Chất lượng tinh dịch

Một phần của tài liệu đánh giá chất lượng tinh trùng cá dìa (siganus guttatus bloch, 1787) nuôi tại nha trang - khánh hòa (Trang 27)

Thông thường, tinh dịch tốt có màu trắng sữa hoặc trắng đục, đặc sệt và không lẫn tạp chất như phân, nước tiểu, nhớt cá, nước. Tinh dịch tốt thì hoạt lực của tinh trùng mãnh liệt hơn, tinh trùng sống lâu hơn và khả năng chịu ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường

bên ngoài tốt hơn [10, 41]. Chất lượng tinh dịch là một thông số đánh giá khả năng thụ tinh thành công của tinh trùng với trứng, chủ yếu dựa vào các thông số chất lượng như thành phần của tinh dịch, khối lượng tinh dịch, mật độ tinh trùng và khả năng di chuyển của tinh trùng [59]. Chất lượng tinh dịch thay đổi trong mùa sinh sản. Điều này thể hiện rõ ở cá bơn (Scophthalmus maximus) và cá bơn (Hippoglossus sp) tinh trùng có dấu hiệu lão hóa vào cuối mùa sinh sản với những thay đổi về hình thái học, mất roi và suy giảm hoạt lực [116, 119, 123].

Ở một số loài cá, trong quá trình thu thập tinh dịch do ống dẫn tinh và niệu quản gần nhau hoặc chỉ có một lỗ niệu sinh dục duy nhất nên cả tinh dịch và nước tiểu được đưa ra ngoài làm tinh dịch bị nhiễm bẩn. Nước tiểu sẽ là môi trường kích hoạt tính tự phát của tinh trùng trước khi tinh trùng được phóng thích ra ngoài, được kích hoạt trong môi trường nước hoặc môi trường chất pha loãng. Điều này có thể làm cho tinh trùng mất năng lượng hoạt lực trước khi phóng thích ra ngoài thực hiện quá trình thụ tinh. Như thế thì kết quả thụ tinh sẽ giảm [59]. Ở cá hồi Đại Tây Dương (Salmon salar), tinh dịch bị ô nhiễm bởi nước tiểu làm tăng sự thay đổi các thành phần dịch tương và làm giảm độ thẩm thấu cũng như giảm nồng độ K+, còn cá chép (Cyprinus carpio) tinh dịch bị ô nhiễm bởi nước tiểu làm giảm năng lượng và giảm khả năng hoạt lực của tinh trùng [59].

Một phần của tài liệu đánh giá chất lượng tinh trùng cá dìa (siganus guttatus bloch, 1787) nuôi tại nha trang - khánh hòa (Trang 27)