Thứ nhất, việc thu thập thông tin để làm hồ sơ vay còn nhiều bất cập. Thông
tin thu thập sơ sài, chỉ được cung cấp một chiều từ phía khách hàng. Số liệu trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp thường không trung thực và thiếu minh bạch. Các số liệu được “chế biến” không phản ánh chính xác tình hình hoạt động của DN. Số liệu thiếu thống nhất, chưa theo kịp các chuẩn mực quốc tế đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp khi tiếp cận vốn từ ngân hàng.
Thứ hai, trình độ quản lý của chủ doanh nghiệp, trình độ chuyên môn của
công nhân viên còn thấp. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không có bằng cấp phù hợp với lĩnh vực mà doanh nghiệp mình đang hoạt động, điều đó cũng tạo khó khăn cho việc đánh giá năng lực điều hành lãnh đạo doanh nghiệp của ngân hàng. Phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp thường không biết cách quản lý dòng tiền hoặc quản lý dòng tiền không hiệu quả, đầu tư dàn trải nên ngân hàng thường đánh giá năng lực lãnh đạo doanh nghiệp ở mức thấp.
Thứ ba, phương án sản xuất kinh doanh được lập sơ xài, cơ cấu vốn không
hợp lý, việc sử dụng vốn vay không hiệu quả. Hiện tượng trốn thuế phổ biến của các doanh nghiệp ngày càng nhiều, hầu như các doanh nghiệp đều lách luật, cố ý hạch toán tăng chi phí không thực tế trong hoạt động kinh doanh theo qui định để lợi nhuận trước thuế giảm tới mức tối thiểu hoặc thậm chí là âm, làm cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trở nên tồi tệ có chủ ý của doanh nghiệp.
Thứ tư, thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến ở các DNVVN, mặc dù thông tư 09/2012/TT-NHNN của NHNN đã quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực ngày 01/6/2012. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay và thực hiện thanh toán trực tiếp cho bên thụ hưởng với số tiền từ 100,000,000 đồng trở lên cho một lần giải ngân. Dù vậy, nhưng các doanh nghiệp còn e dè, thanh toán tiền hàng còn giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ năm, về tài sản đảm bảo. Các DNNVV thường có lượng tài sản nhỏ,
khả năng thế chấp gần như không có, nên gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Tài sản đảm bảo có tính thị trường không cao, khó có thể trở thành nguồn thu nợ thứ hai. Tài sản đảm bảo là bất động sản thì khó phát mại, tài sản đảm bảo là động sản chủ yếu là máy móc thiết bị mang tính đặc thù của ngành thì dễ bị lạc hậu, lỗi thời, giá trị thu hồi nhỏ.