0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (124 trang)

Đặc trưng khám chữa bệnh của bác sĩ

Một phần của tài liệu MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM GIAO TIẾP CỦA BÁC SĨ VỚI BỆNH NHÂN TRONG QUÁ TRÌNH KHÁM, CHỮA BỆNH TẠI TRUNG TÂM Y HỌC HẠT NHÂN VÀ UNG BƯỚU VÀ MỘT SỐ KHOA LÂM SÀNG TẠI BỆNH VIỆN (Trang 32 -32 )

Khám chữa bệnh là hoạt động nghề nghiệp của người bác sĩ, với những đặc trưng riêng khác với các hoạt động khác, có ảnh hưởng và chi phối trực tiếp đến giao tiếp của bác sĩ. Muốn nghiên cứu một cách đầy đủ về đặc điểm giao tiếp của bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh thì phải bắt đầu từ việc xem xét, phân tích những đặc trưng cơ bản của hoạt động khám, chữa bệnh.

a.Khám chữa bệnh là hoạt động được bác sĩ thực hiện nhằm mục đích phát hiện, tìm ra đúng bệnh và chữa trị khỏi bệnh cho người bệnh.

Khám chữa bệnh có một vị trí rất đặc biệt không thể thiếu được trong hoạt động chuyên môn của bác sĩ. Nếu khám bệnh là quá trình xem xét tình hình sức khỏe, tìm kiếm, phát hiện những triệu chứng bệnh, trên cơ sở đó xác định đúng bệnh và đưa ra phương án điều trị tốt nhất. Chữa bệnh là tổng hợp các biện pháp, cách thức thủ thuật chuyên môn được người bác sĩ tác động vào người bệnh nhằm làm nhanh chóng cho họ khỏi bệnh, lành vết thương hồi phục sức khỏe.

Để đạt được mục đích của khám chữa bệnh, bác sĩ phải là người chủ động tổ chức, điều chỉnh mọi hành động của mình để nhanh chóng phát hiện ra bệnh và chữa khỏi cho người bệnh. Ngoài việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật y học, thuốc men và các chế độ chuyên môn cho phù hợp với từng loại bệnh và người bệnh, mọi hành động của bác sĩ phải xuất phát từ ý muốn chẩn đoán đúng bệnh, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Muốn đạt được điều này, đòi hỏi mỗi bác sĩ cần phải biết kết hợp đồng bộ các biện pháp,cách thức khác nhau và phải biết vận dụng một cách phù hợp đối với từng người bệnh cụ thể, đồng thời bản thân người bác sĩ phải có trách nhiệm, linh hoạt, chủ động, sáng tạo không ngừng tích lũy kinh nghiệm và nâng cao uy tín của bản thân.

b.Khám chữa bệnh diễn ra trong sự tiếp xúc giữa bác sĩ với người bệnh và bệnh tật.

Khám chữa bệnh được thực hiện trong mối quan hệ người-người. Đây là một dấu hiệu cơ bản để phân biệt nghề bác sĩ với các nghề nghiệp khác. Đối tượng hoạt động của bác sĩ là những người bệnh với nhân cách không lặp lại, hơn thế nữa những nhân cách này với toàn bộ đời sống tâm lý của họ lại bị chi phối bởi bệnh tật. Vì vậy bác sĩ không chỉ có chữa bệnh mà còn phải chữa cả người bệnh nữa.

Tính phức tạp đa dạng của bác sĩ và bệnh tật của họ tạo nên tính phức tạp, đa dạng của các tình huống khám chữa bệnh. Người bác sĩ không được phép sai lầm, nếu không họ sẽ bị trả giá rất đắt bằng cả chính tính mạng của người bệnh hoặc sẽ là người làm tổn thương nhiều nhất đến sức khỏe và tinh thần người bệnh.

Chữa bệnh cứu người là nét đặc thù của ngành y. Để thực hiện được bác sĩ thường xuyên trực tiếp tếp xúc với người bệnh và bệnh tật của họ. Nếu các đối tượng khác phải cách ly với một số loại bệnh tật và người bệnh nhất định thì bác sĩ lại luôn phải trực tiếp đương đầu. Sự tiếp xúc thường xuyên với các loại bệnh luôn là mối đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người bác sĩ. Điều này đòi hỏi mỗi bác sĩ phải biết chấp nhận những vất vả phải biết quên mình vì sự nghiệp, hết lòng với người bệnh.

Đối với mỗi bác sĩ, mỗi ca bệnh là một tình huống không có lời giải đáp trước. Hơn nữa với cùng một loại bệnh nhưng biểu hiện của mỗi người bệnh là luôn khác nhau. Đó là kết quả của sự tác động nhiều yếu tố: yếu tố sinh học như lứa tuổi giới tính, thể trạng vốn có của cơ thể…Các yếu tố tự nhiên như điều kiện địa lý, khí hậu…Các yếu tố kinh tế xã hội và các yếu tố tâm lý đã tạo nên những khác biệt ở mỗi người bệnh. Vì thế đòi hỏi mỗi bác sĩ phải xử lý từng trường hợp cụ thể một cách khác nhau.

c.Khám chữa bệnh có hiệu quả đòi hỏi người bác sĩ không những thành thạo về chuyên môn, sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật y tế mà còn nắm vững kiến thức tâm lý tác động đến người bệnh. Mọi biểu hiện thái độ hành vi của bác sĩ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh.

Tính đặc thù của hoạt động khám chữa bệnh được biểu hiện ở hoạt động của người bác sĩ. Chỉ bác sĩ có đủ thẩm quyền và mọi điều kiện để khám bệnh, ra quyết định điều trị và chịu trách nhiệm trước kết quả chữa bệnh. Hơn nữa đối tượng của bác sĩ không chỉ là bệnh tật mà còn là người bệnh, để hoàn thành nhiệm vụ của mình người bác sĩ không những thạo về chuyên môn,

thạo về kỹ thuật máy móc mà còn phải biết tác động tâm lý đến người bệnh. Nếu thiếu một trong những điều kiện trên thì sẽ khó khám chữa bệnh thành công. Muốn vậy đòi hỏi bác sĩ phải:

- Có trình độ chuyên môn sâu rộng, có kỹ năng vận dụng những kiến thức đó phù hợp với từng tình huống cụ thể khác nhau trong khi khám chữa bệnh.

- Sử dụng thành thạo và nắm vững mọi kỹ thuật hiện đại nhất của y học phát huy cao độ tăng cường hiệu quả khám chữa bệnh.

- Biết chủ động tiếp xúc với người bệnh, tổ chức điều khiển, điều chỉnh mọi cuộc tiếp xúc nhằm đạt tới mục đích của việc khám chữa bệnh. Thông qua những cuộc tiếp xúc, bác sĩ thu nhận được một cách chính xác những thông tin từ phía người bệnh trong quá trình khám. Đồng thời nhận được những thông tin phản hồi của người bệnh để bổ sung điều chỉnh tiến trình điều trị một cách kịp thời.

- Tác động đến tâm lý người bệnh thông qua các cuộc tiếp xúc: các bác sĩ có uy tín, kinh nghiệm có thể dùng lời nói để chữa bệnh, bằng cách chủ động sử dụng những câu nói nội dung và ý nghĩa tích cực tác động vào người bệnh để tăng cường ức chế hoặc thay đổi các kích thích cụ thể. Như V.M. Bechtenhep đã nói: “Nếu sau khi trò chuyện với bác sĩ mà người bệnh không thấy dễ chịu hơn thì đó không phải là bác sĩ” [23, 3]. Người bác sĩ có thể kết hợp uy tín và lời nói của mình để làm tăng hiệu quả của việc dùng thuốc. Qua lời nói có thể đem lại cho người bệnh những cảm xúc tích cực hơn trong việc điều trị bệnh, nhờ vậy mà hiệu quả khám chữa bệnh được tốt hơn.

- Chủ động thể hiện thái độ, hành vi nhằm đem lại cho người bệnh những cảm xúc tích cực, sự yên tâm tin tưởng có lợi đối với quá trình điều trị.

Thông thường người bệnh đi khám, chữa bệnh đều có một tâm trạng chung là lo lắng về bệnh tật của mình. Họ đều có chung một ước vọng là gặp được những bác sĩ có kinh nghiệm, có “tấm lòng”. Để đánh giá người bác sĩ mình giao phó tính mạng, người bệnh thường quan sát bề ngoài qua những

hành vi ứng xử của bác sĩ. Tất cả những điều thu nhận được qua quan sát này có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bệnh. Bởi vậy các bác sĩ phải hết sức thận trọng với những lời nói, hành vi, cử chỉ của mình. Mọi biểu hiện sự tự tin, tập trung vào công việc của mình là vô cùng cần thiết đối với mỗi bác sĩ

Một phần của tài liệu MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM GIAO TIẾP CỦA BÁC SĨ VỚI BỆNH NHÂN TRONG QUÁ TRÌNH KHÁM, CHỮA BỆNH TẠI TRUNG TÂM Y HỌC HẠT NHÂN VÀ UNG BƯỚU VÀ MỘT SỐ KHOA LÂM SÀNG TẠI BỆNH VIỆN (Trang 32 -32 )

×