Các phương hướng dạy học bài VHS (tác giả)

Một phần của tài liệu Những biện pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh trong giờ học văn học sử ở trung học phổ thông (Trang 29)

1.1.7.1. Phát huy ưu thế về số lượng, cần làm cho HS nhận thức rõ và có hứng thú đặc biệt đối với kiểu bài VHS (tác giả).

Với số lượng nhiều, kiểu bài này được lặp đi lặp lại qua các thời kỳ văn học. Tính chất đó có thể gây ấn tượng đậm nét trong HS về ý nghĩa của bài học về tác giả văn học. GV cần đầu tư thích đáng để cho bài học VHS này gây hứng thú đối với sự tiếp nhận của HS không phải bằng thuyết giảng mà bằng cách khuyến khích HS học tập có tính chất nghiên cứu qua SGK. HS thường thích nghe, đọc sự kiện và diễn biến sự kiện. Đây không phải là sự kiện khô khan, rối rắm về kinh tế, xã hội mà là sự kiện và diễn biến về một nhân cách lớn có sức truyền cảm và cũng rất đời thường. Có thể nói tác giả là “hình tượng” của toàn bộ sự nghiệp của nhà văn. Tính số lượng về một kiểu bài vừa mang tính lôgic, tính lịch sử và tính biểu cảm như vậy đòi hỏi một mô hình thiết kế đặc biệt về bài học tác giả xuất phát từ mô hình thiết kế chung về dạy VHS. Đó là một mô hình đặc thù được nghiên cứu dựa trên các cơ sở khoa học và sự khám phá phong phú của kiểu bài này.

1.1.7.2. Phát huy tối đa tác dụng đào tạo và giáo dục của bài VHS (tác giả).

Do các mối quan hệ đồng đại và lịch đại có tính nhiều chiều, có tính “tọa độ” của các tác giả trong tiến trình lịch sử văn học, bài văn học sử về tác giả có thể cung cấp một số lượng lớn về thông tin văn học có đối chiếu, liên hệ sinh động, ngắn gọn. Yêu cầu về tác dụng đào tạo của bài học tác giả đòi hỏi GV phải tích lũy nhiều kiến thức về tác giả ngoài SGK, nghiên cứu cơ sở lý luận văn học về tác giả cũng như vị trí sư phạm đặc biệt của bài VHS về tác giả trong chương trình VH để có thể thỏa mãn yêu cầu đó. Qua cuộc đời và sự nghiệp văn học của những “cá tính sáng tạo” tiêu biểu trong lịch sử VH, cần có quan điểm “dạy tác giả là dạy một nhân cách”. Chỉ qua nhân cách mới có thể giáo dục nhân cách cho HS.

Tận dụng cách kể chuyện có nghệ thuật có kết hợp một ít “chuyện làng văn nghệ” về cuộc đời nhà văn, nhấn mạnh các sự kiện tiêu biểu, sử dụng các ảnh tác giả có tính mẫu mực, tổ chức ngoại khóa về tác giả, đi thăm các di tích về tác giả đã qua đời là các biện pháp hữu hiệu để phát huy tác dụng giáo dục

của bài học. Dĩ nhiên người GV văn phải thể hiện trước hết sự hiểu biết và những tình cảm trân trọng đối với tác giả. Không chỉ qua dạy học tác phẩm mà qua bài học như thế nào để HS được giao tiếp trực diện với những con người vĩ đại đã khuất khi đứng trước tấm bia và ngôi mộ thiêng liêng của những linh hồn đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp văn học.

1.1.7.3. Kết hợp một cách sinh động phương pháp lịch sử và phương pháp lôgic trong việc dạy bài VHS (tác giả).

Hầu hết phần tiểu sử và cuộc đời của các tác giả trong bài văn học sử về tác giả đều được trình bày theo phương pháp lịch sử, tức là giới thiệu tiểu sử, cuộc đời theo trình tự thời gian, với các sự kiện chính. Cách trình bày như thế là để GV phát huy PP kể chuyện có nghệ thuật và cách truyền thụ theo diễn biến các sự kiện. Có thể HS đọc SGK, phát hiện các sự kiện chính trong cuộc đời tác giả (với thời điểm, địa điểm chính xác), liên kết các sự kiện đó lại, khái quát về cuộc đời tác giả (có khi không có trong bài học).Như vậy là phát huy được tính chủ động học tập theo SGK về tác giả. Quy trình dạy như trên thường dễ thực hiện vì các tri thức sự kiện dễ nhận thức và hấp dẫn. Khái quát về cuộc đời tác giả có thể là một dịp để nêu câu hỏi có vấn đề cần tranh luận. Tận dụng ảnh tác giả là gây được sự truyền cảm. Sự can thiệp bằng thuyết giảng của GV về một vài mẩu chuyện về tác giả ngoài SGK sẽ làm cho phần truyền thụ này trở nên sôi nổi. Phần VH thường được trình bày theo PP lôgic, tức là theo các nhận định, đánh giá có minh họa. Tuy nhiên, với một số tác giả có thể cần vận dụng PP lôgic kết hợp với PP lịch sử. Trong các trường hợp như vậy, cần phải làm cho HS thấy được sự phát triển trong sự nghiệp văn học của tác giả, mặt khác phải tận dụng SGK để hướng dẫn HS phát hiện các nhận định, giải thích các nhận định, minh họa các nhận định như là quy trình làm việc và thao tác của HS trong việc dạy học các phần này.

Một phần của tài liệu Những biện pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh trong giờ học văn học sử ở trung học phổ thông (Trang 29)