Thẩm định tín dụng là khâu quan trọng nhất quyết định chủ yếu đến hiệu quả tín dụng. Thẩm định tín dụng ngắn hạn nhằm mục tiêu đánh giá một cách chính xác và trung thực khả năng thu hồi nợ đối với khoản vay.
Trước tiên, cần có sự đánh giá kỹ càng năng lực pháp lý, tư cách pháp nhân của doanh nghiệp. Đặc biệt lưu ý đến những điểm về người đại diện trước pháp luật, về người có quyền quyết định vay vốn.
Thẩm định mức độ tin cậy của các báo cáo tài chính
Ngân hàng cần yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các báo cáo tài chính sau khi đã được kiểm toán vì cơ quan kiểm toán sẽ giúp ngân hàng đánh giá và chịu trách nhiệm về mức độ tin cậy của số liệu trong báo cáo tài chính. Nếu như doanh nghiệp không thể cung cấp các báo cáo tài chính đã qua kiểm toán thì cán bộ tín dụng cần thực hiện những bước sau:
• Nghiên cứu kỹ số liệu của các báo cáo tài chính hợp lý hay không.
• Sử dụng kiến thức kế toán tài chính và kỹ năng phân tích để phát hiện những điểm đáng nghi ngờ hay những bất hợp lý trong các báo cáo tài chính.
• Xem xét bảng thuyết minh để hiểu rõ hơn về những điểm đáng nghi ngờ trong báo cáo tài chính.
• Mời khách hàng đến thảo luận, phỏng vần và yêu cầu giải thích về những điểm đáng nghi ngờ phát hiện được.
• Trực tiếp viếng thăm doanh nghiệp để quan sát và cần tận mắt xem lại tài liệu kế toán và chứng từ gốc làm căn cứ lập báo cáo tài chính.
• Sau đó đưa ra kết luận về mức độ tin cậy của báo cáo tài chính và tiến hành phân tích các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Cần chú ý phân tích các tỷ số liên quan đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp bao gồm: tỷ số đánh giá khả năng thanh toán, tỷ số đánh giá hiệu quả hoạt động tài sản, tỷ số đánh giá khả năng trả nợ và lãi, tỷ số đánh giá khả năng sinh lời. Điều quan trọng nhất của báo cáo tài chính là xem xét một
cách kỹ lưỡng các dòng tiền trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Vì vậy, quan điểm nguồn trả nợ duy nhất của doanh nghiệp là dòng tiền mặt cần được tiêu chuẩn hóa trong toàn ngân hàng. Theo đó, số liệu mà ngân hàng cần quan tâm là tình hình ngân quỹ của doanh nghiệp và căn cứ để lập tờ trình trả nợ cần dựa vào chu kỳ ngân quỹ của doanh nghiệp.
Thẩm định phương án sản xuất kinh doanh.
Thẩm định kỹ lưỡng vốn lưu động mà doanh nghiệp thực sự cần để phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh, cần phải thẩm định tính chính xác của vốn lưu động, nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp có thể tính toán mức vốn lưu động quá cao để tranh thủ vốn, gây lãng phí, ứ đọng vốn làm giảm hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh cũng như làm giảm hiệu quả của món vay. Bên cạnh đó, cán bộ tín dụng phải tích cực tìm hiểu thị trường, căn cứ vào các định mức kinh tế kỹ thuật của các ngành, các đơn giá của Nhà nước, tìm hiểu mức độ hiện đại công nghệ, tình hình giá cả ở thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Ngoài ra, cần tích cực tìm hiểu, lưu trữ các thông tin của các phương án điển hình trong khu vực kinh tế tại quận 5 làm cơ sở cho việc kiểm tra.
Ngoài những kinh nghiệm và sự am hiểu về ngành, cán bộ tín dụng nên tích lũy thông tin về chi phí của những doanh nghiệp khác trong cùng ngành có quy mô tương tự để so sánh. Cán bộ tín dụng cần nắm vững kế toán quản trị, kế toán chi phí, và cách tính giá thành sản phẩm, từ đó xem xét khoản mục chi phí nào là hợp lý, khoản mục chi phí nào không hợp lý. Từ đó đánh giá mức độ tin cậy của các khoản mục chi phí mà khách hàng đã xây dựng trong phương án sản xuất kinh doanh.