Giao tiếp của bác sĩ với bệnh nhân

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm giao tiếp của bác sĩ với bệnh nhân trong quá trình khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu và một số khoa Lâm sàng tại Bệnh viện (Trang 28)

Cách tiếp cận của các nhà tâm lý học y học với khái niệm giao tiếp giữa bác sĩ với người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh có thể theo 2 khuynh hướng sau đây.

Hướng thứ nhất: Coi giao tiếp như là sự trao đổi thông tin, là sự tác động tâm lý của bác sĩ lên người bệnh nhằm mục đích khám chữa bệnh như quan điểm của:

- P. Ley cho rằng, giao tiếp của bác sĩ là năng lực truyền cho người bệnh những hiểu biết về vấn đề điều trị, làm thỏa mãn ở họ những hiểu biết đó và trên cơ sở đó làm tăng khả năng nghe theo lời khuyên bác sĩ của người bệnh.

- B. Resetova coi giao tiếp giữa bác sĩ với người bệnh là một quá trình trao đổi thông tin, có tác dụng như một liệu pháp tâm lý, nhằm làm thay đổi nhận thức và mức độ cảm xúc của người bệnh [32, 124].

- V.M. Banchicov thì coi giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý, biểu hiện ở người bác sĩ biết gây tình cảm với người bệnh, hiểu thấu những nhận cảm phức tạp trong tinh thần người bệnh, biết cho người bệnh những lời khuyên hợp lý để tăng cường hiệu quả điều trị.

- J. Richards cho rằng giao tiếp là quá trình trao đổi thông tin giữa bác sĩ với người bệnh, nhằm thu thập đầy đủ những thông tin về người bệnh, giúp cho quá trình chẩn đoán thêm độ chính xác [27, 78].

- Một số tác giả như A.G. Covaliov, G.V. Burcopxki đã quan tâm thích đáng tới giao tiếp như là một liệu pháp điều trị.

N.B. Elstein thì coi ngôn ngữ giao tiếp của bác sĩ với người bệnh là công cụ để phòng bệnh và chữa bệnh…

Ở Việt Nam, giáo sư Phạm Khuê cho rằng “giao tiếp của bác sĩ với người bệnh là việc tiếp xúc với người bệnh, qua đó người người bệnh nắm được những thông tin cần thiết để chẩn đoán bệnh đầy đủ và chính xác. Đồng thời cũng là một cách thực hiện tâm lý liệu pháp để chữa bệnh, bên cạnh các phương pháp điều trị khác [31, 12].

Trong xu hướng này, các tác giả đã xác định được một số khía cạnh trong nội hàm khái niệm giao tiếp. Tuy nhiên họ chưa đi sâu vào phân tích bản chất của quá trình này mà họ mới chỉ chú ý tới ý nghĩa ứng dụng của giao tiếp.

Hướng thứ hai: Xem giao tiếp của người bác sĩ với người bệnh như là

một quá trình thể hiện quan hện liên nhân cách, cụ thể hóa giao tiếp ở cách ứng xử nhằm hỗ trợ tăng cường hiệu quả khám, chữa bệnh. Các tác giả thể hiện quan niệm này như:

- D. Barcia: Coi giao tiếp của bác sĩ với người bệnh là sự thiết lập mối quan hệ giữa người bệnh với người bệnh trên cơ sở của tình bạn, của người giúp đỡ [26, 301].

- B. Hoerni thì lại cho rằng, giao tiếp của người bệnh với người bệnh là khả năng tiếp xúc với người bệnh, tìm ra được những lời khuyên cũng như lựa chọn được cách đối xử tốt nhất với người bệnh [16, 74].

- B.A. Erecov cho rằng giao tiếp là cách ứng xử của bác sĩ với người bệnh trong quá trình khám và điều trị, tạo cho người bệnh cảm giác thoải mái, nhẹ nhõm, dễ chịu cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp cho người bệnh có thêm nghị lực niềm tin để chữa bệnh.

- R. Cheli: giao tiếp của người bác sĩ với người bệnh là sự thiết lập mối quan hệ đúng đắn với người bệnh cho phù hợp với môi trường xung quanh, tạo điều kiện tăng cường hiệu quả khám chữa bệnh [25, 16].

- A.M. Epstein và C. Taylor cho rằng, giao tiếp của bác sĩ với người bệnh là để tạo nên sự thỏa thuận giữa bác sĩ với người bệnh ở những khía cạnh cơ bản của sự chăm sóc, giúp người bệnh thực hiện tốt những yêu cầu điều trị của bác sĩ [23, 78].

Ở Việt Nam tác giả Nguyễn Khắc Viện xem giao tiếp là quan hệ giữa bác sĩ với người bệnh, nhằm tạo ra sự tin tưởng và khả năng chữa trị người bệnh [28, 21].

Ở hướng nghiên cứu này, các tác giả đã làm rõ được khái niệm giao tiếp ở góc độ xác lập mối quan hệ giữa bác sĩ với người bệnh, cụ thể hóa giao tiếp của người bác sĩ ở cách ứng xử. Tuy nhiên, họ lại chưa đề cập đến các mặt chứa đựng trong nội hàm khái niệm giao tiếp như thông tin thái độ cảm xúc…

Từ hai hướng đó nghiên cứu đó, chúng tôi thấy nội hàm khái niệm giao tiếp của bác sĩ với người bệnh bao gồm những nội dung chính sau.

- Giao tiếp của bác sĩ với người bệnh là một loại giao tiếp mang tính nghề nghiệp, được thực hiện trong quá trình khám chữa bệnh.

- Giao tiếp của bác sĩ với người bệnh diễn ra sự tiếp xúc tâm lý biểu hiện ở các mặt: nhận thức, bày tỏ thái độ cảm xúc, thông tin…

- Mục đích giao tiếp là để phối hợp hành động giữa bác sĩ với người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình này.

Trong quá trình khám bệnh giao tiếp của bác sĩ với người bệnh là sự tiếp xúc tâm lý chủ yếu trên các mặt thông tin, nhằm mục đích phát hiện ra bệnh và tăng hiểu biết về người bệnh.

Tổng hợp các khái niệm về giao tiếp và giao tiếp giữa bác sĩ với bệnh nhân của các tác giả đi trước, trong đề tài nghiên cứu của mình, chúng tôi đưa ra định nghĩa khái niệm giao tiếp của bác sĩ với bệnh nhân là sự tiếp xúc tâm lý chủ yếu bày tỏ thái độ cảm xúc, nhằm mục đích phối hợp hành động giữa bác sĩ và người bệnh để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm giao tiếp của bác sĩ với bệnh nhân trong quá trình khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu và một số khoa Lâm sàng tại Bệnh viện (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)