừu tượng (tháng giêng ngon) gợi cảm giác, liên tưởng, tưởng tượng rất mạnh về tình yêu đôi lứa, về hạnh phúc của tuổi trẻ. Điều đó cho thấy: Xuân Diệu đã lấy cái đẹp của con người làm chuẩn mực cho cái đẹp của tự nhiên, một thứ chuẩn mực chưa bao giờ có trong thơ xưa.
GV hỏi: Em có nhận xét gì về nhịp điệu, cách sử dụng từ ngữ trong đoạn thơ trên?
HS suy nghĩ và trả lời
Định hướng: Nhịp thơ nhanh hơn, gợi cảm xúc rạo rực, ào ạt trong lòng Điệp từ “này đây” như trình bày, mời gọi người quan sát thưởng thức. Điệp từ “của” khiến câu thơ có vẻ hơi Tây, mới lạ so với câu thơ truyền thống. Tất cả thể hiện tình yêu mê say đối với cuộc sống trên thế gian này của nhà thơ
GV hỏi: Hai câu thơ “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa - Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân” thể hiện ý nghĩa gì?
HS suy nghĩ và trả lời
Định hướng: Hai câu thơ trên cho thấy mạch thơ đang cuồn cuộn bỗng trùng hẳn xuống. Câu thơ bị gãy đôi bởi dấu chấm ở giữa, nó gợi lên hai cảm xúc, hai tâm trạng đó là “sung sướng nhưng vội vàng”…
Giáo viên chuyển: Từ sự miêu tả say sưa, liệt kê dồn dập những hình ảnh đẹp đẽ, tươi non, trẻ trung của thiên đường mặt đất, đoạn thơ lắng lại chuyển sang giọng triết lí, mạch luận lí khi tác giả thể hiện quan niệm về thời gian, tuổi trẻ và tình yêu.
3. Nỗi băn khoăn trước thời gian và cuộc đời
- Học sinh đọc diễn cảm đoạn thơ : “Xuân đương tới…chẳng bao giờ nữa” GV hỏi: Tìm những câu thơ thể hiện quan niệm về thời gian của tác giả Xuân Diệu? Tác giả quan niệm về thời gian như thế nào?
Xuân Diệu không đồng tình với quan niệm: thời gian tuần hoàn, thời gian theo Xuân Diệu là tuyến tính, một đi không trở lại, mỗi phút trôi qua là mất đi vĩnh viễn: “Xuân đương tới… tôi cũng mất”.
GV đưa ra câu hỏi thảo luận: Hãy chỉ ra những nét mới trong quan niệm của Xuân Diệu về cuộc sống, tuổi trẻ và hạnh phúc?
HS suy nghĩ, thảo luận 3 phút và trả lời. GV nhận xét và khái quát chung: + Xuân Diệu khám phá ra cuộc sống đầy những mâu thuẫn: giữa cái vô hạn của thời gian và cái hữu hạn đời người, giữa khát vọng sống mãnh liệt của con người muốn kéo dài thời gian, tuổi trẻ với quy luật, định mệnh khắt khe của tạo hóa: “Lòng tôi rộng…. của nhân gian”.
+ Do ý thức về sự trôi chảy của thời gian một đi không trở lại nên tác giả cảm nhận về thời gian luôn gắn với sự mất mát, chia lìa: “Mùi tháng năm … than thầm tiễn biệt”
+ Không thể níu giữ thời gian, Xuân Diệu quan niệm cần phải sống nhanh, sống vội để tận hưởng những phút giây của mùa xuân, tuổi trẻ. Với Xuân Diệu, cuộc đời đáng sống nhất ở tuổi trẻ, hạnh phúc lớn nhất của tuổi trẻ là tình yêu.
GV hỏi: Em có nhận xét gì về giọng thơ và ngôn ngữ thơ ở trong đoạn thơ này?
Định hướng: Giọng thơ triết luận, ngôn ngữ thơ biểu cảm, giàu hình ảnh. Nhà thơ ý thức sâu xa về giá trị của mỗi cá thể sống. Mỗi khoảnh khắc trong đời con người đều vô cùng quý giá vì một khi đã mất đi là mất vĩnh viễn. Quan niệm này khiến cho con người biết quý từng giây từng phút của đời mình và biết làm cho từng khoảnh khắc đó tràn đầy ý nghĩa. Đây chính là sự tích cực rất đáng trân trọng trong quan niệm sống của Xuân Diệu.
Giáo viên chuyển: Mạch triết luận của bài thơ vừa chấm dứt, người đọc đã bị cuốn ngay vào dòng cảm xúc ở đoạn thơ tiếp với giọng điệu sôi nổi và say mê.
4. Khát vọng sống, khát vọng yêu cuồng nhiệt, hối hả
- Giáo viên gọi học sinh đọc diễn cảm đoạn cuối bài thơ.
Giáo viên cho học sinh thảo luận: Vì sao ở 3 phần trên, tác giả xưng “tôi” nhưng khi nói về khát vọng sống, khát vọng yêu cuồng nhiệt, tác giả lại xưng “ta”? Nhịp thơ có sự thay đổi như thế nào?
Học sinh suy nghĩ và trả lời.
Giáo viên khái quát: Chữ “tôi” trong những đoạn mở đầu đã rất tự nhiên chuyển thành chữ “ta” ở đoạn cuối. Dường như có sự đồng thuận nào đó mà cảm xúc của cái “tôi” bỗng hòa nhập vào cái “ta” rộng mở. Nhịp thơ sau một hồi ngưng đọng như hối hả, gấp gáp hơn để chuyển tải cả một dòng cảm xúc say sưa, ào ạt trong lòng tác giả.
GV hỏi: Để diễn tả khát vọng sống cuồng nhiệt, Xuân Diệu đã sử dụng ngôn từ như thế nào? Ý nghĩa của việc sử dụng đó?
HS suy nghĩ và trả lời Định hướng:
- “Mau đi thôi!” Câu cảm thán giục giã sống “vội vàng” để tận hưởng tuổi trẻ và thời gian, không sống hoài, sống phí...
- Điệp ngữ “Ta muốn”: khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng được yêu thương: “Ta muốn say cánh bướm với tình yêu”
- Liệt kê hình ảnh “mây, gió, cánh bướm, non nước, cây, cỏ, ...”: Tác giả cảm nhận về không gian của cuộc sống mới mơn mởn, đầy ánh sáng, rất đáng yêu.
- “Ta muốn: ôm riết say thâu cắn”: các động từ, tăng tiến, phép điệp -> tình yêu mãnh liệt táo bạo của một cái “tôi” thi sĩ yêu cuộc sống cuồng nhiệt, tha thiết với mềm vui trần thế, tâm thế sống tích cực .
GV hỏi: Nhà thơ đã sáng tạo được hình ảnh nào mà em cho là mới mẻ, độc đáo nhất ở đoạn cuối bài thơ?
HS trả lời
Câu thơ “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi” là đỉnh điểm của cảm xúc tuôn trào; vừa đầy cảm giác mê đắm vừa đảm bảo sự trong sáng, thanh sạch. “Cắn” là cụ thể, là có phần thô lỗ, mãnh liệt nhưng mà “cắn xuân hồng”. Sự kết hợp giữa trừu tượng, thanh cao và cụ thể tầm thường thật bất ngờ đầy sáng tạo đem lại hiệu quả nghệ thuật thú vị, mới mẻ. Câu thơ đã cho thấy sự mãnh liệt của cảm xúc và nét độc đáo trong phong cách biểu hiện của nhà thơ. GV hỏi: Em hãy hình dung và miêu tả quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu thể hiện ở đoạn cuối bài thơ?
HS trình bày ý kiến của bản thân
Định hướng: Với Xuân Diệu phải sống cuồng nhiệt, sống vội vàng, nghĩa là tăng nhịp sống. Quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu khác về bản chất với lối sống gấp, sống thực dụng. Bởi lẽ, lối sống gấp, sống thực dụng là lối sống vị kỉ, chỉ biết hưởng thụ. Còn quan niệm sống vội vàng của nhà thơ là để tăng nhịp điệu sống, để sống nhanh, sống mạnh, sống nhiều, sống có ý nghĩa trong cuộc đời.
Hoạt động 3: Tổng kết
GV hỏi: Em hãy nêu khái quát những nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung của bài thơ?
- Sự kết hợp nhuần nhị mạch cảm xúc và mạch luận lí; giọng điêu say mê sôi nổi; những sáng tạo độc đáo, táo bạo về ngôn từ và hình ảnh thơ.
2. Nội dung
Vội vàng là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây, từng phút của cuộc đời mình, nhất là những tháng năm tuổi trẻ của một hồn thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt.
Giáo viên chốt lại nội dung bài học 4. Củng cố
- Giáo viên gọi học sinh đọc diễn cảm lại toàn bộ bài thơ - Bài tập
+ Điệp từ tôi muốn trong bốn dòng thơ đầu bài thơ Vội vàng gợi cho em ấn tượng gì?
+ Em hãy hình dung và miêu tả tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ
Vội vàng.
5. Hƣớng dẫn về nhà
- Học thuộc lòng bài thơ
- Xuân Diệu giãi bày về tập “Thơ thơ”: “Đây là hồn tôi vừa lúc vang ngân; đây là lòng tôi đương thời sôi nổi; đây là tuổi xuân của tôi và đây là sự sống của tôi nữa”. Theo em, những ý tưởng thi ca đó in dấu ấn như thế nào trong bài thơ Vội vàng.
PHIẾU KIỂM TRA SỐ 1
Câu 1: Theo em, nhan đề Vội vàng thể hiện ý nghĩa gì?
Câu 2: Em hãy hình dung và miêu tả tâm trạng nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn; Ta muốn riết mây đưa và gió lượn, Ta muốn say cánh bướm với tình yêu, Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều, Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng, Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Tiết 79 + 80: Đọc văn
TRÀNG GIANG
- Huy Cận - A. Mục tiêu bài học
Giúp học sinh
- Cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên Tràng giang và nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, niềm khát khao hòa nhập với cuộc đời và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả.
- Thấy được việc sử dụng nhuần nhuyễn những yếu tố thơ cổ điển trong một bài thơ Mới.
- Rèn kĩ năng cảm thụ, phân tích bình giảng tác phẩm thơ trữ tình.
B. Chuẩn bị
- Giáo viên: sách giáo khoa, giáo án, tài liệu tham khảo, tranh ảnh. - Học sinh: sách giáo khoa, vở soạn, vở ghi, đồ dùng học tập.
C. Tiến trình dạy học 1. Ổn định lớp
2. Kiểm tra bài cũ
Đọc thuộc lòng và diễn cảm đoạn cuối bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.