Năng lực và năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật

Một phần của tài liệu Rèn kỹ năng tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng trong dạy học thơ trữ tình ở lớp 11 trung học phổ thông (Trang 27)

Năng lực là “sức làm việc, trình độ thành thạo của một người có điều kiện tự nhiên hay do rèn luyện, học tập… tạo ra để làm tốt mọi việc” [3, tr.546]. Theo các nhà tâm lý: Năng lực của con người chính là sự tổng hợp của trình độ, kỹ năng, kỹ xảo của cá nhân để đáp ứng yêu cầu nào đó. Con người muốn hoạt động tốt phải có năng lực. Nếu thiếu năng lực thì con người khó hoàn thành bất cứ một công việc nào. Do đó, năng lực là tiền đề cho mọi hoạt động của con người. Năng lực không phải là thuộc tính bẩm sinh, cũng không phải hình thành một lần là xong mà là một quá trình rèn luyện của cá nhân. Trong giáo dục, việc phát hiện, rèn luyện, bồi dưỡng năng lực cho học sinh là một trong những vấn đề cơ bản của chiến lược phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Năng lực của học sinh cơ bản dựa trên tư chất, nhưng điều chủ yếu là nó được hình thành, phát triển trong hoạt động rèn luyện tích cực của quá trình dạy học và giáo dục.

Trong dạy học Ngữ văn, nhiều nhà nghiên cứu đã rất quan tâm tới tới năng lực văn của học sinh. Theo Giáo sư Phan Trọng Luận, “trong nhà trường phổ thông, năng lực cần thiết nhất là năng lực tiếp nhận văn học…” [12, tr.189]. Phát triển năng lực tiếp nhận của học sinh là hạt nhân của quá trình học văn hiện đại.

Tiếp nhận văn học là một giai đoạn hoàn tất quá trình sáng tác văn học. Tiếp nhận văn học đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ nhân cách con người – tri giác, cảm giác, tưởng tượng, liên tưởng, suy luận, trực giác – đòi hỏi sự bộc lộ cá tính, thị hiếu và lập trường xã hội, sự tán thành và phản đối… [18, tr.223]. Tiếp nhận tác phẩm văn chương là một quá tình lâu dài, có nhiều cấp độ. Thực chất đó là quá trình tái tạo mới hình tượng nghệ thuật dựa vào đặc điểm cá nhân và cảm xúc của từng người. Đó là quá trình tri giác tác phẩm, cụ thể hóa và khái quát hóa nghệ thuật để hiểu được giá trị đích thực của tác phẩm. Quá trình tiếp nhận là quá trình vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính khách quan. Tính chủ quan trong tiếp nhận là một thuộc tính vì quá trình tiếp nhận diễn ra trong tư duy, tình cảm, tâm lý bạn đọc. Tiếp nhận văn học ở mỗi bạn đọc phụ thuộc vào tư chất, trình độ vốn sống của từng người. Tính khách quan trong tiếp nhận tác phẩm văn học được quy định bởi đặc trưng thể loại của tác phẩm, ý đồ nghệ thuật của tác giả và phạm vi đời sống mà tác phẩm phản ánh. Sự tiếp nhận khác nhau về một tác phẩm cũng phụ thuộc vào các khái quát nghệ thuật của nó có liên hệ được với thực tại hay không. Như thế, tiếp nhận văn bản là một quá trình cụ thể hóa, hiện thực hóa tác phẩm, là cuộc đối thoại liên tục giữa người đọc với tác giả trên mọi lĩnh vực, là quá trình chờ đợi, thắc mắc, giải đáp. Điều này đòi hỏi người tiếp nhận phải có năng lực nhất định. Trong đó năng lực tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng nghệ thuật là các năng lực đóng vai trò “khai sơn phá thạch” đầu tiên của quá trình tiếp nhận văn chương.

Mục đích tiếp nhận là hiểu được tác phẩm văn chương. “Hiểu văn không chỉ là kết quả hoạt động trí tuệ mà còn bao hàm rất nhiều những hoạt động khác của trực giác, phát hiện, tưởng tượng sáng tạo và luận giải những mối liên hệ nội bộ tác phẩm và ngoài tác phẩm” [7,tr.116]. Những hoạt động đó muốn đi tới đích như đã nói ở trên cần phải được rèn luyện thành năng lực. Giáo sư Phan Trọng Luận đã thể hiện ra tám hoạt động của năng lực tiếp nhận văn chương, trong đó năng lực tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng là hai năng lực đầu tiên của quá trình tiếp nhận văn học.

Tri giác là một quá trình tâm lý phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng đang trực tiếp tác động vào các giác quan của ta.

Trong tiếp nhận văn học, đối tượng của tri giác là tác phẩm nghệ thuật ngôn từ với đặc trưng nổi bật là phản ánh cuộc sống thông qua hình tượng. Vì vậy, năng lực tri giác ngôn ngữ ở đây là cảm nhận được những thông tin nghệ thuật từ hệ thống tín hiệu ngôn ngữ hình tượng. Hoạt động này đối với văn xuôi đã khó, với thơ trữ tình còn khó hơn nhiều. Bởi thơ có độ nén cao, ngôn ngữ hàm súc, cô đọng, là thứ ngôn ngữ “quái đản”, không dễ cảm nhận. Hình tượng thơ trữ tình được dệt nên từ các loại từ hình tượng; ở việc sử dụng sáng tạo vần, luật, tiết tấu, âm điệu, vần điệu, kết cấu; ở cách phối hợp các con chữ trong một dòng thơ, đoạn thơ, bài thơ; ở việc lựa chọn tiêu đề cho bài thơ của nhà thơ…

Tác phẩm văn chương vốn là những thực thể tinh thần tồn tại qua chất liệu ngôn ngữ như là cái vỏ vật chất của nó. Không tri giác được ngôn ngữ nghệ thuật, lớp vỏ vật chất của tác phẩm thì không thể đi vào thế giới sống động, phập phồng hơi thở bên dưới các con chữ, các kí hiệu câm lặng của tác phẩm. Vì vậy, con đường thâm nhập, chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật của tác phẩm phải bắt đầu từ bước tri giác ngôn ngữ nghệ thuật.

Như vậy, năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật biểu hiện ở khả năng học sinh nhận ra được các tín hiệu nghệ thuật. Nghĩa là các em biết tri giác từ thần, nhận ra kết cấu lạ, phát hiện ra mối liên kết bên trong và bên ngoài văn bản, nhìn ra các biện pháp nghệ thuật tu từ, phát hiện ra “khoảng trắng” của bài thơ. Khả năng này diễn ra ở học sinh là không giống nhau. Những người có năng lực văn chương thì quá trình tri giác ngôn ngữ diễn ra mau lẹ “như là sự nhạy cảm của một thứ linh giác nghệ thuật”.

Biểu hiện tiếp theo của năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật là khả năng giải mã các thông tin nghệ thuật vừa tri giác được. “Văn chương là trò diễn của ngôn từ”. Trong tay người nghệ sĩ có tài, sự chuyển hóa của từ thật đa dạng, từ ý nghĩa cụ thể sang ý nghĩa khái quát, từ một ý nghĩa đơn vị sang ý nghĩa đa trị, từ một ý nghĩa chung sang một ý nghĩa riêng. Do vậy, không giải mã được các thông tin nghệ thuật sẽ không hiểu được tác phẩm.

Tuy nhiên, việc tri giác ngôn ngữ nghệ thuật của học sinh ở bước này thường gặp khó khăn. Các em bị trói buộc bởi kinh nghiệm sống của bản thân; ngôn ngữ tác phẩm có thể chỉ là những kí hiệu hoặc cao hơn là những từ ngữ xã hội học. Cho nên quá trình khêu gợi ý trí tưởng tượng giúp cho học sinh thâm nhập vào tác phẩm là một quá trình vượt qua ý nghĩa trực tiếp của ngôn ngữ bài văn và nghĩa đen của từng từ để nắm lời ngầm, linh hồn tác phẩm. Năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật của học sinh còn được biểu hiện ở khả năng biết tri giác “điểm sáng thẩm mĩ” có định hướng. Nghĩa là các em biết chọn lọc thông tin nghệ thuật để tái hiện hình tượng một cách có chủ định theo yêu cầu của bài học. Có như vậy, học sinh mới không bị rơi vào tri giác vụn lẻ, không định hướng, tản mạn, làm vỡ tính chỉnh thể của hình tượng nghệ thuật.

Năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật tác phẩm văn chương tạo ra được những ấn tượng ban đầu, những cảm xúc, những rung động thẩm mĩ vô cùng quan trọng ở người đọc. Việc định hướng giải mã các thông tin nghệ

thuật càng chu đáo càng tạo điều kiện giảm nhiễu để bạn đọc học sinh đến với tác phẩm nghệ thuật. Lượng thông tin càng tinh khiết, cường độ càng mạnh thì hứng thú tiếp nhận văn chương càng đúng hướng. Tri giác ngôn ngữ tốt, việc cảm thụ hình tượng càng sâu sắc, ít chủ quan.

Một phần của tài liệu Rèn kỹ năng tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng trong dạy học thơ trữ tình ở lớp 11 trung học phổ thông (Trang 27)