Viết di chúc hiến tặng nội tạng sau khi chết

Một phần của tài liệu Những việc cần làm trong đời người (tái bản) tập 2 (Trang 113)

Đây là một thông tin làm cảm động lòng người: vào một buổi sáng sớm bi thảm tháng 6 năm 2001, một người phụ nữ đã bị bọn ác tặc cắt đứt cổ họng khi vừa tan ca đang trên đường về nhà. Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh. Do cổ họng bị cắt đứt nên chị không thể nói được, khi người hộ lý mang giấy bút đến, chị chỉ còn kịp viết ra đôi lời trăng trối: "Anh hãy cố gắng chăm sóc con gái thay em, em không thể tiếp tục đi cùng anh được nữa rồi, hãy tặng các cơ quan trên cơ thể em cho người khác".

Người phụ nữ bị khâu hàng nghìn mũi trước giờ phút lâm chung vẫn còn nghĩ đến tặng các cơ quan và nội tạng cho người khác này chỉ là một người lao động phổ thông. Hiến thi thể sau khi chết đã bắt đầu trở thành một trong những nội dung trong bản di chúc của nhiều người. Đây là một cuộc cách mạng đối với quan niệm truyền thống, là một bước nhảy vọt về mặt tinh thần.

Xét trên một mức độ nào đó, đây vẫn là quyết định ảnh hưởng đến cả người khác, khi sự lựa chọn này đến nó thật là trang nghiêm và thiêng liêng.

* * *

Tôi không bao giờ có thể quên được cái mùa hè nóng như thiêu như đốt năm 1965, mẹ tôi đột ngột qua đời vì một căn bệnh mà y học vẫn chưa tìm ra cách chữa khỏi. Khi đó mẹ tôi mới 36 tuổi. Chiều hôm đó, một ông công an đến nhà tôi thuyết phục bố tôi và bố tôi đã đồng ý để cho bệnh viện lấy đi động mạch và giác mạc trên cơ thể mẹ tôi, tôi suýt nữa thì ngất đi vì tin này. Bệnh viện sẽ giải phẫu mẹ tôi, đem những bộ phận trên cơ thể mẹ tôi cấy ghép cho người khác, nghĩ đến đây tôi lao ra khỏi nhà nước mắt đầm đìa. Năm đó tôi 14 tuổi, tôi không tài nào hiểu nổi tại sao lại có người có thể mổ xẻ cơ thể người mẹ yêu quý của tôi. Nhưng bố tôi lại nói với ông công an là bố tôi hoàn toàn đồng ý.

"Tại sao bố lại để cho người ta đối xử với người mẹ đã mất của con như vậy" tôi gào lên với bố tôi, "mẹ đã đến với thế giới này một cách toàn vẹn vậy thì tại sao không để cho mẹ được toàn vẹn rời khỏi cái thế giới này?".

"Linda" bố tôi ôm tôi vào lòng âu yếm nói: "Món quà có ý nghĩa nhất mà con có thể tặng cho nhân loại chính là một bộ phận của thân thể mình. Mẹ con và bố đã quyết định từ lâu rồi. Nếu như sau khi chúng ta chết rồi mà vẫn còn có thể giúp ích được cho cuộc sống của những người đang sống, vậy thì cái chết của chúng ta đã có ý nghĩa rồi đó".

Bài học mà bố tôi dạy cho tôi vào ngày hôm đó đã trở thành một bộ phận quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Bao năm đã trôi qua, tôi cũng đã xây dựng gia đình và có một mái ấm gia đình nho nhỏ. Năm 1980 bố tôi mắc phải căn bệnh ung thư phổi nên đã chuyển đến ở cùng với vợ chồng tôi, trong 6 năm cuối cùng của cuộc đời bố tôi, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về vấn đề sống và chết.

Bố tôi vui vẻ nói với chúng tôi là sau khi qua đời, dù thế nào cũng sẽ hiến một bộ phận của cơ thể mình cho người khác, đặc biệt là đôi mắt, bố tôi nói: "Đôi mắt là món quà có ý nghĩa nhất mà bố có thể tặng cho người khác. Nếu như có thể giúp cho một đứa trẻ bị mù có thể nhìn được trở lại, có thể giống như waily vẽ được ngựa, thì đứa trẻ này sẽ vô cùng hạnh phúc và cảm động.

Waily là con gái tôi, nó rất thích vẽ ngựa và đã nhiều lần giành được giải thưởng. "Hãy thử tưởng tượng xem nếu như có đứa trẻ bị khiếm thị nhưng lại có thể vẽ được như Waily, vậy thì bố mẹ nó thật là tự hào biết bao, nếu như đôi mắt của bố có thể giúp cho đứa trẻ đó hoàn thành ước mơ hội họa, vậy thì con cũng sẽ cảm thấy tự hào" bố tôi nói với tôi.

Tôi đem lời của bố tôi kể cho Waily nghe, Waily đã khóc, nó ôm chặt lấy bố tôi. Lúc đó nó mới có 14 tuổi. Năm hiến bộ phận trên cơ thể mẹ tôi, tôi cũng đúng 14 tuổi, nhưng tôi và con gái tôi lại có ý nghĩ không hề giống nhau một chút nào cả. Sau khi bố tôi qua đời, tôi đã hiến đôi mắt của bố tôi cho người khác theo lời dặn của bố tôi trước lúc chết. 3 ngày sau, Waily nói với tôi: "Mẹ, con cảm thấy rất tự hào vì mẹ đã thay ông ngoại làm việc này. Khi con chết, con cũng sẽ hiến tặng đôi mắt của mình".

Thật là bất hạnh sau 2 tuần hiến đi đôi mắt của bố tôi, con gái yêu quý Waily của tôi trên đường đi học về đã bị một chiếc xe tải đâm bị thương rất nặng.

3 tuần sau khi con gái tôi qua đời, tôi nhận được một bức thư từ bệnh viện mắt gửi đi cho vợ chồng tôi: "Thưa ông bà

Lee: Chúng tôi rất muốn báo cho ông bà biết một tin, ca cấy ghép giác mạc đã thành công mỹ mãn, hai đứa trẻ khiếm thị đã nhìn thấy ánh sáng trở lại, sự khôi phục lại thị giác của hai đứa trẻ này tượng trưng cho sự tưởng nhớ đến cô con gái của ông bà".

* * *

"Hãy dành trái tim của tôi cho bố tôi, đây là món quà cuối cùng của tôi tặng bố". Đây là câu nói thịnh thành vô cùng cảm động lòng người trong những năm gần đây tại châu Âu và châu Mỹ.

Rất nhiều người bố có con gái bị mắc bệnh tim đều khắc câu nói nổi tiếng trên đây vào mặt dây chuyền đeo trước ngực hoặc viết vào tấm thẻ tình nguyện hiến tặng bộ phận cơ thể mà họ luôn mang theo trên mình. Rất nhiều người bố khi nhìn thấy con gái có mang theo dòng chữ này trên người đều cảm động rơi nước mắt.

Chỉ tính riêng về bệnh nhân khiếm thị vì giác mạc thì toàn thế giới đã có khoảng 46 triệu người, trong đó Trung Quốc chiếm 7 triệu người, nếu như có đủ giác mạc thì 30 triệu người sẽ được nhìn thấy ánh sáng. Có thể nói nguồn giác mạc là vô tận bởi vì cho dù là giác mạc của người già 8,9 mươi tuổi cũng vẫn có thể hiến tặng và có thể dùng được mấy chục năm. Nhưng cái "nếu như" này hiện nay vẫn chưa thành sự thực được, giác mạc vẫn thiếu một cách trầm trọng. Sự thành công và mở rộng của việc cấy ghép bộ phận cơ thể con người đã đem lại cho hai từ "cứu người" một ý nghĩa mới. Thông thường thì từ "cứu người" thường dùng để chỉ dùng vật chất, sự nghĩa hiệp quả cảm để cứu người khỏi nước lửa, giúp người qua cơn nguy nan. Nhưng đến nay, cùng với sự phát triển của y học, người ta có thể tu nhân tích đức, đem lại phúc cho mọi người bằng cách hiến bộ phận trên cơ thể mình khi đã chết. Cơ hội này cho dù là danh nhân, vĩ nhân hay những người dân bình thường cũng đều bình đẳng như nhau, không phân biệt cao thấp sang hèn, chỉ có sự phân biệt duy nhất là có đồng ý hiến tặng hay không thôi./.

Một phần của tài liệu Những việc cần làm trong đời người (tái bản) tập 2 (Trang 113)