Một số câu nghi vấn có thể diễn đạt một sự phủ định và thường bắt đầu bằng Đâu, Bao giờ, Làm gì hoặc kết thúc bằng các từ hoặc các cấu trúc hỏi, ví dụ:
[95] Đâu có chuyện ấy? hoặc Có chuyện ấy đâu?
[96] Bao giờ có chuyện ấy?
[97] Làm gì có chuyện ấy?
Câu hỏi có giá trị phủ định bao gồm hai tiểu loại sau:
a/ Những câu nghi vấn có giá trị phủ định mà trong những văn cảnh nhất định và với những thành phần từ ngữ nhất định, cũng có thể dùng như những câu hỏi chính danh. Tuy thiên về phủ định nhưng còn dành chỗ cho một câu trả lời theo hướng này hay hướng khác.
Những câu hỏi thuộc loại này thường dùng những từ nghi vấn như
ai, gì, mấy, sao, nào, bao nhiêu, bao giờ, hay các danh ngữ có các từ để hỏi như gì, nào. Ví dụ:
[98] Bài khó thế này ai mà làm được? (= chẳng ai làm được) [99] Thứ bút này có thiếu gì ở ngoài phố? (= chẳng thiếu gì)
b/ Các câu có hình thức nghi vấn nhưng chỉ có một giá trị ngôn trung duy nhất là phủ định, được cấu tạo theo một số phương thức nhất định.
Chúng tôi chỉ xin trích dẫn một vài cách thức cấu tạo có tính chất minh họa:
- Sử dụng Đâu + (có); Đâu + (có) + phải; Có + (phải) + đâu (Các từ trong ngoặc có thể có hoặc không). Ví dụ:
[100] Hôm qua anh đi nhậu say khướt phải không?
- Sử dụng Có phải ở đầu một câu trần thuật và đâu ở cuối câu. [101] Có phải tôi muốn chê anh đâu?
- Sử dụng từ nào trước lõi vị ngữ (kể cả phần Đề của nó) của một câu trần thuật.
[102] Nào tôi có biết? / Tôi nào có biết?
Sự khác biệt lớn nhất giữa câu hỏi mang giá trị phủ định với câu kể hay câu phủ định chính là sự khác nhau về tình thái của lõi vị ngữ. Ví dụ:
[103] Họ có đến đâu? Và Họ không đến đâu.
Sự khác biệt này không thấy có trong các câu mà phần trung tâm lõi của vị ngữ là một vị từ “tĩnh” (biết, muốn, còn, có) nhưng lại rất rõ trong các câu mà trung tâm của lõi vị ngữ là một vị từ “động”.