Trong phần thực trạng, tác giả đã nói đến các biện pháp quản lý trong công tác tuyên truyền. Các biện pháp này bước đầu đã phát huy tác dụng, tuy nhiên công tác tuyên truyền của nhà trường thực hiện chưa đầy đủ đối với mọi đối tượng, chưa sâu sắc về nọi dung, chưa đa dạng về hình thức. Do vậy việc tuyên truyền cần phải được coi trọng hơn nữa, mà cụ thể công tác quản lý phải làm được các nội dung sau:
Mục đích tuyên truyền: Làm cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên, cha mẹ học sinh, học sinh, các cơ quan ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội… tuỳ theo mức độ hiểu được về bộ tiêu chuẩn từ đó có những việc làm, hành động thiết thực giúp nhà trường nâng cao chất lượng đảm bảo chuẩn.
Đối tượng tuyên truyền: Công tác tuyên truyền không chỉ hướng tới các đối tượng mà nhà trường trực tiếp quản lý: cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh mà còn phải hướng tới các đối tượng phối hợp với nhà trường như: các cơ quan ban ngành của huyện, xã, các tổ chức chính trị xã hội, các lực lượng xã hội khác.
Hình thức tuyên truyền: Vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú đa dạng như: phát biểu tại các hội nghị, bằng tờ rơi, phát thanh, thi tìm hiều….
Nội dung tuyên truyền: Tuỳ vào tầm quan trọng của từng đối tượng mà công tác tuyên truyền hướng tới với các nội dung khác nhau. Trong đó cán bộ, giáo viên, công nhân viên của nhà trường phải được tuyên truyền một cách đầy đủ và sâu sắc nhất bởi họ là lực lượng chính thức thực hiện việc đảm bảo chất lượng cho nhà trường.